“Bọ chen cổng” là gì? Vì sao lại khiến người khác khó chịu?
- Trần Tuấn Thôn
- •
Những ai từng đi máy bay đều biết rằng quá trình lên máy bay khá rườm rà và tốn thời gian. Sự xuất hiện của những “bọ chen cổng” (gate lice) càng khiến hành khách thêm mất kiên nhẫn. Vậy, “bọ chen cổng” thật sự là ai? Hãy nghe chuyên gia lý giải.
Theo Huffington Post, ông Jesse Neugarten – người sáng lập kiêm giám đốc điều hành của hãng du lịch Mỹ Dollar Flight Club – cho biết: “Bọ chen cổng” là cách gọi những người dù chưa đến lượt lên máy bay nhưng đã sớm túm tụm quanh khu vực cổng lên máy bay.
Họ chen chúc trong khu vực chờ lên máy bay, nóng ruột muốn vượt qua nhân viên mặt đất càng sớm càng tốt để lên máy bay, bất chấp việc quy trình lên máy bay còn chưa bắt đầu – hoặc thậm chí dù họ thuộc nhóm cuối cùng được gọi lên.
Phó giám đốc truyền thông của Faye Travel Insurance, Lauren Gumport, mô tả rằng đây là một cảnh tượng hỗn loạn, hành khách trong lúc lên máy bay sốt ruột hoặc lo lắng, hy vọng hành lý của mình có chỗ để cất.
Bà nói, “bọ chen cổng” không phải là một thuật ngữ chính thức, mà là một tiếng lóng do hành khách sử dụng, dùng để mô tả một hiện tượng rất phổ biến và có chút phiền toái tại khu vực cổng lên máy bay.
Người phát ngôn của công ty đặt vé Going, Katy Nastro, cũng cho biết, những hành khách này có thể là do mất kiên nhẫn, hoặc muốn giành chỗ để hành lý trong khoang chứa phía trên đầu, nên đã đổ dồn về cổng lên máy bay, đặc biệt là khi chuyến bay bị hoãn.
Hiện nay, rất nhiều người khi đi máy bay chỉ mang theo một vali xách tay, và đặt nó vào khoang chứa phía trên đầu, nhằm tránh việc phải kéo theo một vali lớn và nặng, đồng thời tiết kiệm chi phí ký gửi hành lý. Do đó, họ sẽ muốn lên máy bay sớm, để tránh tình trạng khoang chứa phía trên không còn đủ chỗ cho vali của họ.
Đối với nhiều hành khách, việc đứng chờ 20 phút để giành được chỗ để vali là điều xứng đáng.
Ông Neugarten nói, mặc dù toàn bộ quá trình lên máy bay thường đã được sắp xếp theo kế hoạch, nhưng một số người vẫn lo sợ sẽ bỏ lỡ lượt nhóm của mình, dẫn đến việc lên máy bay trễ hơn người khác.
Tuy nhiên, đối với nhiều hành khách, hành vi “bọ chen cổng” có thể không phải là hành vi có ý thức.
Bà Nastro (Người phát ngôn của công ty đặt vé Goingi) cho biết: “Theo cá nhân tôi, tôi hiểu rằng thói quen khi lên máy bay của mọi người gần như đã trở thành phản xạ – họ đứng gần cổng một cách vô thức, như thể cổng lên máy bay là một toa tàu điện ngầm đang chạy, và bạn phải nhảy vào trước khi cửa đóng lại.”
Ngoài ra, việc thiếu kinh nghiệm đi máy bay cũng như tâm lý căng thẳng khi bay cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến hành vi này. Chuyên gia du lịch Maddi Bourgerie cho biết, một số hành khách có thể không hiểu rõ quy trình lên máy bay, và cho rằng họ cần đến gần khu vực cổng lên máy bay sớm để tránh bị lỡ chuyến.
Vấn đề do “bọ chen cổng” gây ra
Tổng giám đốc của công ty tư vấn nghi thức Mannersmith Etiquette Consulting, Jodi R.R. Smith, cho rằng “bọ chen cổng” thực sự là một vấn đề. Họ khiến những hành khách đang xuống máy bay khó rời khỏi khu vực cổng, đồng thời gây trở ngại cho những người đang cố gắng lên máy bay.
Ông Smith cho rằng nhân viên tại cổng lên máy bay nên có trách nhiệm khuyến khích những hành khách chưa đến lượt giữ nguyên vị trí hoặc đứng sang một bên để nhường đường cho người khác.
Ông Bourgerie nhận định hành vi của “bọ chen cổng” là phản tác dụng. Mặc dù sự lo lắng đứng sau hành vi đó là có thể thông cảm, nhưng điều này lại gây áp lực không cần thiết cho tất cả những người liên quan. Nó gây ra sự tắc nghẽn, làm chậm tiến độ lên máy bay, gây bất tiện cho những hành khách có nhu cầu lên máy bay hợp lý, thậm chí có thể dẫn đến việc chuyến bay bị trễ.
Hiện tượng “bọ chen cổng” dường như phản ánh hiệu ứng đám đông. Càng nhiều người chen vào khu vực cổng lên máy bay, thì càng nhiều người khác làm theo.
Vậy hiện tượng này nên được ngăn chặn như thế nào? Ông Bourgerie cho rằng, với tư cách là hành khách, việc tôn trọng quy trình lên máy bay không chỉ giúp ích cho người khác, mà còn giúp toàn bộ hành trình diễn ra thuận lợi và hiệu quả hơn.
Trong những năm gần đây, một số hãng hàng không đã áp dụng các biện pháp để đối phó với hiện tượng này. American Airlines thậm chí còn triển khai công nghệ mới: khi hành khách cố gắng lên máy bay trước khi được gọi tên, cổng sẽ phát ra âm thanh cảnh báo.
Bà Nastro đưa ra lời khuyên rằng: trước khi đến lượt nhóm của mình, hành khách không nên cố gắng lên máy bay, như vậy sẽ tránh được việc gây chú ý hoặc lúng túng trước mặt người khác.
Bà cho biết, nếu bạn lo lắng về việc khoang chứa hành lý phía trên đầu không còn chỗ, đồng thời thời gian nối chuyến gấp gáp hoặc bạn mang theo vật dụng có giá trị, bạn có thể nhờ nhân viên tại cổng lên máy bay hoặc tiếp viên hàng không hỗ trợ. Mặc dù họ không thể đảm bảo chắc chắn sẽ giúp được, nhưng cô từng thấy họ phát huy tác dụng một cách kỳ diệu.
Ngoài ra, bạn cũng có thể chọn đặt các chuyến bay ít đông hơn hoặc đến sân bay sớm để ký gửi hành lý. Ông Neugarten nói rằng bạn có thể cân nhắc dùng thẻ tín dụng để mua vé từ hãng hàng không mà bạn thường bay nhất. “Như vậy, bạn có thể ký gửi hành lý miễn phí và không còn phải lo lắng về chỗ chứa trong khoang phía trên đầu.”
Ông nhấn mạnh rằng, mỗi hành khách đều chỉ mong muốn đến nơi an toàn, vì thế việc giữ một chút kiên nhẫn và ý thức tại khu vực cổng lên máy bay sẽ rất hữu ích. Không cần thiết phải làm khu vực lên máy bay trở nên đông đúc hơn, khiến chuyến đi thêm áp lực.
Ông Gumport thì gợi ý rằng, nếu bạn không lo ngại về chỗ để hành lý phía trên đầu, bạn có thể đợi cho đến khi đám đông chen chúc trước cổng lên máy bay giải tán rồi hãy lên máy bay sau.
Từ khóa bọ chen cổng
