Nghiên cứu mới cho thấy sự kiệt sức của cha mẹ trong quá trình nuôi dạy con cái có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.

Cha mẹ phải làm gì khi kiệt sức trong quá trình nuôi dạy con cái?
(Ảnh: Shutterstock)

Một nghiên cứu mới được công bố trên  tạp chí Clinical Psychological cho thấy sự kiệt sức của cha mẹ có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng. Trong hai nghiên cứu theo chiều dọc, lần lượt 918 người và 822 người tham gia đã được phân tích. Các nghiên cứu này bao gồm kết quả của ba cuộc khảo sát trực tuyến trong 3 năm.

Kết quả chỉ ra rằng sự kiệt sức của cha mẹ có ý nghĩa tiêu cực hơn nhiều so với những gì chúng ta đã nghĩ trước đây. Sự kiệt sức có liên đới đến tư tưởng chạy trốn – tưởng tượng sẽ từ bỏ việc nuôi nấng con cái và tất cả các yếu tố gây căng thẳng của nó – cũng như liên đới đến hành vi không quan tâm tới con cái và hành vi “bạo lực”  hướng vào trẻ em bao gồm sự gây hấn bằng lời nói và tâm lý (ví dụ như đe dọa hoặc lăng mạ) và gây hấn về thể xác (đánh đòn hoặc tát tai).

Để có kết quả trung thực, các nhà nghiên cứu đã phải tìm cách giải tỏa được tâm lý giữ thể diện của các bậc cha mẹ để họ có thể trả lời trung thực tất cả các câu hỏi điều tra.

Kiệt sức là gì?

Theo định nghĩa của nghiên cứu, kiệt sức là một hội chứng kiệt quệ về thể chất và tinh thần, biểu hiện ở cảm giác mất phương hướng, xa lánh con cái và cảm giác không muốn gánh vác trách nhiệm làm cha mẹ. 

Vấn đề là cha mẹ không được cho là có thể bị kiệt sức! Chúng ta được mặc định rằng làm cha mẹ là một điều thật tuyệt vời và đáng giá, rằng một nụ cười từ đứa con thân yêu sẽ làm cha mẹ tiêu tan mọi mệt mỏi ngay lập tức, rằng làm cha mẹ có rất nhiều niềm vui còn khó khăn chỉ thỉnh thoảng mới có thôi và chẳng đáng kể gì (ví dụ như phải thức giấc vào lúc 2h sáng để thay tã). Điều này hoàn toàn sai sự thật và đó là một bí mật có thể gây hại cho cha mẹ.

Hãy tưởng tượng bạn làm việc cho ông sếp này: luôn đưa ra các yêu cầu vượt quá khả năng đáp ứng, luôn thay đổi các tiêu chuẩn hoàn thành công việc, các nhiệm vụ không có ngày kết thúc và không thể thoát khỏi – đó là những điều kiện hoàn hảo cho sự kiệt sức. 

Chắc chắn là cha mẹ có thể nói về những điều như là họ cảm thấy mệt mỏi để cân bằng giữa cuộc sống và công việc, hay phàn nàn về trách nhiệm phải gánh vác trong việc giữ gìn tổ ấm và nuôi dạy con cái, hoặc việc làm cha mẹ căng thẳng như thế nào… Nhưng ít ai nói về việc nuôi dạy con cái khiến họ cảm thấy kiệt sức.

Không phải ngẫu nhiên mà sự kiệt sức làm cho chúng ta liên tưởng đến một cục pin cạn kiệt. Khi chúng ta đốt cháy tất cả nhiên liệu cảm xúc của mình, sẽ không còn lại gì nữa. Cha mẹ được cho là phải rất yêu công việc nuôi dạy con cái và điều này tự sạc lại năng lượng cho họ. Cha mẹ không nên để tâm đến việc thức dậy lúc 2 giờ sáng để thay tã, đi làm muộn, bỏ qua cơ hội thăng tiến, hoặc là mục tiêu của những cơn giận tuổi teen.

Bạn không thể cho đi những gì bạn không có 

Đó là sự thật. Những đứa trẻ luôn phải sống dựa dẫm vào chúng ta. Mối quan hệ với cha mẹ là rất quan trọng cho sự phát triển tâm lý của trẻ em. Việc thiếu quan tâm có thể dẫn đến sự tổn hại cho tâm lý của trẻ. Đó là lý do tại sao dẫn đến việc cha mẹ có thể bị kiệt sức. Và chúng ta phải giải quyết vấn đề đó.

Vấn đề là, chúng ta không thể cho đi những gì chúng ta không có. Cha mẹ không thể yêu thương, quan tâm chăm sóc các con khi bị kiệt sức. Nếu cha mẹ bị căng thẳng thì không thể luôn thể hiện sự kiên nhẫn và yêu thương khi đối mặt với những thách thức. Vì chúng ta là cha mẹ, chúng ta phải biết khi nào điều đó xảy ra, khi nào sự kiệt sức đang ở mức độ nghiêm trọng và phải làm gì để giải quyết nó.

Đối với những gia đình có con mắc phải các chứng rối loạn phát triển như tự kỷ, tăng động… thì vấn đề còn nghiêm trọng hơn. Khi bạn đang nuôi dạy một đứa trẻ có vấn đề như vậy thì khả năng bị kiệt sức là rất cao. Những công việc đơn giản như đưa chúng lên xe buýt đến trường, đánh răng hoặc ăn tối trở thành những công việc lớn đòi hỏi nỗ lực của lực sĩ Hercules. Hãy thử làm bài tập về nhà với một đứa trẻ xóa mọi chữ cái không có hình dạng hoàn hảo hoặc không thể thực hiện một nhiệm vụ trong hơn ba phút. 

Tự chăm sóc bản thân chính là chăm sóc con cái

Cha mẹ phải làm gì khi kiệt sức trong quá trình nuôi dạy con cái?
(Ảnh: Shutterstock)

Vì vậy, theo các chuyên gia thì muốn nuôi dạy con hiệu quả thì các bậc cha mẹ trước hết phải nên biết tự quan tâm chăm sóc bản thân. Có thể có người nghĩ: “Tự chăm sóc? Ai có thời gian cho điều đó? Tôi rất mệt mỏi vì phải đối phó với con trai tôi. Làm thế nào tôi có thể bào chữa cho việc không dành thời gian quan tâm đến nhu cầu của con mà chỉ theo đuổi những thứ tôi thích?”

Theo kết quả nghiên cứu, nhiều bậc phụ huynh thừa nhận rằng họ thường xuyên mơ tưởng được giảm nhẹ trách nhiệm làm cha mẹ. Thực chất sự căng thẳng dẫn đến cách dạy dỗ con sai lầm như la hét hoặc đánh mắng.

Hãy tưởng tượng đến chiếc điện thoại di động hết pin. Tất cả chúng ta đều biết rằng chúng cần phải được sạc lại và chúng ta cũng vậy. Khi pin của chúng ta cạn kiệt thì chúng ta phải sạc đầy lại. Chúng ta phải sạc lại pin của chính mình, trước khi con chúng ta có thể sạc lại từ chúng ta!

Cá nhân, mỗi tuần tôi đều tự hỏi mình số “ngăn” nhất định mà cần phải sạc đầy. Trước khi những người khác có thể nạp năng lượng từ tôi, tôi cần phải sạc đầy những ngăn rỗng của mình.

Tôi nói với các con khi ‘ngăn’ yêu thương của mình trống rỗng và muốn các con đến với tôi để giúp nạp đầy nó. Tôi có một ‘ngăn’ cho vui chơi, một ‘ngăn’ cho những điều thú vị/ hấp dẫn, một ‘ngăn’ cho giấc ngủ ngon và một ‘ngăn’ cho thời gian không hẹn trước… Khi một trong những ngăn này sắp hết năng lượng thì tôi sẽ tìm cách nạp đầy chúng. Chúng ta chỉ có thể yêu thương chăm sóc các con khi chúng ta có đủ những điều kiện đó, nhưng nhiều phụ huynh lại không quan tâm đến điều đó. Phát hiện đáng sợ nhất của nghiên cứu này là sự kiệt sức ngăn cản cha mẹ có tình cảm với con cái.

Năm 1953, nhà phân tâm học trẻ em DW Winnicott đã nói về việc trở thành một người mẹ “đủ tốt”. Trớ trêu thay, trong quá trình theo đuổi việc trở thành một phụ huynh “hoàn hảo”, chúng ta có xu hướng tự làm mình kiệt sức. Chúng ta không cần phải trở nên “hoàn hảo” hay “tuyệt vời”, bạn không cần mất thời gian và năng lượng vào những bữa ăn hay kiểu tóc cầu kỳ làm cho con mà hãy dành năng lượng cho những cái ôm và sự chia sẻ. Hãy thực tế vì chúng ta có thể bị kiệt sức trên con đường trở thành các bậc cha mẹ lý tưởng.

TS. Tâm lý học Robyn Koslowitz 

Đỗ Hoàng (biên dịch dưới sự cho phép)