Vị CEO có xuất thân nghèo khó của chuỗi cửa hàng cà phê lớn nhất thế giới Starbucks
- Lan Hoa
- •
30 năm trước khi Howard Schultz bước vào giới cà phê, ông chỉ có một mục tiêu đó là nâng cao mối quan hệ chặt chẽ giữa cà phê và con người.
Cà phê Starbucks mà ông Schultz lãnh đạo chính là chuỗi cửa hàng cà phê lớn nhất thế giới và là một trong những thương hiệu cà phê được ưa chuộng nhất, tới nay đã đạt đến mức vốn hóa thị trường là 82 tỷ USD. Năm vừa rồi, Starbucks thu về lợi nhuận là 2,8 tỷ USD trên tổng doanh thu là 19 tỷ USD, thiết lập mức kỉ lục mới trong lịch sử.
Không lâu trước đây, ông Schultz tuyên bố từ ngày 3/10/2017 trở đi sẽ nâng mức lương của các nhân viên Starbucks ở Mỹ trong khoảng từ 5-15%. Việc nâng lương này không chỉ là lời cam kết lâu dài của ông Schultz trong việc đầu tư mạnh tay cho phúc lợi của nhân viên mà còn khẳng định vai trò quan trọng của Starbucks trong nền kinh tế Mỹ hiện nay.
Howard Schultz xuất thân từ một gia đình lao động có thu nhập ở mức nghèo tại Mỹ, làm thế nào ông lại có thể trở thành CEO của chuỗi cửa hàng cà phê lớn nhất toàn cầu như vậy?
Xuất thân nghèo khó
Ông Schultz sinh ra tại Brooklyn, New York vào ngày 19/7/1953. Khi còn nhỏ, ông từng phải trải qua quãng thời gian nghèo khó. Năm 7 tuổi, cha ông bị ngã gãy chân trong khi làm việc, do cha ông không có bất cứ bảo hiểm hay trợ cấp lao động nào nên khi đó gia đình ông mất đi nguồn thu nhập.
Sau khi lên trung học, ông Schultz giành được học bổng thể thao của trường đại học Bắc Michigan khi thắng giải bóng bầu dục. Thế nhưng sau khi vào đại học, ông Schultz đã quyết định không tiếp tục chơi bóng bầu dục nữa.
Để trả tiền học phí, ông Schultz lúc này đã phải làm nhiều công việc khác nhau để kiếm tiền, ông đã làm các công việc như bartender…, thậm chí đôi khi cả bán máu.
Sự nghiệp thăng tiến
Sau khi tốt nghiệp vào năm 1975, ông Schultsz làm việc một năm ở khu trượt tuyết bang Michigan để chờ đợi nguồn cảm hứng. Sau đó ông tham gia vào kế hoạch bồi dưỡng kinh doanh của công ty Xerox và đã được trải nghiệm việc trực tổng đài điện thoại và làm công việc nhập tài liệu bán hàng ở New York.
Ba năm sau, ông Schultz rời khỏi Xerox để đến làm việc cho Perstorp, công ty kinh doanh đồ gia dụng của Thụy Điển ở Hammarplast. Tại đó, ông Schultz đã được thăng lên chức Phó chủ tịch kiêm Tổng giám đốc, chịu trách nhiệm lãnh đạo đội ngũ bán hàng ở New York.
Trong thời gian ở Hammarplast, ông biết đến Starbucks lần đầu tiên, thời điểm đó Starbucks có một vài cửa hàng ở thành phố Seattle. Khi Starbucks đặt hàng với công ty ông một số lượng lớn bất thường các máy pha cà phê nhỏ giọt, điều này khiến ông Schultz chú ý.
Vì tò mò nên ông Schultz đã đến Seattle để gặp chủ sở hữu của Starbucks là Gerald Baldwin và Gordon Bowker. Khi đó Starbucks chỉ bán cà phê sạch đã thu hút những người yêu thích cà phê, sự dũng cảm và nhiệt tình này đã khiến ông Schultz bất ngờ và ấn tượng.
Một năm sau, ông Schultz lúc này 29 tuổi đã thuyết phục được Baldwin tuyển ông vào làm giám đốc kinh doanh bán lẻ và tiếp thị. Khi đó Starbucks có 3 cửa hàng chủ yếu chỉ bán cà phê cân ký để uống ở nhà.
Nắm bắt cơ hội, trở thành CEO của Starbucks
Sự nghiệp của Schultz và số phận của Starbucks đã thay đổi từ khi công ty cử ông đến buổi triển lãm đồ gia dụng quốc tế ở Milan, Ý.
Khi ở Milan, ông Schultz đã tham quan vài tiệm cà phê và nhận ra việc khách hàng và chủ của những tiệm cà phê này có mối quan hệ rất thân thiết, họ biết cả tên của khách, họ bán cho khách những loại thức uống như cappuccino và latte. Trong khoảnh khắc đó ông Schultz đã hiểu ra giữa người với người có thể xây dựng mối quan hệ với nhau thông qua cà phê.
Năm 1985, ông Schultz đã đề nghị với Starbucks được tổ chức những buổi trải nghiệm cà phê Ý nhắm vào những người yêu thích cà phê nhưng bị người sáng lập từ chối. Sau đó, ông đã rời khỏi Starbucks và xây dựng công ty cà phê của riêng mình có tên Il Giornale (có nghĩa là “Mỗi ngày” trong tiếng Ý). Để công ty cà phê này “cất cánh”, ông Schultz đã đầu tư hơn 1,6 triệu USD.
Ông Schultz viết trong quyển sách “Dốc hết trái tim” (Pour Your Heart Into It) của ông rằng:
“Để gom góp vốn, trong vòng một năm, tôi đã nói chuyện với 242 người nhưng bị 217 người từ chối. Hãy thử tưởng tượng sẽ nhụt chí như thế nào khi liên tục phải nghe rất nhiều người nói vì sao ý tưởng của bạn không đáng để đầu tư. Đó là khoảng thời gian mà lòng tự tôn của tôi chịu tổn thương nhiều nhất”.
Sau khi rời khỏi Starbucks, ông Schultz đã mất 2 năm nỗ lực hết sức để vận dụng văn hóa cà phê mà ông được nhìn thấy ở Ý vào Il Giornale.
Tháng 8/1987, Il Giornale đã mua lại Starbucks với giá 3,8 triệu USD và ông trở thành CEO của Starbucks sở hữu 6 cửa hàng lúc bấy giờ.
Starbucks phát triển nhanh chóng ở Mỹ. Năm 1992, Starbucks chính thức lên sàn chứng khoán Nasdaq, năm đó doanh thu của 165 cửa hàng là 93 triệu USD. Đến năm 2000, Starbucks là doanh nghiệp đa quốc gia sở hữu 3.500 cửa hàng với doanh thu năm lên đến 2,2 tỷ USD.
Sự thành công của Starbucks khiến ông Schultz trở nên giàu có. Năm 2001, ông Schultz đã mua lại đội bóng rổ Super Sonics của NBA với giá 200 triệu USD.
Việc đầu tư cho đội bóng rổ Super Sonics NBA đã thất bại sau những tranh đấu trong nội bộ và sự bất hòa giữa các thành viên đội bóng với ông Schultz. Năm 2006, ông đã bán Super Sonics cho một nhóm các nhà đầu tư. Nhà đầu tư mới đã chuyển Super Sonics đến thành phố Oklahoma, điều này đã gây tổn hại rất lớn đối với sự ảnh hưởng của ông Schultz ở thành phố Seattle, sau này ông phát biểu rằng việc sở hữu Super Sonics là “một cơn ác mộng”.
Việc kinh doanh của Starbucks cũng gặp bất lợi. Năm 2008, ông Schultz trở lại Starbucks với tư cách là CEO (sau 8 năm lui về làm Chủ tịch của Starbucks), ông đã mất vài năm để cải tổ Starbucks với quy mô lớn. Tới năm 2010, lợi nhuận của Starbucks tăng từ 315 triệu USD lên 945 triệu USD.
Sự thay đổi quy mô lớn của ông Schultz bao gồm việc tạm thời đóng cửa 7.100 cửa hàng ở Mỹ, huấn luyện lại các barista cách để pha một ly cà phê expresso hoàn hảo.
Trong thời gian này, Starbucks tăng gấp đôi lượng cà phê thương mại công bằng lên đến khoảng hơn 18 triệu tấn (chiếm khoảng 65% tổng sản phẩm) như một lời hứa sẽ tiếp tục phát triển vững mạnh. Năm 2015, 99% cà phê của Starbucks đều có nguồn gốc rõ ràng.
Quan tâm tới nhân viên
Trong sự nghiệp kinh doanh Starbucks, ông Schultz luôn ưu tiên quan tâm đến nhân viên, ông gọi các nhân viên là “đối tác”. Năm vừa rồi, Starbucks tuyên bố sẽ trả tiền học phí 4 năm cho các nhân viên học trực tuyến ở Đại học Arizona.
Nguyên nhân chủ yếu cho việc ông Schultz cố gắng cung cấp phúc lợi cho nhân viên là từ kinh nghiệm xương máu năm đó cha ông bị thương trong lúc làm việc. Starbucks trở thành một trong những doanh nghiệp bán lẻ đầu tiên cung cấp toàn bộ bảo hiểm y tế và quyền lựa chọn cổ phiếu cho tất cả các nhân viên (bao gồm cả các nhân viên bán thời gian).
Tháng 7/2016, ông Schultz đã tăng ít nhất 5% lương cho 150.000 nhân viên và tăng phúc lợi cho nhân viên. Điều này một lần nữa khẳng định vị thế dẫn đầu của Starbucks trong số các doanh nghiệp hàng đầu, đặc biệt là trong ngành kinh tế dịch vụ, nơi mà sự cạnh tranh sức lao động càng lúc càng kịch liệt.
Hướng tới mục tiêu lớn
Starbucks đã hoàn thành được hơn một nửa chặng đường hướng tới mục tiêu tuyển dụng 10.000 cựu chiến binh cùng người phối ngẫu của họ vào năm 2018. Là một phần trong “Sáng kiến 100.000 cơ hội” (100.000 Opportunities Initiative) – liên minh sử dụng lao động triển khai giúp đỡ sự nghiệp cho thanh niên nghèo, trong vòng 3 năm tiếp theo, Starbucks sẽ tuyển dụng 10.000 thanh niên ở độ tuổi từ 16-24.
Mục tiêu cuối cùng của ông Schultz là muốn dùng thị trường toàn cầu của Starbucks để khiến thế giới trở nên tốt đẹp hơn.
Ông Schultz đã bắt đầu phát huy tầm ảnh hưởng của ông trong việc lên án “luật cho sử dụng súng rộng rãi”, nói lên tầm quan trọng của một xã hội đa dạng và đa chủng tộc, cùng với việc bắt đầu thảo luận về các vấn đề chủng tộc trong nước.
Mới đây, Starbucks đã triển khai kế hoạch FoodShare (“Chia sẻ thức ăn”), quyên tặng những món ăn còn thừa của cửa hàng cho ngân hàng thực phẩm trên toàn nước Mỹ. Chuỗi cửa hàng cà phê này có kế hoạch đến năm 2021 sẽ quyên tặng khoảng 50 triệu phần ăn.
Trong 28 năm qua, ông Schultz đã đưa Starbucks trở thành một công ty khổng lồ có hơn 22.500 cửa hàng trên 70 quốc gia với doanh thu hằng năm hơn 19,2 tỷ USD.
Ông Schultz viết trong quyển sách “Dốc hết trái tim” rằng: “Tôi luôn chủ động tích cực và khao khát học hỏi”, “Trong khi những người khác đều đã nghỉ ngơi hoặc trong trạng thái hồi phục thì tôi vẫn luôn cố gắng theo đuổi những thứ mà người khác không nhìn thấy”.
Tài sản của Starbucks và Howard Schultz luôn tăng lên. Trang đánh giá tài sản Weath-X ước tính tài sản ròng của ông Schultz ít nhất là 2,6 tỷ USD.
Ông Schultz tiết lộ trong cuốn “Dốc hết trái tim” rằng, ông dành sự thành công to lớn này cho người cha quá cố của mình – người chưa từng có được cảm giác thành tựu và danh dự trong công việc.
Trong lá thư gửi đến các cổ đông vào năm 2015, ông Schultz cho biết, ông hy vọng Starbucks sẽ “thể hiện với thế giới mình là một công ty lấy mục tiêu là lợi nhuận được công khai trên sàn chứng khoán, làm được những việc đúng đắn mà công chúng muốn và thậm chí là vượt xa khỏi những gì họ kỳ vọng”.
Theo Business Insider
Lan Hoa
Xem thêm:
Từ khóa đạo đức kinh doanh kinh doanh Bài học kinh doanh Starbucks