Chế độ phúc lợi xã hội vượt trội của Nhật Bản
- Mỹ Huyên
- •
Theo nhật báo Sankei Shimbun của Nhật Bản, tính đến ngày 15/9, số người Nhật từ 100 tuổi trở lên đã lên đến 80.450 người, lập kỷ lục mới trong 50 năm liên tiếp. Giới khoa học đã có nhiều lý giải liên quan, ở đây hãy thử điểm sơ qua về hệ thống phúc lợi xã hội vượt trội của Nhật Bản.
Theo nhật báo Sankei Shimbun, mới đây Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi của Nhật Bản đã công bố số người 100 tuổi trở lên ở Nhật Bản tính đến ngày 15/9 căn cứ vào “Tài khoản thường trú cơ bản”. Theo đó, Nhật Bản có tổng cộng 80.450 người 100 tuổi trở lên, tăng 9.176 người so với năm 2019. Đây là con số lớn nhất kể từ khi bắt đầu thống kê vấn đề này vào năm 1963, cũng là con số kỷ lục mới trong 50 năm liên tiếp. Trong số người 100 tuổi trở lên có đến 88% là nữ với tổng số 70.975 người, còn nam giới chỉ có 9.475 người.
Vào năm 1963, số người già 100 tuổi trở lên của Nhật Bản chỉ có 153 người, đến năm 1998 lần đầu tiên con số này vượt quá 10.000, và với lần thống kê này lần đầu tiên vượt quá 80.000 người. Cụ bà lớn tuổi nhất Nhật Bản là Kane Tanaka sống ở Fukuoka, năm nay 117 tuổi, năm ngoái cụ được Guinness công nhận là “người tuổi thọ cao nhất thế giới còn sống”. Còn đối với nam giới, người cao tuổi nhất là cụ ông Mikizo Ueda sống ở thành phố Nara, năm nay 110 tuổi. Những người sống trăm tuổi này sẽ nhận được giấy khen chứng nhận và cúp bạc từ Thủ tướng Nhật Bản.
Phúc lợi của công dân Nhật Bản ra sao?
Hệ thống phúc lợi của Nhật Bản có thể nói tương đối hoàn bị: mọi thứ từ phúc lợi trẻ em đến phúc lợi cho người khuyết tật và người già, cũng như hỗ trợ đời sống cho nhóm thu nhập thấp, hỗ trợ y tế… không ngừng được cải thiện theo nhu cầu xã hội.
Hệ thống bảo hiểm y tế
Mọi người dân sống tại Nhật Bản (kể cả người nước ngoài) đều có quyền lợi tham gia Bảo hiểm Sức khỏe Quốc dân. Người dân tham gia Bảo hiểm Sức khỏe Quốc dân khi đi bệnh viện chỉ thanh toán 30% chi phí y tế, 70% còn lại do chính phủ chi trả.
Về mức đóng phí bảo hiểm không nhất quán giữa các vùng khác nhau mà thay đổi tùy theo thành phố, quận, huyện, thị trấn, làng mạc hoặc thu nhập của mỗi cá nhân, trong hầu hết các trường hợp là khoảng 20.000 yên (khoảng 4,4 triệu Việt Nam đồng) một năm, không phải mức phí cao trong mức sống bình dân của người Nhật. Đối với du học sinh tham gia Bảo hiểm Sức khỏe Quốc dân sẽ được hưởng chính sách miễn giảm nhất định, tùy thuộc khu vực mà trả hàng tháng trong khoảng 1000 – 2000 yên (khoảng 220 – 440 nghìn Việt Nam đồng).
Phạm vi được hưởng bảo hiểm cơ bản hầu hết các trường hợp bệnh thông thường: khám bệnh, phẫu thuật, thuốc men, bó bột, chăm sóc điều dưỡng.
Ngoài ra trong hệ thống bảo hiểm y tế toàn dân của Nhật Bản còn có “chế độ đối với chi phí y tế quá lớn”. Chế độ này dành cho giải quyết trường hợp phẫu thuật phức tạp hoặc các bệnh mãn tính, theo đó trong trường hợp này dù người bệnh phải chi 30% cũng là một con số quá lớn. Quy định của chế độ này đặt hạn ngạch tối đa cho một tháng chi phí chẩn đoán và điều trị đối với một loại bệnh nhất định mà người bệnh chữa trị tại một bệnh viện, theo đó mức ngạch tối đa cũng căn cứ vào mức thu nhập của bệnh nhân, thông thường là 80.000 yên (còn có mức 40.000 yên và 160.000 yên), trong chế độ này nếu chi phí chữa bệnh vượt quá hạn ngạch tối đa thì do bảo hiểm y tế chi trả, đây được gọi là “chế độ đối với chi phí y tế quá lớn”.
Phúc lợi thai sản và trẻ em
Nhật Bản cũng có chế độ phúc lợi thai sản và trẻ em rất hoàn thiện. Ở Nhật Bản, cứ mỗi bé chào đời có thể được trợ cấp sinh con là 420.000 yên (khoảng 92 triệu Việt Nam đồng) bất kể người đến từ nước nào đều có thể được hỗ trợ trong hai điều kiện sau.
– Tham gia “Bảo hiểm Sức khỏe Quốc dân” hoặc “Bảo hiểm Sức khỏe”.
– Được trợ cấp nếu sinh non, hoặc thai chết.
Người thụ hưởng có thể chọn chuyển khoản phí này trực tiếp đến bệnh viện, hoặc nếu không người thụ hưởng có thể thanh toán trước, sau đó chờ khoản trợ cấp được phê chuẩn thì tiền sẽ chuyển thẳng vào tài khoản của người hưởng.
Ngoài khoản trợ cấp 420.000 yên trên thì khi đứa trẻ được sinh ra vẫn được khoản trợ cấp hàng tháng cho đến 15 tuổi.
0 ~ 3 tuổi: 15.000 yên/người.
Từ 3 tuổi trở lên đến tốt nghiệp tiểu học: 10.000 yên cho trẻ đầu tiên, 10.000 yên cho trẻ thứ hai và 15.000 yên cho trẻ thứ ba (trở lên).
Tốt nghiệp tiểu học đến 15 tuổi: tất cả đều được 10.000 yên.
Trước khi đứa trẻ lên 6 tuổi, một phần của toàn bộ chi phí y tế do chính quyền địa phương chi trả, mức độ tỷ lệ phần trăm cụ thể khác nhau tùy theo địa điểm.
Ngoài ra còn có các khoản trợ cấp cho trẻ em của các gia đình đơn thân, trước khi trẻ 18 tuổi sẽ được hưởng các mức trợ cấp khác nhau cho những lần mang thai khác nhau, dao động từ 40.000 – 60.000 yên. Có thể nói là không cần lo lắng về vấn đề kinh tế.
Ngoài ra, nếu gia đình thu nhập thấp có trẻ trong độ tuổi đi học thì có thể xin hỗ trợ đi học và hỗ trợ sinh hoạt, do hầu hết các chi phí đi học đều có thể được trợ cấp.
Ngoài ra còn có các khoản hỗ trợ đặc biệt dành cho trẻ khuyết tật, thông thường trẻ khuyết tật có thể nhận được 33.800 yên (khoảng 7,4 triệu Việt Nam đồng) mỗi tháng, đối với trẻ khuyết tật nặng có thể nhận được 50.750 yên (khoảng 11 triệu Việt Nam đồng) mỗi tháng.
Nhìn chung, trẻ em sống ở Nhật Bản không phải lo lắng về việc không có tiền để đi học hoặc đi khám bệnh.
Phúc lợi cho hộ nghèo
Cho dù Nhật Bản là nước phát triển nhưng điều đó không đồng nghĩa xã hội Nhật Bản không còn nhóm người thu nhập thấp. Cư dân Nhật Bản trên 20 tuổi, bao gồm cả người nước ngoài sống ở Nhật Bản, được bảo đảm sự sống nếu thu nhập của họ thấp hơn mức sống cơ bản, mức hỗ trợ bảo đảm khác nhau tùy theo từng nơi.
Đại thể mức hỗ trợ hàng tháng mỗi cá nhân khoảng 150.000 yên (khoảng 33 triệu Việt Nam đồng), còn chính quyền địa phương sẽ thuê nhà cho những nhóm thu nhập thấp này, tất nhiên tiền thuê nhà cũng do chính phủ chi trả.
Người thất nghiệp và không có thu nhập cũng có thể nhận được một số tiền trợ cấp thất nghiệp hàng tháng. Người mất khả năng lao động và không có ai chăm sóc cũng có thể được giảm tiền thuê nhà và được chăm sóc y tế miễn phí. Người vô gia cư có thể nhận được khoảng 120.000 yên mỗi tháng tiền cứu trợ sinh hoạt từ chính phủ.
Phúc lợi cho người khuyết tật
Xã hội Nhật Bản có chính sách rất chi tiết đối với người khuyết tật.
Các vùng của Nhật Bản đều có cơ sở sinh hoạt dành riêng cho người khuyết tật để tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển của họ. Người khuyết tật được miễn phí phương tiện giao thông công cộng như đi tàu điện ngầm, xe buýt, cũng như đậu xe miễn phí tại các địa điểm công cộng.
Chính phủ Nhật Bản quy định đối với những người mù hoàn toàn ở độ tuổi trưởng thành (18 tuổi trở lên) đều được nhà nước cung cấp chó dẫn đường miễn phí cho việc đi lại.
Tất cả các vùng đều thành lập “trường hỗ trợ đặc biệt” cho người khuyết tật để đảm bảo người khuyết tật được thụ hưởng giáo dục đào tạo cơ bản. Để khuyến khích trẻ em mù và điếc vào các trường chuyên biệt, nhà nước hỗ trợ một phần học phí. Khoản hỗ trợ bao gồm: chi phí sách vở, văn phòng phẩm, bữa trưa ở trường, phí giao thông đi về, phí thăm quan, phí thăm người thân cho học sinh khuyết tật trở về nhà cha mẹ.
Về việc làm, các chính quyền khu vực khác nhau thành lập các cơ quan xúc tiến việc làm đặc biệt cho người khuyết tật, giúp họ thành thạo các kỹ năng lao động và cung cấp cơ hội việc làm. Nhà nước quy định các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, pháp nhân đặc biệt phải tuyển dụng một tỷ lệ nhất định người khuyết tật, nếu không đạt yêu cầu thì phải bồi thường cho nhà nước. Chế độ tỷ lệ việc làm cho người khuyết tật được chia thành hai trường hợp:
- Trong các cơ sở do chính phủ quản lý, 2,1% của tổng số nhân viên là người khuyết tật;
- Trong các tổ chức tư nhân, 1,8% tổng số nhân viên là người khuyết tật.
Có thể nói, hầu hết người khuyết tật ở Nhật Bản đều có thể phát huy được khả năng bản thân và sống một cuộc sống có tôn nghiêm như những người bình thường, không cần phải lo lắng bị người khác xem họ như người khác lạ.
Những điều được đề cập ở trên chỉ là một phần phúc lợi của Nhật Bản. Điểm đáng chú ý là trong các chính sách của Nhật Bản hiện nay cơ bản không có chia tách phân biệt với người nước ngoài, ngoại trừ quyền bầu cử thì người nước ngoài có tư cách pháp nhân lâu dài đều được thụ hưởng các quyền lợi như công dân Nhật Bản, có thể vì vậy mà ngày càng có nhiều người nhập cư vào Nhật Bản.
Mỹ Huyên
Xem thêm:
Từ khóa Con người Nhật Bản Phúc lợi xã hội Nhật Bản