Biển hồ Salton: Từ hòn ngọc du lịch đến thảm họa môi trường
- Hoa Minh
- •
Salton là một hồ nước mặn và nông, nằm dưới mực nước biển khoảng 69m. Biển hồ này nằm trong vùng có địa hình trũng nhất tại khu vực trước đây gọi là “Salton Sink” trên sa mạc Colorado thuộc 2 quận Imperial và Riverside miền nam California. Với diện tích bề mặt khoảng 1.360 km2, Salton trở thành hồ nước lớn nhất California. Tuy vậy, đáng ngạc nhiên là chỉ một thế kỷ trước đây, hồ Salton thậm chí còn chưa tồn tại.
Biển hồ Salton nằm gọn trong một vùng đất trũng rộng lớn và khô cằn, thường được gọi tên là “sa mạc Colorado” trong suốt thời kỳ Tây Ba Nha chiếm đóng California.
Năm 1900, công ty Phát triển California đã bắt đầu thi công xây dựng các kênh thủy lợi để chuyển nước từ sông Colorado vào Salton Sink, vốn là một lòng hồ khô cạn. Sau khi các kênh tưới tiêu này được hoàn thành, Salton Sink trở thành một vùng đất màu mỡ cho phép người dân địa phương có thể canh tác và phát triển nông nghiệp.
Năm 1905, mưa lớn và tuyết tan khiến nước sông Colorado dâng cao đỉnh điểm, tràn qua phá hủy các con kênh và lấp đầy Salton Sink.
Nước lũ đã phá vỡ 2 con đê và hình thành 2 con sông mới nhanh chóng tràn vào thung lũng. Trong khoảng 2 năm, 2 con sông mới được tạo ra này – sông Mới và sông Alamo thỉnh thoảng lại mang hàng loạt trận lũ từ sông Colorado đổ vào Salton Sink. Khi lưu vực đầy nước, thị trấn Salton, một bên đường sắt Nam Thái Bình Dương và khu vực lãnh thổ của người Mỹ bản địa Torres-Martinez cũng bị nhấn chìm.
Những đợt lũ từ sông Colorado liên tiếp ảnh hưởng đến thung lũng Imperial. Vào thời điểm đó, chính quyền địa phương đã huy động các kỹ sư cùng gần 2.000 công nhân làm việc khẩn trương để xây dựng một con đập từ đá và gỗ mang tên Hoover. Họ mất 2 năm để ngăn được lũ lụt. Kết quả là biển hồ rộng lớn Salton đã hình thành sau trận lụt lịch sử.
Các nguồn cung cấp nước chính của biển hồ Salton hiện là sông Mới, Whitewater, Alamo, các kênh nông nghiệp, hệ thống thoát nước và các con lạch. Cần 1,68 km3 nước trung bình hàng năm chảy vào hồ là đủ để duy trì độ sâu tối đa khoảng 16m và tổng thể tích hồ khoảng 9,3 km3.
Năm 1950, cơ quan Cá và Động vật hoang dã California đã thả hàng nghìn loài cá vào hồ Salton. Một vài trong đó đã sinh tồn được trong môi trường hồ và Salton nhanh chóng trở thành thiên đường của ngư dân. Với sự xuất hiện của các loài cá, hồ Salton chẳng mấy chốc cũng trở thành điểm đến lý tưởng cho các loài chim di cư. Hơn 400 loài chim đã được ghi nhận tại Salton, trong đó khoảng 30% là bồ nông trắng Mỹ sinh sống ven bờ. Hồ Salton trở thành điểm dừng chân và nghỉ ngơi lớn trên đường bay xuyên Thái Bình Dương của vô số loài chim.
Đến năm 1960, biển hồ Salton đã phát triển thành một khu nghỉ mát bao gồm thành phố Salton, Bãi biển Salton, Bờ biển Sa mạc, Bờ biển phía Bắc và Bãi biển Bombay được xây dựng trên bờ đông. Một số bến du thuyền và câu lạc bộ du thuyền trị giá hàng triệu đô mọc lên xung quanh bờ biển. Các sân golf cũng đua nhau nở rộ khắp nơi. Hàng ngàn người đổ về hồ Salton để xem thuộc thi Biển Salton 500, một cuộc đua sức bền của xuồng máy động cơ 500 dặm.
Không may, thời kỳ hoàng kim của biển hồ Salton chẳng kéo dài. Do hồ Salton không có cửa thoát nước, sự tích tụ của muối, sự gia tăng của chất thải từ hoạt động nông nghiệp cũng như các ngành công nghiệp ăn theo sự trù phú của biển hồ đã dẫn đến nồng độ các hóa chất độc hại trong hồ tăng lên báo động.
Theo thời gian, hiện tượng cá chết hàng loạt xuất hiện. Hàng chục ngàn xác cá và chim thường xuyên dạt vào bờ biển Salton. Đỉnh điểm, vào mùa hè năm 1999, 7,6 triệu con cá rô phi đã chết vì thiếu oxy do lượng tảo nhiều quá mức trong hồ. Khi này, chính quyền địa phương biết hồ Salton đã gần như không thể cứu vãn. Vô số xác thủy sản và động vật chết bao quanh bờ hồ trong hơn 10 năm, kết hợp với tảo phân hủy tạo thành mùi hôi thối khủng khiếp.
Vào những năm cuối của thập kỷ 90, Cơ quan Biển Salton và Cục Khai hoang Hoa Kỳ đã nỗ lực tiến hành đánh giá và tìm giải pháp thay thế để cứu biển hồ Salton. Nhiều phương án được đề xuất. Một số người ủng hộ xây dựng một hệ thống đường dẫn nước từ hồ đến vùng ngập nước ở Mexico để loại bỏ lượng muối dư thừa. Số khác lại chủ trương dẫn nước từ Vịnh California vào hồ Salton để pha loãng muối. Một nhóm lại khăng khăng khẳng định cách duy nhất để cứu biển Salton là làm sạch nó và bảo tồn khu vực này như một phần quan trọng trên đường bay Thái Bình Dương của vô số loài chim bằng cách xây dựng các ao bốc hơi ở nửa phía bắc hồ với mục đích khử mặn.
Đáng buồn thay, các biện pháp vẫn chỉ là những ý tưởng và biển hồ Salton từ một khu du lịch giải trí thu hút khách đã trở thành thảm họa môi trường khét tiếng.
Có lẽ hồ Salton đã được Mẹ Thiên Nhiên định sẵn là một vùng đất trũng khô cằn giữa sa mạc. Các nhà địa chất đã tìm thấy bằng chứng chứng minh Salton Sink đóng vai trò như một hồ nước ngọt và một lưu vực sa mạc khô luân phiên xen kẽ trong một vòng tuần hoàn đã lặp đi lặp lại vô số lần hàng trăm ngàn năm qua. Việc tạo hồ năm 1905 chỉ là sự bắt đầu của một chu kỳ tự nhiên mới. Thật éo le, lần này con người đã can thiệp vào hệ sinh thái hồ và gây ra sự tàn phá có lẽ là mãi mãi cho Salton Sink.
Xem thêm hình ảnh về Biển hồ Salton tại đây.
Hoa Minh (T/h)
Xem thêm:
Từ khóa Biển hồ Salton Địa điểm du lịch thảm họa môi trường