Cha mẹ càng kém năng lực càng thích ‘hào phóng’ 3 điều này
- Vương Hòa
- •
Khi cha mẹ thiếu tự tin hoặc năng lực, họ thường dễ dàng ‘hào phóng’ trong những tình huống liên quan đến người ngoài, đặc biệt là trong những mối quan hệ xã hội. Tuy nhiên, chính sự ‘rộng lượng giả tạo’ này lại khiến con cái phải gánh chịu hậu quả. Mặc dù có thể mong muốn tạo dựng hình ảnh tốt đẹp trước người khác, nhưng đôi khi, những quyết định thiếu suy nghĩ lại ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển và cảm xúc của trẻ.
Bạn tôi than phiền rằng cô ấy bị chính cha ruột làm cho tức đến mức không thốt nên lời.
Chuyện là, khi các con dần lớn, cô và chồng nhận ra căn nhà hiện tại đã trở nên quá chật chội, không còn phù hợp để sinh sống. Vì vậy, hai vợ chồng quyết định cố gắng tích góp để mua một căn nhà rộng rãi hơn giúp cả gia đình có không gian sống thoải mái hơn.
Không ngờ, chính hành động này lại kéo theo hàng loạt phiền phức sau đó. Khi cha cô biết con gái đổi nhà, ông rất vui mừng, liền không tiếc lời khen ngợi trước mặt họ hàng, nói rằng con gái mình rất giỏi giang, nhà ai gặp khó khăn đều có thể tìm đến cô ấy để nhờ giúp đỡ.
Chính vì lời “tuyên dương” ấy, quả thật có một người họ hàng tìm đến, nói rằng giá thuê nhà ngoài kia quá đắt đỏ, đúng lúc cô ấy vừa chuyển đến nhà mới, trong nhà lại có phòng trống. Họ cho rằng nếu để phòng trống thì uổng phí, nên đề nghị nhường một phòng cho họ ở nhờ.
Bạn tôi nghe xong thì rất khó chịu. Cô không thể hiểu được phòng trống từ đâu ra, vì chính cô đã đổi nhà để con có không gian riêng. Giờ mà cho họ hàng ở nhờ thì con cô ấy sẽ phải ngủ ở đâu?
Không ngờ, bố cô lại tỏ vẻ không vui, nói: “Cho con ngủ chung với hai vợ chồng không phải được rồi sao? Bố đã hứa với người ta rồi, giờ mà từ chối thì mất lòng, lại còn mất mặt nữa”.
Bạn tôi nghe xong sững sờ, tự hỏi: chẳng lẽ mình cực khổ tích góp mua nhà chỉ để tiết kiệm tiền thuê cho người khác hay sao?
Sau này, nhờ chồng của cô ấy kiên quyết phản đối, câu chuyện mới kết thúc, nhưng cũng đã làm mất lòng người họ hàng kia.
Bạn tôi rất phiền lòng, than rằng sao cha cô ấy không thể nghĩ cho cô một chút. Bình thường tự tiện quyết định những chuyện nhỏ thì thôi, nhưng chuyện lớn như thế mà cũng hồ đồ như vậy, chẳng phải chỉ khiến cô thêm bực bội sao?
Nhiều bậc cha mẹ thường rất tốt với người ngoài, nhưng lại ít khi quan tâm đến cảm xúc của chính con cái mình. Đặc biệt, khi cha mẹ “tỏ ra rộng rãi” trong 3 chuyện dưới đây, chính con cái có thể là người chịu thiệt thòi sau này.
Thứ nhất: Cố lấy lòng người ngoài, nhưng lại làm tổn thương người thân
Tôi có một người bác họ mà ai cũng khen ông là người tốt bụng và nhiệt tình, nhưng trong gia đình lại chẳng ai hài lòng về ông.
Với người ngoài, bác ấy gần như luôn sẵn sàng giúp đỡ mọi người, nhưng lại tỏ ra thờ ơ, lạnh nhạt với người thân trong gia đình.
Khi thím tôi muốn nhờ bác chở một đoạn đường ngắn, bác lại từ chối: “Tự đi xe buýt đi, tôi bận lắm”. Thế nhưng, nếu là bạn của bác cần nhờ vả, bác sẽ ngay lập tức đồng ý không chút do dự, dù trời mưa hay gió bác vẫn sẵn sàng đưa người ta đến tận nơi mà không lấy một đồng nào.
Con trai bác học rất giỏi, có người hàng xóm muốn nhờ con trai bác giúp con họ học tập, bác liền đồng ý ngay mặc kệ con trai mình có đang bận thi cử hay không. Cũng vì chuyện này mà con bác giận bác rất lâu, nhưng bác vẫn thản nhiên nói: “Con không phải đã được dạy phải giúp đỡ người khác sao? Giúp người ta có gì sai?”
Mỗi lần nhắc đến bác, người nhà lại không khỏi cảm thấy tức giận và oán trách.
Tại sao một số người lại dễ dàng lấy lòng người ngoài nhưng lại vô tình coi nhẹ người thân trong gia đình? Lý do là bởi những người thiếu tự tin thường rất khao khát sự công nhận và khen ngợi từ người khác. Khi đối diện với người ngoài họ không cảm thấy tự hào về bản thân nên họ cố gắng tạo ấn tượng tốt để nhận được sự tán dương.
Vì thế, họ hình thành thói quen làm hài lòng người khác, chỉ mong nhận được những lời khen như “Anh thật tốt” hay “Anh đáng tin cậy”. Chính vì vậy, họ không bao giờ từ chối những yêu cầu từ người ngoài trong khi lại dễ dàng bỏ qua cảm xúc của người thân trong gia đình.
Thứ hai: Khen người khác, chê con mình
Chúng ta thường gặp những tình huống như thế này:
Hàng xóm khen: “Con chị trông xinh thật đấy”. Phụ huynh: “Ôi đâu có, con chị mới xinh. Con tôi da đen, người thấp, lại còn cau có, chẳng bằng con chị một chút nào”.
Bạn bè ngưỡng mộ: “Con anh giỏi quá!” Phụ huynh: “Có giỏi giang gì đâu, đầu óc chẳng lanh lợi chút nào, tôi cũng không hiểu sao lại sinh ra đứa con như thế này”.
Tôi từng hỏi một vị phụ huynh rằng: Tại sao khi người khác khen con mình, lại phải khiêm tốn như vậy, thậm chí còn không quên hạ thấp con một chút?
Anh ấy nghiêm túc trả lời: “Khen nó sợ nó kiêu”.
Chúng ta thường nghĩ rằng, chỉ cần khen con một chút là nó sẽ trở nên kiêu ngạo, tự cho mình là giỏi. Nhưng thật ra, những bậc phụ huynh hay khen người khác nhưng lại chê con mình thường là những người bên trong cảm thấy nhạy cảm và thiếu tự tin.
Họ muốn thông qua việc tâng bốc người khác để nhận được sự công nhận và thừa nhận, đồng thời hy vọng dìm con xuống để chúng cố gắng vươn lên.
Tuy nhiên, họ không nhận ra rằng, trẻ em hình thành cái nhìn về bản thân qua những lời nhận xét của người lớn đặc biệt là cha mẹ. Nếu cứ nâng người khác lên mà dìm con mình xuống con sẽ thật sự tin rằng trong mắt cha mẹ mình thật kém cỏi, không bằng ai cả.
Đặc biệt khi cha mẹ chê con trước mặt người ngoài, lòng tự trọng của con sẽ bị tổn thương khiến con mất tự tin.
Khi người khác khen con mình, chúng ta có thể khiêm tốn và khen lại người ta, nhưng đừng ngần ngại công nhận những ưu điểm của con. Con sẽ biết rằng – trong mắt cha mẹ – con là một đứa trẻ tuyệt vời như thế nào. Chỉ khi đó, con mới có đủ tự tin để ngày một tiến bộ hơn.
Thứ ba: Khi con bị bắt nạt, bắt con phải nhẫn nhịn
Khi dẫn con gái đi chơi ở bãi cát, tôi chứng kiến một bé trai giật lấy cái xẻng của một bạn khác. Bé trai kia không chịu, cố gắng nắm chặt lấy nhưng vì không đủ sức cái xẻng vẫn bị giật mất.
Có vẻ như 2 gia đình quen biết nhau. Thấy vậy, cha mẹ của bé bị giật đồ an ủi: “Cho anh mượn một chút nhé, anh ấy không mang theo xẻng. Con xem, mình vẫn còn xe chở cát mà”.
Bé trai không đồng ý, khóc và yêu cầu cha mẹ lấy lại. Nhưng cha mẹ lại nổi cáu: “Cho mượn một chút có sao đâu, đừng ích kỷ như vậy”.
Khi con bị bắt nạt, có những cha mẹ vì sĩ diện mà bắt con phải nhẫn nhịn. Tuy nhiên, kiểu “giả vờ rộng lượng” này lại khiến chính con mình bị tổn thương.
Khi giao tiếp bên ngoài, cha mẹ chính là “bến bờ an toàn” của trẻ. Khi trẻ cảm thấy không an toàn, điều chúng cần nhất là sự khẳng định rằng cha mẹ sẽ bảo vệ mình và không để mình bị tổn thương. Chỉ khi đó, trẻ mới có thể xây dựng được cảm giác an toàn và tự tin hòa nhập với thế giới bên ngoài.
Nhưng nếu khi con bị bắt nạt, cha mẹ không đứng về phía con, trẻ sẽ cảm thấy cô đơn, không có ai bảo vệ. Trẻ sẽ ngại kết bạn, không dám mở lòng và thậm chí khi lớn lên nếu bị ức hiếp cũng sẽ không dám kể cho cha mẹ biết.
Nhiều cha mẹ không dám đứng ra khi con bị bắt nạt vì sợ mất lòng người khác, sợ bị người ngoài đánh giá. Suy cho cùng, đó là do lòng tự trọng yếu kém. Vì thiếu tự tin và dũng khí, họ ngại làm người khác phật ý, và cuối cùng, cả họ và con mình đều phải chịu thiệt thòi.
Trong cuốn “Kỷ luật tích cực” có một câu nói mà tôi rất đồng tình: “Đừng bận tâm người khác nghĩ gì. Điều quan trọng nhất trong lòng bạn nhất định phải là con của bạn”. Câu này nhấn mạnh rằng cha mẹ không nên quá lo lắng về những ý kiến của người khác khi nuôi dạy con, mà cần tập trung vào những gì tốt nhất cho con mình. Tôi thật sự muốn chia sẻ câu nói này với mọi người vì nó rất sâu sắc và ý nghĩa. Nó giúp tôi nhận ra rằng, trong quá trình nuôi dạy điều quan trọng nhất không phải là làm hài lòng xã hội hay thỏa mãn kỳ vọng của người ngoài, mà là bảo vệ và chăm sóc con cái một cách đúng đắn, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển của chúng.
Trúc Nhi biên dịch
Theo Aboluowang
