Chiếc ví
- Liên Hoa
- •
Mặt trời đã dần hạ thấp sau rặng cây, từng làn gió nhẹ nhàng lướt qua làm dịu hẳn cái oi nóng của mùa hạ. Mẹ Na chầm chậm bước ra ngoài hiên nhà. Trên chiếc ghế mây tre, bà phóng tầm mắt nhìn xa xăm. Với thân thể gầy gò, ốm đau quanh năm, cũng may có người chồng tử tế lại chịu khó và cô con gái ngoan ngoãn, thảo hiền. Bỗng có tiếng gọi của Na, em mang cốc nước ra chỗ mẹ.
Na: Mẹ ơi, mẹ uống chút nước đi ạ. Mẹ thấy trong người thế nào ạ?
Mẹ: Cảm ơn con gái. Mẹ thấy đỡ mệt rồi. Còn mấy ngày nữa thì con nhập học? Vào đại học rồi, con phải chăm chỉ học hành nhé.
Na: Còn 5 ngày nữa con nhập học ạ. Con sẽ cố gắng học để trở thành bác sĩ giỏi, sau này con sẽ chữa bệnh cho mẹ ạ.
Mẹ: Con gái ngoan. Đợi bố về mang tiền cho con đi nhập học nhé.
Na: Dạ.
Na ngả người vào mẹ, mẹ nhẹ nhàng vuốt mái tóc Na, mái tóc dài óng mượt. Một vài tia nắng xuyên qua tán lá, vương trên thân hai mẹ con. Mẹ nhìn Na cười, chốc lát quên đi mọi buồn phiền do bệnh tật đeo bám. Trên cành cây bưởi trong vườn mấy chú chim chích bông vừa thoăn thoắt chuyền cành vừa nói cười vui vẻ những tiếng tíc… tíc…
Một ngày…hai ngày….ba ngày…. Na đợi bố đi làm về…Thỉnh thoảng, Na lại ra ngõ ngóng đợi bóng dáng gầy gầy thấp thấp của bố. Rồi ngày thứ năm đã đến. Và kia đúng là dáng của bố, bố về rồi. Na vui mừng chạy ra ngõ đón bố.
Na: Bố ơi. Bố ơi. Bố về rồi. Bố đã về rồi.
Nhưng dáng bố thất thểu dắt xe đạp vào ngõ, gương mặt buồn rầu, đến gần Na, ông dựng chân chống xe xuống, cầm tay Na, rưng rưng khóe mắt.
Bố: Na ơi, bố xin lỗi con. Bố không có tiền cho con nhập học rồi. Mười mấy triệu tiền công đã bị bố làm rơi. Bố đã đi tìm rồi mà không thấy con ạ.
Na: Bố ơi, vậy làm sao bây giờ? Ngày mai con phải nhập học rồi.
Na ôm bố khóc. Em sợ không được nhập học. Ước mơ làm bác sĩ bấy lâu, giờ không thực hiện được.
Bố: Con đừng khóc nữa. Để lát bố đi tìm lại lần nữa con nhé!
Na: Bố đã tìm rồi mà không thấy. Chắc không tìm được đâu ạ.
Hai bố con đi vào nhà, dù không nhắc đến việc này nhưng cũng không thể vui lên được. Trong căn nhà cấp 4 đơn sơ, nhưng gọn gàng, ngăn nắp, ánh đèn loang loáng, bữa tối giản dị của cả nhà được bày ra. Con mèo tam thể quẩn quanh đòi ăn, còn con cún nhỏ ngoan ngoãn ngồi đợi ngoài hiên. Nó cũng nghển cổ để mong được Na cho một bát cơm trộn với cá rô đồng.
Bỗng nhiên, có tiếng gọi ngoài cổng: “Bác Phúc ơi, cho cháu hỏi đây có phải nhà bác Phúc không ạ?”. Nghe thấy tiếng gọi, bố Na ra cổng xem ai tìm mình.
Ông Phúc: Đúng rồi, bác là Phúc đây. Cháu là ai? Cháu tìm bác có việc gì đấy?
Quân: Cháu là Quân, cháu ở trên thành phố. Đang đi cháu thấy chiếc túi rơi trên đường. Cháu nhặt lên và thấy bên trong có ví tiền, cháu đã đứng đó một lúc mà không thấy có ai tìm, nên cháu theo địa chỉ trên thẻ căn cước của bác tìm đến đây trả lại cho bác ạ. Bác xem có bị thiếu gì không ạ?
Ông Phúc: Ôi, may quá cháu ơi, đúng là ví tiền của bác. Vẫn còn đầy đủ tiền và giấy tờ cháu ạ. Bác cũng đã tìm mà không biết rơi ở chỗ nào. May quá, lại có người tốt như cháu nhặt được.
Ông Phúc mừng rơi nước mắt, cầm tay Quân và nói:
Ông Phúc: Cháu ơi, bác mừng quá, số tiền này rất có ý nghĩa với gia đình bác. Bác cảm ơn cháu nhiều.
Đúng lúc đó cả Na và mẹ đều đi ra cổng. Mẹ Na cũng vui mừng “May quá, tìm lại được tiền cho Na đi học rồi” Ông Phúc rút ít tiền trong ví đưa cho Quân.
Ông Phúc: Cháu ơi, cháu hãy cầm lấy một chút tiền này nhé, xem là bác cảm ơn cháu nhé.
Quân: Dạ, không ạ. Đây là số tiền mà bác đã đổi bằng bao công sức lao động để làm ra. Cháu không lấy đâu ạ.
Mẹ Na: Cầm lấy đi cháu. Gia đình bác muốn cảm ơn cháu.
Quân: Dạ, thôi. Cháu không lấy đâu ạ. Gia đình mình đang cần số tiền này mà. Nếu cháu muốn lấy tiền thì cháu đã không tìm đến đây ạ. Nhìn thấy gia đình bác vui như vậy là cháu cũng vui rồi ạ.
Ông Phúc: Thật sự cảm ơn cháu. Cháu thật là người tốt.
Ông Phúc cầm tay Quân hồi lâu. Tất cả mọi người đều cười nói vui vẻ. Trên bầu trời, ánh nắng đã tắt hẳn, từng đàn chim đang bay về tổ. Buổi tối nơi làng quê thật thanh bình. Nhà nào nhà nấy, ánh đèn đã sáng lên, và mọi thành viên đều bên bữa cơm quây quần đoàn tụ.
Người xưa có câu rằng: “Nhặt được của rơi, trả người đánh mất”. Câu nói này đã trở thành đạo lý và nguyên tắc hành xử trong văn hóa truyền thống khi xưa. Đã có rất nhiều câu chuyện về việc người tốt nhặt được của rơi trả người đánh mất, chẳng những mang lại niềm vui cho người khác mà chính mình cũng nhận được phúc báo to lớn mãi về sau.
Đăng lại từ website Việt Nam Tươi Đẹp của tác giả Liên Hoa