Bí quyết phân biệt một môi trường làm việc tốt hay tệ
- An Trần
- •
Một môi trường làm việc là sự kết hợp của nhiều đặc điểm tạo nên, tuỳ thuộc vào thương hiệu, văn hoá và thái độ làm việc của tập thể. Vậy làm thế nào để phân biệt một môi trường làm việc là tốt hay không?
Đứng ở nhiều khía cạnh, người ta phân biệt môi trường làm việc tốt hay không dựa trên khá nhiều đặc điểm: định lượng như diện tích không gian trống, màu sắc của văn phòng hoặc định tính như cảm giác chung của các nhân viên, không khí làm việc nhiệt tình, sôi nổi, v.v… Dù bạn là ai, nhân viên hay sếp, môi trường làm việc cũng ảnh hưởng đến động lực, hiệu quả cũng như sự hài lòng nơi công sở của bạn.
Có 5 đặc điểm tạo nên những môi trường tốt nhất như sau:
1. Môi trường ‘thoáng’
Còn gọi là môi trường ‘cởi mở’. Ở đây khuyến khích tất cả mọi người thoải mái nghi vấn, đặt câu hỏi để thảo luận vấn đề chẳng hạn như những ý tưởng mới, đề xuất cho giải pháp mới, chiến lược tiếp thị mới, v.v… Tất cả đều bình đẳng và không ai được chỉ trích hoặc khiển trách ý tưởng của nhau.
2. Môi trường đề cao cá nhân
Điểm nổi bật của môi trường này đó là sự linh hoạt cao. Mỗi cá nhân có phong cách làm việc riêng thể hiện trong cách trang trí bàn làm việc của mình theo ý thích. Ngoài ra họ còn có thể làm việc theo giờ giấc linh hoạt, hoặc làm tại nhà nếu không ảnh hưởng đến năng suất và hiệu quả công việc.
3. Môi trường không có tường vách
Loại văn phòng này kích thích môi trường làm việc nhóm cùng nhau. Đương nhiên không có vách thì sẽ không có phòng làm việc riêng hoặc nếu có thì cửa luôn để mở để mọi người thảo luận thoải mái. Để truyền cảm hứng cho mọi người làm việc hợp tác và ghi nhận lẫn nhau, ở đây cũng có các phòng giải lao tập thể cho các sự kiện chung hoặc hoạt động nhóm.
4. Môi trường thông tin phản hồi
Trong bất kể hình thức giao tiếp nào, môi trường có đặc điểm này đánh giá cao tất cả những phản hồi trung thực mang tính xây dựng, góp ý để cải thiện tốt hơn. Dù bạn là nhân viên hay Sếp, mọi người đều tin tưởng lẫn nhau, cùng lắng nghe và cho phản hồi để làm việc hiệu quả hơn, đạt kết quả tốt hơn.
5. Môi trường thống nhất
Môi trường có đặc điểm này để mọi người làm việc một cách cá nhân nhưng lại tập trung vào sự thành công của cả nhóm. Theo đó, các mục tiêu nhóm được đề ra và mọi người chia thành những nhóm nhỏ hơn để hoàn thành mục tiêu chung. Tuy vậy mỗi cá nhân đều chịu trách nhiệm cho chất lượng công việc của mình.
Trái lại, có những môi trường mang các đặc điểm tiêu cực:
1. Môi trường “9 đến 5”
“9 đến 5” làm cụm từ mô tả một môi trường giám sát chặt chẽ cứng nhắc theo giờ làm việc. Tất cả mọi việc phải tuân thủ các quy tắc nào đó như: thời gian biểu quá chặt chẽ, quy định ăn mặc nghiêm ngặt, nội quy giao tiếp nghiêm ngặt và mọi hoạt động diễn ra chặt chẽ. Kết quả là nó “giết chết” sự sáng tạo và cả cá tính của thành viên trong nhóm.
2. Môi trường ‘ngăn cách’
Thay vì cho phép nhân viên làm việc linh hoạt để thay đổi và phát triển, môi trường có đặc điểm tiêu cực này buộc các cá nhân làm việc trong một góc riêng làm việc một mình, đẩy họ ra khỏi nhóm. Điều này khiến họ cảm thấy bị cô lập, ức chế và tạo ra một thái độ tiêu cực cho cả nhóm làm việc.
3. Môi trường “chìm – nổi”
Sự thành công và thất bại của bạn trong môi trường làm việc này được tách bạch rõ ràng (thường là thất bại không được chấp nhận), do đó không có trạng thái ở giữa. Cách nhìn nhận quá rạch ròi này khiến cho người ta e ngại việc rút kinh nghiệm, học hỏi từ những sai lầm, thất bại hoặc giúp cho họ hiểu rằng quá trình quan trọng hơn là kết quả, mục tiêu đạt được, để có thể cái thiện quy trình làm việc. Những gam màu xám rất cần cho cuộc sống hiện thực và cho cả công việc của bạn nữa.
4. Môi trường “trừng phạt”
Ở đây không công nhận hành vi tốt, ngược lại sẽ phạt các hành vi xấu. Chẳng hạn nếu bạn không đạt được mục tiêu hoặc vi phạm nội quy thủ tục thì sẽ có hậu quả, còn làm có hiệu suất cao vượt trội thì không được tưởng thưởng. Ai cũng sẽ sợ hãi, chán nản trong một môi trường như thế.
5. Môi trường với hệ thống chia đẳng cấp
Như một điều tất yếu, trong môi trường này Sếp hoặc lãnh đạo không hề bị tra vấn hay thử thách, còn nhân viên thì phải phục tùng, thi hành theo những gì sai bảo. Trong sự oán giận, ức chế, nhân viên sẽ làm việc mất tập trung ảnh hưởng đến việc tạo ra sáng kiến và năng suất làm việc.
Tất cả những đặc điểm tích cực hay tiêu cực trong các môi trường làm việc như trên đều ảnh hưởng trực tiếp đến sự hài lòng và năng suất làm việc của nhân viên chúng ta. Để tối đa hoá chúng, bạn cần tìm hiểu những tác động nào quan trọng nhất tại nơi làm việc để cải thiện và không nhất thiết rập khuôn theo một tiêu chuẩn nào cả, chủ yếu là đem lại những gì nhân viên cần qua đó tạo nên động lực làm việc tốt nhất cho nhân viên.
An Trần
Xem thêm:
Từ khóa công sở kỹ năng mềm Môi trường làm việc