9 thói quen xấu trong cuộc sống gây hại cho sức khỏe
- Tử Anh
- •
Có những thói quen thường gặp trong cuộc sống và có thể gây hại rất lớn cho sức khỏe con người, thậm chí còn nghiêm trọng hơn cả việc hút thuốc lá và rất nhiều người đã trở thành nạn nhân của nó. Dưới đây là 9 thói quen xấu phổ biến.
1. Ngồi cả ngày
Ngồi trong văn phòng hoặc ô tô trong thời gian dài có thể gây ra rất nhiều vấn đề sức khỏe. Ngay cả việc tập thể dục thường xuyên cũng không thể bù đắp được những nguy hiểm của việc ngồi trong thời gian dài.
Các tổ chức nghiên cứu có liên quan của Canada đã phát hiện ra rằng hàng chục nghìn trường hợp ung thư vú, ruột kết, tuyến tiền liệt và phổi xảy ra hàng năm đều có liên quan đến việc ngồi nhiều và ít vận động.
Vì vậy, mọi người nên phát triển thói quen đứng dậy và đi lại thường xuyên tại nơi làm việc. Còn nếu ở nhà thì bạn cũng nên vận động cơ thể nhiều nhất có thể.
2. Không bật máy hút mùi khi nấu ăn
Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí của Mỹ cho thấy việc không có hệ thống thông gió hoặc hệ thống thông gió kém khi dùng bếp ga sẽ rất nguy hiểm, nó có thể khiến lượng carbon monoxide (CO – là chất khí không màu, không mùi, bắt cháy và có độc tính cao), nitơ dioxide (NO2 – một loại khí màu nâu đỏ) và formaldehyde (CH2O – một chất khí có mùi hăng mạnh) trong nhà tăng lên một cách đáng kinh ngạc. Điều đáng sợ là ba chất gây ô nhiễm này lại cực kỳ phổ biến trong khói thuốc thụ động.
Vì vậy, bất kể là chiên hay nấu, nếu bạn sử dụng bếp gas thì cần bật máy hút mùi, điều này có thể giảm ô nhiễm từ 60% đến 90%.
Trong trường hợp nhà không có máy hút mùi thì để giảm thiểu tối đa những tác hại của bếp gas, khi nấu bạn cần mở thông tất cả các cửa. Ngoài ra, nếu nấu các món hầm hay kho thì bạn có thể cân nhắc sử dụng nồi nấu điện và nồi hầm áp suất điện để thay thế bếp ga.
3. Ăn quá nhiều thịt
Một nghiên cứu của Đại học Nam California công bố trên tạp chí Trao đổi chất tế bào của Mỹ cho thấy những người tiêu thụ nhiều protein động vật ở tuổi trung niên có tỷ lệ tử vong do ung thư cao gấp 4 lần so với những người cùng lứa tuổi.
Để giảm thiểu tác hại của nó, bạn nên thay thế một phần đạm động vật bằng đạm thực vật như các loại đậu. Người trung niên nên bổ sung protein theo trọng lượng cơ thể mỗi ngày; với 0,8 gram cho mỗi 0,9 kg trọng lượng cơ thể.
4. Đồ chiên rán ở nhiệt độ cao
Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng dầu ăn ở nhiệt độ quá cao có thể tạo ra acrolein (chất lỏng không màu cùng mùi hôi thối) và một lượng lớn hydrocarbon thơm đa vòng. Hơn nữa những chất gây ung thư như vậy cũng có trong thuốc lá và có thể dễ dàng gây viêm đường hô hấp.
Bạn nên sử dụng nhiều dầu ô liu vào các bữa ăn trong tuần và tránh để nhiệt độ dầu quá cao khi nấu ăn.
5. Không uống đủ nước
Mất nước khiến máu trở nên nhớt hơn, từ đó làm giảm hiệu quả của tim trong việc cung cấp oxy và chất dinh dưỡng đến các mô và cơ quan khác nhau.
Vì vậy, mọi người cần nhớ rằng khi làm việc và ngồi lâu trước màn hình máy tính, hãy uống nhiều nước hơn.
6. Mất ngủ kéo dài, ngủ không đủ giấc
Thiếu ngủ lâu dài có thể dễ dàng dẫn đến huyết áp cao, bệnh tim, đột quỵ, béo phì và các vấn đề sức khỏe khác.
Một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng ngủ ít hơn 6 đến 7 giờ mỗi đêm làm tăng tỷ lệ tử vong tương đương với việc hút thuốc. Ngoài ra, thiếu ngủ sâu và rối loạn nhịp sinh học cũng sẽ đẩy nhanh sự phát triển của khối u.
Vậy nên, bạn cần đảm bảo ngủ đủ giấc từ 7 đến 8 giờ mỗi ngày, đây là yếu tố rất quan trọng đối với sức khỏe.
7. Lười tập thể dục
Tập thể dục thường xuyên có thể tăng cường sức mạnh thể chất và sức bền, đồng thời giúp hệ thống tim mạch vận chuyển oxy và chất dinh dưỡng đi khắp cơ thể.
Một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những người trưởng thành khỏe mạnh đã quen ngồi trong thời gian dài chỉ cần tập thể dục ba lần một tuần, mỗi lần 20 phút. Sau 6 tuần, họ không còn cảm thấy mệt mỏi và có nhiều năng lượng hơn.
Hầu như bất kỳ hoạt động nào, chẳng hạn như ca hát, thở sâu, đi bộ, v.v., đều có thể giúp giảm mệt mỏi. Nếu thực sự không thể vận động, bạn có thể nằm xuống kê một chiếc gối dưới chân sao cho chân cao hơn đầu một chút, điều này có thể giúp máu lưu thông lên đầu và giúp bạn tỉnh táo hơn.
8. Nằm trên giường và nghịch điện thoại
Ánh sáng xanh phát ra từ màn hình các thiết bị điện tử như máy tính bảng, điện thoại thông minh sẽ ức chế sự tiết melatonin và làm rối loạn nhịp sinh học tự nhiên của cơ thể và gây mệt mỏi. Vậy nên, tốt nhất là tắt điện thoại ít nhất nửa giờ trước khi đi ngủ.
9. Uống rượu trước khi đi ngủ
Không nên uống rượu trong vòng từ 3 đến 4 giờ trước khi đi ngủ. Bởi rượu sẽ làm giảm lượng đường trong máu, gây rối loạn chức năng tuyến thượng thận, ức chế hệ thần kinh trung ương và tạo ra tác dụng an thần khiến người uống dễ tỉnh giấc vào ban đêm.
Từ khóa Thói quen xấu