Vùng da sau khi bị muỗi đốt thường rất ngứa và khó chịu nên đa phần mọi người đều sẽ gãi cho đến khi cơn ngứa đã dịu đi. Một số người cho rằng không nên gãi vì sẽ làm vết muỗi trở nên sưng tấy hơn, có người lại cho rằng gãi sẽ làm tan vết sưng này. Vậy đâu là cách xử lý đúng nhất khi bị muỗi đốt? Về vấn đề này, một số bác sĩ đã đưa ra nhiều cảnh báo và giải thích lý do cụ thể.

muoi dot
(Ảnh: Kwangmoozaa/ Shutterstock)

Tại sao muỗi đốt lại ngứa?

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), khi bạn bị muỗi đốt trên da, chúng thường tiêm vào da một loại enzyme có tên là ‘hyaluronidase’. Enzyme này có khả năng phân hủy axit hyaluronic. Đây là chất chứa thành phần chống đông máu giúp máu lưu thông tốt hơn, từ đó giúp muỗi có thể hút máu nhanh và không bị gián đoạn.

Sau khi chất này đi vào cơ thể, thì cơ thể sẽ có phản ứng bằng cách gửi histamin (một chất kháng đông làm loãng máu) đến khu vực bị đốt, làm tăng lưu thông máu, cũng vì vậy mà da có hiện tượng ngứa và sưng đỏ.

Bobbi Pritt, giám đốc phòng thí nghiệm ký sinh trùng lâm sàng tại Phòng khám Mayo và là người phát ngôn của Trường Cao đẳng Bệnh học Hoa Kỳ, nói với The Huffington Post rằng điều này là do cơ thể bạn tạo ra phản ứng miễn dịch với hyaluronidase và giải phóng histamine.

Tuy nhiên, phản ứng này cũng khác nhau và cũng tùy theo từng người và từng loại muỗi, đó là lý do tại sao một số người bị sưng và đau nhức, trong khi những người khác chỉ bị ngứa nhẹ.

Tại sao bạn không nên gãi vào vùng bị muỗi cắn?

Cô Pritt cho biết mặc dù vết muỗi đốt có thể gây ngứa và bạn sẽ muốn gãi vào vùng đó nhưng thực tế là bạn nên tránh làm như vậy.

Bởi vì phần lớn là do trên bề mặt da của chúng ta có rất nhiều loại vi khuẩn khác nhau, chẳng hạn như tụ cầu khuẩn và liên cầu khuẩn. Mặc dù hầu hết chúng đều vô hại trên vùng da khỏe mạnh, tuy nhiên nếu bạn có một vết thương hở, ví dụ như nếu bạn gãi quá mạnh, bạn thực sự có thể khiến vi khuẩn xâm nhập vào bên trong và khiến da bị nhiễm trùng.

Các bệnh nhiễm trùng như viêm mô tế bào và chốc lở có thể gây mẩn đỏ, sưng tấy, phồng rộp, đau quanh vết cắn, sưng hạch và tiết dịch màu vàng.Tình trạng này có thể được điều trị bằng kháng sinh, nhưng trong một số ít trường hợp, nhiễm trùng như vậy có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng như nhiễm trùng huyết hoặc viêm cân mạc hoại tử.

gai ngua
(Ảnh: Kwangmoozaa/ Shutterstock)

Một lý do khác mà chúng ta không nên gãi là bởi càng ngứa thì cơ thể càng tiết ra nhiều tế bào histamine, khiến vết cắn càng ngứa mạnh hơn.

Pamela Frabel, phó giáo sư tại Đại học Texas Christian, cho biết: “Gãi sẽ gửi tín hiệu đau nhẹ đến não, khiến não giải phóng serotonin và làm tăng cảm giác ngứa”.

Bạn nên làm gì sau khi bị muỗi đốt?

Ngoài việc không gãi, còn có nhiều cách khác để giảm bớt sự khó chịu khi bị muỗi cắn đồng thời giảm nguy cơ nhiễm trùng. Dưới đây là 4 phương pháp được CDC cung cấp:

1. Rửa xung quanh vết cắn bằng nước và xà phòng

Điều này giúp loại bỏ vi khuẩn gần vết cắn và ngăn ngừa nhiễm trùng phát triển. Vết muỗi đốt về cơ bản giống như những vết cắt nhỏ và tốt nhất là bạn nên làm sạch chúng bằng nước và xà phòng.

2. Chườm túi nước đá trong 10 phút để giảm sưng và ngứa, sau đó chườm lại nếu cần thiết

Phòng khám Cleveland cho biết nước đá có thể làm giảm đáng kể tình trạng ngứa, viêm, đau và sưng.

3. Thoa hỗn hợp baking soda và nước. Loại thuốc mỡ chống ngứa tự chế này có thể giúp giảm ngứa 

Làm hỗn hợp này cũng rất dễ làm, hãy bắt đầu bằng cách trộn một thìa baking soda với một lượng nước thích hợp để tạo thành hỗn hợp sệt. Sau đó bôi hỗn hợp lên vết muỗi đốt và đợi trong 10 phút. Cuối cùng rửa sạch lại bằng nước.

4. Sử dụng các loại kem chống ngứa hoặc kháng histamine không kê đơn để giảm ngứa. Thực hiện theo các hướng dẫn trên nhãn sản phẩm

Cô Pritt nói: Bạn nên để ý đến vết cắn và bất kỳ triệu chứng nào trong một hoặc hai tuần tới. Tuy nhiên, nếu bạn thường bị sốt hoặc thậm chí sưng hạch bạch huyết ngay sau khi bị cắn thì cũng đừng hoảng sợ.

Bạn không thể biết liệu một con muỗi có mang mầm bệnh hay không chỉ bằng cách nhìn vào hiện trạng của vết cắn, vì vậy điều quan trọng là phải chú ý đến bất kỳ các triệu chứng nào. Nếu bạn bị sốt, phát ban, nhức đầu dữ dội hoặc lú lẫn trong vòng một hoặc hai tuần sau khi bị muỗi đốt, bạn nên đến gặp bác sĩ để xác định xem mình có bị bệnh do muỗi truyền hay không và điều trị.

Phòng ngừa muỗi đốt

Epoch Times trước đây đã đưa tin rằng có một căn bệnh chết người do muỗi truyền mang tên ‘Viêm não ngựa phương Đông’ (EEEV), gần đây căn bệnh này đã xuất hiện ở Massachusetts, với tỷ lệ tử vong lên tới hơn 30%. Các chuyên gia cho biết muỗi mang virus thường là loại bay vào ban đêm. Vì vậy, để tránh phơi nhiễm, người dân sống ở khu vực có nguy cơ cao ngoài việc hạn chế hoạt động ngoài trời vào buổi tối thì cũng cần thực hiện một số biện pháp phòng ngừa sau đây:

– Thường xuyên vệ sinh nhà cửa.
– Mặc quần áo sáng màu.
– Sử dụng màn ngủ chống muỗi.
– Dùng tinh dầu (tinh dầu xả, tinh dầu tràm…)
– Mặc quần áo dài tay vào buổi tối.
– Lắp rèm chống muỗi.
– Không để ao tù nước đọng.
– Bật đèn sáng vào buổi tối.

Các nghiên cứu trước đây cũng đã chỉ ra rằng một số người đặc biệt dễ bị muỗi đốt vì các hóa chất trên da của họ tạo ra mùi khiến muỗi thích và thu hút chúng.

Trúc Nhi t/h