Bi kịch lớn nhất của một gia đình là sai thứ tự trong giáo dục
- Trúc Nhi
- •
‘Gia thư Lương Khải Siêu’ viết: “Bi kịch lớn nhất của một gia đình chính là sai thứ tự trong giáo dục”. Khi nhân cách không được coi trọng, thành tích cao đến đâu cũng vô nghĩa.
Nói về tác phẩm ‘Gia thư Lương Khải Siêu’, nhà văn Lâm Thù từng nhận xét thế này: “Khi còn trẻ, tôi đã đọc rất nhiều câu chuyện về các danh nhân, vĩ nhân, nhưng chưa từng thấy ai dành trọn tâm huyết để yêu thương và giáo dục con cái như vậy”.
Lương Khải Siêu có chín người con, trong đó ba người trở thành học giả, sáu người còn lại đều là những nhân tài xuất sắc trong nhiều lĩnh vực. Người đời ca ngợi gia đình ông là: “Ba học giả trong một gia đình, một ngôi nhà có toàn nhân tài”.
Khi đọc kỹ Gia thư Lương Khải Siêu, ta không chỉ cảm nhận được tình cảm sâu nặng mà ông dành cho con cái mà còn nhận ra một chân lý quan trọng trong giáo dục: “Hóa ra, giáo dục thực sự là đặt đúng thứ tự ưu tiên”.
Nhiều gia đình thất bại trong việc giáo dục con cái cũng chính vì họ đã sai lầm ngay từ thứ tự trong giáo dục.
1. Sai thứ tự: Kiếm tiền trước, con cái sau
Trong cuộc sống, không ít bậc cha mẹ đặt việc kiếm tiền lên hàng đầu, còn con cái lại xếp sau cùng.
Một cư dân mạng từng chia sẻ: “Hai vợ chồng tôi lao đầu vào kiếm tiền, để rồi con trai không chỉ học hành sa sút mà còn nhiễm nhiều thói hư tật xấu. Điều đó khiến tôi vô cùng thất vọng và giận dữ”.
Một bình luận đã chỉ ra vấn đề cốt lõi: “Anh chị có từng nghĩ rằng điều con trẻ thực sự cần là sự đồng hành, chứ không phải tiền bạc?”
Nhà giáo dục Tôn Vân Hiểu cũng từng nói: “Sự đồng hành của cha mẹ chính là nền tảng giáo dục tốt nhất, không gì có thể thay thế được”.
Thật vậy, tiền có thể kiếm dần dần, nhưng giáo dục con cái chỉ có một cơ hội duy nhất. Nếu cha mẹ dành nhiều thời gian hơn để ở bên con, làm gương cho con, thì chính đứa trẻ sẽ là người mang lại cho họ một “bảng điểm” đầy mãn nguyện.
Trong ‘Gia thư Lương Khải Siêu’, có tổng cộng hơn 400 bức thư mà ông đã dành thời gian viết cho các con.
Con gái cả của ông, Lương Tư Thuận, từng khuyên cha: “Cha à, công việc của cha quá bận rộn, có thể bớt chút thời gian để nghỉ ngơi không?”
Nhưng ông lập tức hồi âm: “Vạn lần không thể!”
Suốt cuộc đời, ông tận tâm với sự nghiệp cứu nước, lại thường xuyên phải bôn ba nước ngoài. Nhưng dù công việc bận rộn đến đâu, ông vẫn không bao giờ ngừng trò chuyện và trao đổi với con cái.
Mỗi đêm, khi không gian trở nên tĩnh lặng, ông lại cầm bút viết thư cho các con, chia sẻ những câu chuyện đời thường. Đôi khi, ông hỏi thăm việc học hành của con, đôi khi lại kể cho chúng nghe những điều thú vị trong cuộc sống. Ông đã dùng từng nét chữ để bầu bạn với con, đem đến cho chúng tình yêu thương và niềm vui vô bờ bến.
Năm 1917, khi con gái út Lương Tư Ninh chào đời, trong nhà ông khi ấy có đến 6 đứa trẻ dưới 12 tuổi. Để có thời gian chăm sóc con, ông đã quyết định từ chức Tổng trưởng Kế toán Quốc gia.
Mỗi sáng, ông gọi các con lại bên mình, cùng nhau trò chuyện về văn học, lịch sử và kể chuyện cho các con nghe. Có những buổi trò chuyện có thể kéo dài suốt cả ngày. Nhờ sự đồng hành của cha, các con của ông đều lớn lên với tính cách lạc quan và tự tin.
Nhà tâm lý học Carl Bard từng nói: “Mười năm sau, bạn sẽ không hối tiếc vì đã bỏ lỡ một dự án công việc, nhưng bạn sẽ tiếc nuối vì đã không dành thêm một giờ cho con cái”.
Những sai lầm trong công việc có thể được bù đắp, nhưng những thiếu sót trong giáo dục con cái sẽ khiến bạn phải ân hận suốt đời.
Hãy nhớ rằng, trong thế giới của trẻ thơ, cha mẹ chính là cả bầu trời của chúng. Niềm vui, kiến thức và nhân cách của con đều được hình thành từ sự đồng hành của cha mẹ. Vì vậy, bắt đầu từ hôm nay, hãy điều chỉnh lại trọng tâm cuộc sống. So với việc kiếm tiền, nuôi dạy con cái nên người mới là sự nghiệp quan trọng nhất của bạn.
2. Sai thứ tự: Gia trưởng có quyền uy, con cái mới nghe lời?
Trong Gia thư của mình, Lương Khải Siêu từng nhắc đến cha ông. Cha ông xuất thân là tú tài, tính tình hiền lành nhưng lại vô cùng “độc đoán”. Trước mặt cha, ông luôn phải giữ thái độ nghiêm túc, không được phép cãi lại nửa lời. Thế nhưng, bản tính của Lương Khải Siêu lại vô cùng ngang bướng. Càng bị cha nghiêm khắc dạy dỗ, ông càng có xu hướng phản kháng.
Một lần nọ, khi hoa hạnh trong vườn nở rộ, cha ông căn dặn không được tùy tiện hái hoa. Vậy mà ngay sau khi cha quay lưng, ông liền rung mạnh cành cây, khiến toàn bộ hoa rụng xuống.
Gia đình có truyền thống thư pháp, cha ông yêu cầu ông luyện chữ để chỉ dạy mọi ngườiđể nhờ người chỉ dạy. Đáp lại, ông ngang nhiên viết năm chữ lớn: “Viết như chó cào ruộng”.
Cha ông cũng không cho phép ông trèo lên thang trúc trong sân, nhưng ông lại càng leo cao hơn, thậm chí còn đắc ý nói: “Có người dưới đất bằng, nhìn ta trên thang cao”.
Từ nhỏ, ông đã thường xuyên khiến cha tức giận đến tím mặt. Chính lối giáo dục hà khắc của cha không khiến ông ngoan ngoãn, mà ngược lại càng khiến ông trở nên ngang bướng, không chịu khuất phục.
Ngay cả sau này, khi viết thư cho con gái Lương Tư Thuận, ông vẫn nhiều lần dặn dò: “Chuyện này đừng để ông nội con biết”. hoặc “Lá thư này đừng để ông nội con đọc”.
Nhiều bậc cha mẹ cũng giống như cha của Lương Khải Siêu, luôn mong con cái vâng lời tuyệt đối. Họ không nhận ra rằng, sự áp đặt ấy chỉ khiến trẻ nảy sinh oán giận.
Chỉ khi xây dựng mối quan hệ bình đẳng, tôn trọng sở thích của con, cha mẹ mới có thể từng bước dẫn dắt trẻ trưởng thành một cách lành mạnh.
Năm 1925, con gái thứ hai của Lương Khải Siêu là Lương Tư Trang chuẩn bị vào đại học. Khi đó, ngành Sinh học ở Trung Quốc vẫn còn sơ khai. Ông khuyên con nên theo ngành này để góp phần phát triển đất nước. Thế nhưng, Lương Tư Trang hoàn toàn không có hứng thú với Sinh học. Cô kiên quyết chọn ngành Thư viện học. Biết chuyện, Lương Khải Siêu trầm ngâm hồi lâu. Ông nhớ lại quãng thời gian từng bị cha áp đặt, ông hiểu rằng càng cố kiểm soát con cái, chúng sẽ càng phản kháng.
Vì vậy, trong thư hồi âm, thay vì tức giận hay ép buộc, ông lại khuyến khích con hãy kiên định với lựa chọn của mình. Nhận được sự ủng hộ từ cha, Lương Tư Trang vô cùng phấn khởi. Cô quyết tâm học tập thật tốt để không phụ lòng cha mẹ.
Trong ‘Chính diện quản giáo’ có viết: “Cách tốt nhất để giành được sự tin tưởng của con cái là tôn trọng và thấu hiểu chúng, chứ không phải đứng trên cao áp đặt mệnh lệnh”.
Mỗi đứa trẻ là một cá thể độc lập. Cha mẹ không thể quyết định hoàn toàn suy nghĩ của con cái. Cha mẹ có quan điểm của mình, trẻ cũng có sở thích riêng. Thay vì dùng quyền lực ép buộc con cái làm theo ý mình, tốt hơn hết hãy lắng nghe suy nghĩ của chúng.
Những bậc cha mẹ thực sự khôn ngoan không bao giờ xem mình là trung tâm, mà luôn thấu hiểu và tôn trọng cảm xúc của con. Giáo dục cần có tình yêu và sự thấu hiểu. Tôn trọng con cái cũng chính là tôn trọng chính mình.
3. Sai thứ tự: Cha mẹ buông lỏng, con cái tự giác
Bạn đã từng thấy những cảnh tượng như thế này chưa?
– Người mẹ ngồi trong phòng khách đánh mạt chược, rồi quay sang chất vấn con mình: “Sao con không đi làm bài tập?”
– Người cha tức giận khi thấy con chơi game trên điện thoại, liền đánh mắng một trận, nhưng ngay sau đó lại cầm điện thoại lên chơi tiếp…
Rất nhiều bậc cha mẹ không tự kỷ luật bản thân, chỉ ham hưởng thụ, nhưng lại yêu cầu con cái phải chịu khó học hành. Họ tự do buông thả nhưng lại nghiêm khắc với con mình, kết quả là đứa trẻ không phục, thậm chí phản kháng.
Nhà giáo dục Phúc Lộc Bối từng nói:“Giáo dục không có gì cao siêu, cốt lõi chỉ là tình yêu và làm tấm gương”.
Gia đình là ngôi trường đầu tiên của con trẻ. Mỗi lời nói, mỗi hành động của cha mẹ đều trở thành hình mẫu cho con noi theo. Những bậc cha mẹ biết tự kỷ luật chính là những người đang giáo dục con cái theo cách tốt nhất.
Trong một cuốn sách, Lương Tư Thuận – con gái của Lương Khải Siêu – từng kể lại một câu chuyện:
Khi còn nhỏ, cha cô đưa cho cô một cuốn Luận Ngữ và bảo cô học thuộc lòng. Nhưng vì nội dung khó hiểu, cô chỉ đọc được vài câu rồi bắt đầu chán nản, không thể tiếp thu nổi. Thấy vậy, ông bèn lấy kẹo ra làm phần thưởng để khuyến khích con học. Nhưng cô bé vừa nhìn thấy kẹo đã bị phân tâm, không còn chú ý đến việc học nữa.
Bất đắc dĩ, Lương Khải Siêu không ép buộc con mà chỉ ngồi xuống đọc sách. Ông chăm chú học tập, hoàn toàn không để ý đến con gái. Không ngờ, chỉ một lúc sau, cô bé cũng mở sách ra, bắt đầu đọc theo cha.
Nhìn thấy cảnh đó, ông chợt nhận ra: “Hóa ra chỉ cần bản thân làm gương, con trẻ tự nhiên sẽ học theo”.
Từ đó trở đi, dù là những thói quen nhỏ như cách ăn uống, nói năng hay những việc lớn hơn như thái độ học tập, làm việc, ông đều nghiêm khắc với chính mình. Ông không cần dạy bảo quá nhiều, nhưng những đứa con của ông đều tự rèn luyện tính kỷ luật, hình thành thói quen tốt. Chính nhờ sự giáo dục bằng tấm gương này mà cả chín người con của ông đều trở thành nhân tài quốc gia.
Nhà giáo dục Tinh Thâm Đại từng nói: “Lời nói của cha mẹ chính là tài liệu giảng dạy tốt nhất, bậc cha mẹ ưu tú sẽ nuôi dạy nên những đứa trẻ xuất sắc”. Thay vì liên tục cằn nhằn dạy dỗ đứa trẻ, tốt hơn hết cha mẹ hãy tự rèn luyện và làm gương trước. Khi bạn trở thành hình mẫu cho con noi theo, chúng sẽ tự giác học hỏi, không cần ai ép buộc. Phía sau một đứa trẻ xuất sắc, luôn có bóng dáng của những bậc cha mẹ biết tự kỷ luật.
4. Sai thứ tự: Thành tích đứng đầu, làm người đứng sau
Trong sách, Lương Khải Siêu từng kể một câu chuyện như sau: Có lần, con gái thứ hai của ông là Lương Tư Trang buồn bã vì kết quả thi không như mong muốn.
Biết chuyện, ông không những không trách mắng mà còn viết thư an ủi: “Trang Trang, kết quả như vậy, ta rất hài lòng”.
Trong mắt ông, thứ tự quan trọng trong giáo dục phải là nhân phẩm và đạo đức trước tiên, sau đó mới đến thành tích. Đúng như ông từng nói với các con: “Chúng ta học tập, cốt lõi là học làm người. Thành tích dù tốt hay xấu cũng chỉ là một kết quả trên chặng đường rèn luyện trong cuộc sống mà thôi”.
Thế nhưng, trên thực tế, nhiều bậc cha mẹ lại đặt kỹ năng học tập, kiến thức và tài năng nghệ thuật lên hàng đầu. Họ chỉ chăm chăm vào điểm số mà xem nhẹ giáo dục đạo đức, để rồi con cái đi vào con đường sai lầm.
Trong ‘Thuyết văn giải tự’, chữ “Dục” được giải thích là nuôi dưỡng con cái để hướng thiện. Cổ nhân quan niệm rằng, giáo dục chính là dạy trẻ trở thành người lương thiện.
Trong ‘Luận ngữ’, Khổng Tử cũng đề cập đến bốn thứ tự của giáo dục:
- Đức hạnh
- Ngôn ngữ
- Chính sự
- Tri thức
Trên hành trình trưởng thành, giáo dục đạo đức luôn phải đặt lên hàng đầu. Vì vậy, trong cuộc sống, cha mẹ cần xác định rõ trọng tâm giáo dục. Bởi lẽ, đời người không phải là một cuộc thi chỉ xoay quanh điểm số, mà là một hành trình rèn luyện nhân cách.
Nếu thành tích kém, trẻ chỉ đơn thuần không thể đứng trên đỉnh cao tri thức. Nhưng nếu phẩm hạnh không vững, trẻ có thể trở thành gánh nặng cho xã hội và bị mọi người xa lánh. Tòa cao ốc muốn vững chãi, nền móng phải chắc chắn. Nhân phẩm chính là nền tảng vững chắc cho giáo dục. Nền móng chưa vững, dù đạt nhiều thành tích hay vinh quang đến đâu, mọi thứ cũng có thể sụp đổ. Với một đứa trẻ, học làm người luôn quan trọng hơn đạt điểm số cao.
Giáo sư tâm lý tội phạm của Trung Quốc Lý Mân Cẩn từng nói: “Đứa trẻ là trung tâm của gia đình, giáo dục là trọng tâm của gia đình”.
Nếu giáo dục lệch lạc, gia đình sẽ mất phương hướng, và trẻ cũng dễ trở nên phản nghịch. Cha mẹ lấy mình làm gương, rèn luyện phẩm hạnh, con cái sẽ noi theo mà trưởng thành đúng hướng. Khi bạn cảm thấy bối rối trong việc dạy con, hãy tìm đọc ‘Gia thư Lương Khải Siêu’ và cảm nhận trí tuệ giáo dục của ông.
Khi bạn xác định được trọng tâm, sắp xếp đúng thứ tự trong giáo dục, con trẻ sẽ phát triển nhân cách toàn diện, đồng thời tận hưởng niềm vui của sự trưởng thành.
Trúc Nhi biên dịch
Theo Aboluowang
