9 bí quyết giúp bạn thông minh hơn trong mắt người khác
- Đức Minh
- •
Bạn có thể không có khả năng thay đổi gen di truyền để thay đổi chỉ số thông minh của mình, nhưng hẳn sẽ có một số chiến lược giúp những người xung quanh cảm thấy bạn không hề kém thông minh. Tiến sĩ Travis Bradberry, đồng tác giả của cuốn sách bán chạy nhất số một “Emotional Intelligence 2.0” và là đồng sáng lập của TalentSmart đã đưa ra một số gợi ý để giúp bạn có thể trở nên thông minh hơn trong mắt người khác.
1. Nhìn thẳng vào mắt đối phương
Trong giao tiếp, bạn sẽ được đánh giá cao nếu dám nhìn thẳng vào mắt đối phương. Điều này khiến bạn trở nên chân thành, tự tin và cũng thông minh hơn trong mắt người khác. Đặc biệt, những ai thường xuyên giao tiếp bằng mắt còn được nhận xét là có khả năng lãnh đạo cũng như năng lực áp đảo đối phương.
Năm 2007, một nghiên cứu của Đại học Loyola, Chicago đã cho thấy mối liên hệ giữa việc giao tiếp bằng ánh mắt với đánh giá của những người xung quanh về mức độ thông minh của bạn. Cụ thể, việc nhìn vào mắt đối phương thể hiện sự tự tin và khả năng tập trung của một người, và điều này có liên quan mật thiết tới chỉ số IQ. Do đó, bạn sẽ được người xung quanh đánh giá thông minh hơn nếu như biết tận dụng phương thức này một cách khéo léo.
2. Tự tin
Người thông minh sẽ luôn tự tin vào bản thân mình. Khi bạn tin vào bản thân mình, thì chính điều đó sẽ giúp cải thiện nhận thức của bạn. Trái lại, sự tự ti sẽ làm giảm khả năng nhận biết vấn đề. Khi bạn tỏ ra tự ti, những người xung quanh bạn sẽ dễ dàng nhận ra điều đó, và họ sẽ cảm thấy bạn kém thông minh hơn trong mắt họ. Nếu muốn người khác tin bạn, thì trước hết bạn phải tin vào chính bản thân minh.
3. Nói năng rõ ràng mạch lạc
Chuyên gia truyền thông Leonard Mlodinow nhận định rằng, cho dù có hai người cùng nói một câu với nội dung giống hệt nhau, thì người nào diễn đạt điều đó mạch lạc, rõ ràng hơn sẽ được hiểu là thông minh hơn. “Nếu hai người nói đúng chính xác cùng một câu, nhưng người nói nhanh hơn, to hơn và ít ngập ngừng sẽ được đánh giá là có nhiều năng lượng, hiểu biết và thông minh hơn.” Nếu bạn muốn được đánh giá là thông minh hơn, hãy cố gắng điều chỉnh cách nói chuyện của mình, có thể thay đổi cao độ, âm lượng, tốc độ, nhấn mạnh vào những từ quan trọng và đừng quên thêm vào đó những cảm xúc tích cực.
4. Hạn chế uống bia rượu
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Michigan và Đại học Pennsylvania đã tiến hành khảo sát nghiên cứu và đúc rút ra được cái gọi là “thành kiến về những kẻ ngốc nghiện ngập cố tỏ ra hấp dẫn”: “Những người nghiện rượu đều bị coi là kém thông minh dù thực tế có thể họ không như vậy.” Trên thực tế, những người thường xuyên xuất hiện với ly rượu trên tay sẽ khiến họ trở nên kém thông minh hơn trong mắt người khác. Thậm chí, trong một số trường hợp, do uống quá chén dẫn đến lỡ lời hay có những hành động hơi thái quá, ấn tượng về bạn trong mắt đối phương sẽ còn hạ thêm một bậc giá trị nữa.
5. Không chửi thề
Công ty nghiên cứu thị trường Harris Interactive đã tiến hành khảo sát 5.800 nhà quản lý nhân sự và các nhân viên về thái độ của họ với những người thường xuyên chửi thề. Kết quả cho thấy, có tới 54% số người tham gia cho rằng việc chửi thề khiến người ta trở nên kém thông minh hơn, kém chuyên nghiệp hơn, kém chín chắn hơn và khả năng kiểm soát bản thân cũng yếu hơn. Do đó, để không bị mất điểm trong mắt những người xung quanh, một trong những điều bạn cần chú ý chính là ngôn ngữ của bản thân mình. Khi tức giận, mỉm cười sẽ giúp bạn ghi điểm, còn chửi thề sẽ khiến bạn đánh mất giá trị bản thân.
6. Chú ý cách ăn mặc
Theo nghiên cứu của nhà tâm lý học Satoshi Kanazawa, người ta thường có khuynh hướng nhận định rằng những người có ngoại hình chỉn chu sẽ thông minh hơn người khác. Rõ ràng, trang phục có vai trò khá quan trọng giúp bạn gây ấn tượng với mọi người xung quanh. Những bộ trang phục đẹp có thể “đánh lạc hướng” chú ý của mọi người vào cơ thể bạn chứ không phải là tâm trí của bạn.
Thông thường, trong những cuộc giao tiếp đòi hỏi độ trang trọng, đồ vest đứng đầu danh sách những trang phục tạo được sự tin tưởng, cảm giác đảm bảo cho người mới gặp. Trong những trường hợp khác, một bộ trang phục phù hợp, thoải mái cũng góp phần khiến bạn gây được thiện cảm hơn cho đối phương.
7. Đeo kính phong cách “mọt sắt”
Mới nghe thì điều này nghe có vẻ không hợp lý lắm, nhưng thực tế là một cặp mắt kính dày cộm có thể khiến người lạ nghĩ rằng bạn thông minh hơn. Kết quả nghiên cứu năm 2011 đăng trên tờ Swiss Journal of Psychology khẳng định rằng người ta thường nhìn nhận những ai mang cặp kính dày với gọng kính tối màu có tư chất của “bác học” hay “thiên tài”. Do vậy, để thay đổi ấn tượng của mình trong mắt người khác, bạn cũng nên thử cách thức đơn giản này.
8. Nói – viết theo cách đơn giản
Một người thực sự thông minh sẽ không cần dùng ngôn từ đao to búa lớn để thể hiện ý kiến của mình, mà thay vào đó sẽ làm thế nào để những người xung quanh dễ hiểu nhất, làm sao cho đảm bảo hiệu quả giao tiếp được tốt nhất. Do vậy, đừng cố gắng tỏ ra mình là một nhà ngôn ngữ học với những từ ngữ hàn lâm, mà hãy nói – viết theo cách đơn giản nhất có thể.
9. Lập biểu đồ trong tài liệu
Các nghiên cứu được tiến hành tại Đại học Cornell nhận thấy rằng, độ tin cậy của độc giả sẽ cao hơn nếu như một nguồn tin hay báo cáo có biểu đồ minh họa chứa số liệu cụ thể. Theo một nghiên cứu của Cornell, những người tham gia khảo sát được chia làm hai nhóm đọc hai báo cáo về hiệu quả của một loại thuốc trị cảm lạnh mới. Nội dung của hai bản báo cáo này cơ bản là giống nhau, có điều một báo cáo có thêm biểu đồ số liệu, còn một báo có thì không có biểu đồ. Kết quả cho thấy 96% những người tham gia đọc báo cáo có biểu đồ đã tin vào kết luận về hiệu quả của loại thuốc cảm đó, trong khi chỉ có 67% những người đọc bản báo cáo không có biểu đồ tin như vào điều này. Vì vậy, trong trường hợp cần phải chuẩn bị tài liệu thuyết trình, bạn đừng quên chèn thêm biểu đồ số liệu vào trong đó.
Lời kết
Trí tuệ (IQ) được ấn định từ khi còn nhỏ. Bạn có thể không thể thay đổi IQ của mình, nhưng bạn chắc chắn có thể thay đổi cách mọi người cảm nhận về bạn.
Theo CNBC
Đức Minh
Xem thêm:
Từ khóa kỹ năng mềm Trí thông minh kỹ năng giao tiếp trí thông minh cảm xúc