8 bài học kinh doanh rút ra từ Sylvester Stallone và bộ phim Rocky
- Đỗ Hoàng
- •
Được mệnh danh là “bộ phim thể thao hay nhất mọi thời đại”, Rocky đã đi sâu vào lòng khán giả Mỹ và trở thành một phần trong nền văn hóa của đất nước này kể từ năm 1976.
Và nhắc đến Rocky, không thể nào không nhắc đến vị “cha đẻ” của tác phẩm – huyền thoại Sylvester Stallone. Trong mắt người hâm mộ, Stallone là hiện thân của một lòng dũng cảm, một ý chí kiên cường mà từ đó con người ta có thể đạt được thành công và ngưỡng vọng. Đã có rất nhiều bài học được lấy cảm hứng từ nhân vật này, từ cả chính con người Stallone hay những vai diễn để đời trong sự nghiệp rạng rỡ của ông.
1. Tạo chỗ đứng cho chính mình
Tiểu sử của Stallone là câu chuyện điển hình về một kẻ khố rách áo ôm trở thành một nhân vật giàu có. Từ một diễn viên vô gia cư sống chật vật qua ngày, Stallone đã phải nhảy từ vai phụ này đến vai phụ khác trong suốt những năm đầu bước chân vào nghề, những vai diễn mà đến bây giờ người ta mới biết tới sau khi nam diễn viên đã ở trên đỉnh cao của sự nghiệp. Rốt cuộc, ông đã thay đổi cuộc đời mình như thế nào?
Chàng trai Stallone ngày ấy, với một nửa khuôn mặt bên trái bị liệt và môi dưới bị trễ xuống do những tổn thương thần kinh từ khi ra đời cùng chứng nói lắp, đã nuôi một giấc mộng không tưởng… anh muốn trở thành một diễn viên thực thụ. Sau hàng tá lần bị từ chối và phải vật lộn mưu sinh với những vai diễn vô danh, những tưởng số phận đã quật ngã Stallone. Nhưng không, thay vì thụ động chờ đợi một vai diễn tuyệt vời rơi xuống trước mặt mình, năm 1975 Stallone đã tự tay viết nên một kịch bản để đời chỉ trong vỏn vẹn 3 ngày mang tên “Rocky”. Rocky kể về câu chuyện của một võ sĩ quyền anh cùng tên đã vượt lên số phận bần hàn và bước lên đỉnh vinh quang như thế nào.
Sau khi chào bán kịch bản Rocky cho một nhà làm phim, Stallone đã liên tục từ chối các mức giá dù được nâng lên đến 350.000 đô la. Chành thanh niên sống trong cảnh bần cùng lúc đó đã không ngần ngại từ bỏ số tiền ấy và chỉ nhận 35.000 đô la để đổi lại được thủ vai chính – nhân vật Rocky Balboa trong nguyên tác.
Bộ phim ra đời sau quyết định táo bạo ấy đã được đề cử 10 giải Oscar và có tựa đề là Rocky (Tay đấm huyền thoại). Người anh hùng của tầng lớp lao động trong phim, Rocky Balboa, hiểu rằng anh ấy phải tìm kiếm thành công theo cách riêng của mình. Như Rocky đã nói: “Tôi từ lâu đã không còn suy nghĩ theo lối người khác nghĩ rồi. Bạn phải tự tư duy theo cách của bạn.”
Trong kinh doanh cũng vậy, bạn phải tự tìm tòi và phát triển những điểm khác biệt của mình – những thứ khiến bạn trở nên độc đáo và có giá trị.
2. Những khiếm khuyết đầu đời không thể kìm hãm thành công trong tương lai
Khi Stallone chào đời, các bác sĩ đã sử dụng kỹ thuật sinh con bằng kẹp forceps để kéo ông ra. Hậu quả là ông bị tổn thương thần kinh khiến khuôn mặt bị liệt một phần.
Thay vì để điều này trở thành một rào cản, Stallone đã tận dụng các khiếm khuyết của mình để xây dựng một nhân vật có những đặc điểm không lẫn vào đâu được, với kiểu cười nhếch mép và lối nói hơi nhịu.
3. Luôn giữ hình thể hợp lý
Stallone hiện đã 73 tuổi và cơ thể ông trông vẫn cân đối hơn hầu hết những người đồng trang lứa khác. Ưu tiên hàng đầu của ông là sức khỏe. Mặc dù có thể ông không còn đạt được mức 2,8% tỉ lệ mỡ toàn cơ thể như hồi tập luyện cho Rocky III, nhưng trong một cuốn sách xuất bản năm 2005 về kế hoạch rèn luyện thành công của mình, Stallone đã ghi lại chi tiết về tầm quan trọng của việc tập thể dục cho cả sức khỏe tinh thần lẫn thể chất. Đó là một cuốn sách đầy cảm hứng.
4. Luôn luôn khiêm tốn
Stallone không phải là một thiên thần. Ông vẫn là một con người với những lỗi lầm và yếu điểm như bao người khác. Sau khi thành công và nổi tiếng, ông cũng bị quyến rũ bởi những cạm bẫy của sự giàu có. Một bài viết vào năm 1982 trên tạp chí Rolling Stone giải thích: “Sylvester Stallone nhớ lại khoảnh khắc khi nhận ra mình là một kẻ tự phụ. Lúc đó anh đang ngồi trên chiếc Clénet có giá hơn 80.000 đô la, anh mới sở hữu nó được hai tuần và nghĩ rằng đó là một chiếc xe đẹp cho đến khi anh liếc thấy hình ảnh phản chiếu của chiếc xe đắt tiền trên mặt kính một cửa hàng và tự hỏi: ‘Kẻ tự phụ nào đang lái chiếc xe này đây?’”. Stallone đã bán chiếc xe ấy vào ngày hôm sau.
Những chiếc xe hào nhoáng không làm cho chúng ta trở nên thành đạt và giỏi giang. Tương tự như vậy, để điều hành một doanh nghiệp thành công không chỉ là vấn đề về tiền bạc và địa vị; đó là trách nhiệm tạo ra công ăn việc làm cho người khác và những đóng góp tốt đẹp cho cộng đồng. Đây cũng chính là bài học được rút ra từ đức khiêm tốn của Stallone.
5. Chiến thắng không phải là tất cả
Điều này nghe có vẻ buồn cười. Nếu bạn hỏi hầu hết mọi người (trừ những ai là fan hâm mộ của Stallone) chuyện gì xảy ra ở phần kết của Rocky, họ sẽ nói với bạn rằng anh ta đã chiến thắng trong một trận đấu lớn. Và họ đã sai. Bộ phim đầu tiên trong loạt phim Rocky không hề kết thúc bằng chiến thắng, ít nhất không phải là một chiến thắng trên võ đài. Chiến thắng của Rocky Balboa trong phim không phải là một cú “knockout”, và thậm chí cũng không đến từ sự công nhận của trọng tài. Đối thủ của Rocky, Apollo Creed mới là người giành vinh quang nhờ quyết định không đồng thuận của tổ trọng tài.
Nhưng Rocky đã trở thành người hùng trong mắt công chúng vì anh ấy đã luyện tập chăm chỉ hết sức để bù lại sự chênh lệch đẳng cấp và đã trụ hết 15 hiệp khi đối đầu với một võ sĩ quyền anh giỏi nhất thế giới. Và, tất nhiên, anh ấy đã làm được điều đó với toàn bộ nhiệt huyết trong tâm, với một thái độ khiêm nhường và một nhân phẩm tốt đẹp.
Một doanh nhân cũng nên làm việc với thái độ tương tự. Hãy chăm chỉ và tự hào về công việc của bản thân, giống như cách Rocky Balboa đã tìm thấy chiến thắng theo cách của riêng mình.
6. Ngớ ngẩn cũng không sao
Sylvester Stallone đã làm nên sự nghiệp khi thủ vai những anh chàng mạnh mẽ, kiên cường, từ Rocky Balboa đến John Rambo. Nhưng anh ấy đã làm gì khi cậu con trai nhỏ của anh, Sage, muốn gặp bố trong chương trình The Muppet Show? Stallone đã mặc trang phục đấu sĩ, tham gia vào trận chiến đấu ngớ ngẩn với một con sư tử bông do người thật đóng trước khán giả của Muppet và hát một phiên bản kỳ quái của bài “Let’s Call the Whole Thing Off”. Thật vậy, Sylvester Stallone đã xuất hiện một cách rất “đáng yêu” trên “show” diễn trong tập 320 vào năm 1979.
Những khoảnh khắc ngớ ngẩn và buồn cười ấy lại khiến khán giả càng yêu quý anh thêm. Stallone đã ưu tiên cho gia đình và niềm vui hơn là tô vẽ hình ảnh của một anh hùng.
7. Giá trị của sự nỗ lực
Thành công mà đạt được dễ dàng sẽ không bao giờ đáng trân quý. Stallone có một sự hiểu biết sâu sắc về giá trị của nỗ lực và cống hiến: Nếu bạn không có gì để vượt qua, hãy tự dựng lên một ngọn núi và sau đó leo qua nó. Và sau khi bạn leo lên được ngọn núi này, hãy dựng lên một ngọn núi khác; nếu không, bạn đã bắt đầu đi trên một con đường thẳng vô vị trong cuộc sống.
Nếu như có ai có quyền được nghỉ ngơi trên vinh quang của vòng nguyệt quế thì người đó chính là Sylvester Stallone. Nhưng ông không làm như vậy. Ông đã tiếp tục làm việc với các dự án phát triển và sản xuất phim mới. Tại sao khán giả yêu mến Stallone? Bởi vì ông là biểu tượng của sự chăm chỉ, ông sở hữu một tinh thần doanh nhân đúng nghĩa. Ông đã đối mặt với những khó khăn theo nghĩa đen từ ngày đầu tiên, và cuối cùng đã tạo được thành công của riêng mình.
8. Một tấm lòng đẹp
Sẽ thật là thiếu sót nếu nhắc đến Sylvester Stallone mà quên mất câu chuyện về chú chó “Butkus” của ông. Chắc hẳn bạn còn nhớ vì để đổi được vai diễn chính trong Rocky, Stallone đã chấp nhận chào bán kịch bản của mình với mức giá chỉ 35.000 đô la. Vậy ông đã làm gì với số tiền ấy?
Giữa những ngày tháng khốn khổ thời tuổi trẻ, trong một lần vất vưởng không xu dính túi trên phố, Stallone đã phải nuốt nước mắt bán đi chú chó của mình cho một người lạ tại quán rượu với giá 25 đô la, vì không còn gì cho nó ăn. Ngay sau khi nhận được món thù lao cho kịch bản, việc đầu tiên Stallone nghĩ đến là đi tìm lại “Butkus”. Chàng trai trẻ đã quay lại quán rượu ngày ấy và đứng chờ trong mấy ngày liền, cuối cùng anh cũng gặp lại người mua “Butkus”. Và chú chó được bán đi trong lúc bần hàn với mức giá 25 đô la nay được chuộc lại với giá… 15.000 đô la! Câu chuyện cảm động này sau đó đã được truyền đi muôn nơi.
Một trái tim đẹp đẽ bên dưới một ý chí kiên cường. Thật không khó để lý giải sự thành công của Sylvester Stallone. Đây cũng là những phẩm chất mà chắc chắn bất kỳ doanh nhân nào cũng đều nên học hỏi.
Đỗ Hoàng
Xem thêm:
Từ khóa Bài học kinh doanh Bài học cuộc sống Sylvester Stallone Bộ phim Rocky