Chữ “lười” quá đáng sợ!
- Trúc Nhi
- •
Nhà văn nổi tiếng Dale Carnegie, tác giả cuốn sách ‘Đắc Nhân Tâm’ đã từng nói: “Hãy duy trì sự bận rộn bởi đó là liều thuốc rẻ nhất thế giới”. Lười biếng như ngọn lửa thiêu rụi sự nhiệt huyết và ý chí của một người, thậm chí là đẩy người ta rớt xuống vực sâu không đáy. Vì thế ngàn vạn lần đừng để bản thân rơi vào trạng thái này nếu bạn không muốn hủy hoại cả cuộc đời mình.
Trong quan niệm truyền thống của người châu Á, thì “chuyên cần” được coi là một trong những phẩm chất cực kỳ trọng yếu và là nền tảng vững chắc để lập thân.
Thần Nông cất công nếm bách thảo; Đại Vũ vì lo trị thủy mà ba lần đi qua nhà nhưng không vào nhà; các bậc minh quân lo liệu đại sự triều chính nên thường ăn rất muộn và tranh thủ mặc quần áo trước cả bình minh; các bậc công thần ngày đêm vì quốc gia mà dốc lòng dốc sức; nhân dân bách tính chú trọng cần kiệm, tiết kiệm, lo việc nhà.
Bậc thầy triết học và thiên văn học Trung Hoa, Thiệu Ung từng nói: “Mỗi ngày hướng về bình minh, mỗi năm hướng về mùa xuân và cả đời hướng về chuyên cần.” Có thể thấy sức nặng của “chuyên cần” trong văn hóa truyền thống. Những từ liên quan đến chuyên cần, chẳng hạn như siêng năng, chăm chỉ, cần cù, cần mẫn, chịu khó, tận lực, tận tâm và tiết kiệm, đều là những từ khen ngợi. Chuyên cần có thể nói là một trong những đức tính phổ biến của con người thời xưa.
Ngược lại, “lười biếng” dù ở trong thời đại nào thì vẫn luôn bị chỉ trích và phủ định. Có câu nói “nhàn cư vi bất thiện”, nó thể hiện rõ nét sự lười biếng và nguy hiểm của sự lười biếng.
Có câu chuyện như thế này: Có một đứa trẻ rất lười biếng, đến quần áo cũng không chịu tự mặc mà thường có tâm lý ỷ lại hoàn toàn vào sự chăm sóc của người lớn. Có một lần nọ, người lớn trong nhà có việc gấp phải ra ngoài vài ngày, nhưng vì thấy đứa trẻ này có tính quá lười biếng, khó mà có thể tự lập trong những ngày sắp tới, vì vậy họ liền nướng một chiếc bánh lớn, sau đó khoét một lỗ thật lớn ở giữa, rồi đeo vào cổ đứa trẻ để nó có thể ăn một cách thuận tiện nhất mà không bị đói. Tuy nhiên sau khi người nhà trở về, thì cậu bé lười biếng kia vẫn chết đói. Bởi vì cậu ta chỉ ăn phần bánh được đeo trước cổ, còn phần sau cổ thì cậu ta chẳng buồn đưa tay ra lấy để ăn.
Có thể thấy, lười biếng thật sự rất tệ hại. Ví dụ, cuộc sống của một ngày vốn rất có trật tự, giờ nào dậy, giờ nào ăn cơm và giờ nào đi làm, tất cả đều đã đi vào quy củ. Tuy nhiên nếu bạn lười biếng và ngủ nướng thêm một chút, dậy muộn hơn nửa giờ, một giờ thì bạn nghĩ sao? Thức dậy, mặc quần áo, gấp chăn màn, đi vệ sinh, giặt giũ, nấu nướng, ăn uống và đi làm. Tất cả công việc đều phải hoàn thành, nhưng vì dậy trễ nên công việc bị dồn tích, mọi thứ đều sẽ rối tung lên.
Ví dụ như một mùa vụ của người nông dân là thường phải trồng cây vào mùa xuân, canh tác vào mùa hè, thu hoạch vào mùa thu và tích trữ vào mùa đông, họ siêng năng, tận tâm và sẽ không bỏ lỡ thời vụ. Ở một phạm vi rộng lớn hơn mà nói, công đức và khuyết điểm của một đời người cũng là kết quả của sự tích lũy. Tích nhiều lỗi nhỏ sẽ có thể dẫn đến sai lầm lớn, tích nhiều việc lười biếng có thể làm chậm trễ cả đại sự.
Bậc thầy Thiệu Ung cũng từng nói rằng “kế hoạch của cuộc đời nằm ở sự siêng năng”, ông nhận thức được sự siêng năng này là vô cùng quan trọng. Cho nên bản thân ông cũng thời thời khắc khắc tự nhắc nhở và rèn luyện bản thân. Khi còn trẻ, vì dùi mài kinh sách mà ông đã từng mấy năm liền hàng đêm không dám nằm ngủ, chỉ tựa đầu ôm gối mà chợp mắt.
Hay người xưa đã ghi chép lại một câu chuyện của Cựu Tổng đốc Lưỡng Giang, Tăng Quốc Phiên như thế này: Từ nhỏ, Tăng Quốc Phiên dù không thông minh hơn người nhưng bù lại, ông rất chăm chỉ, kiên trì. Sở thích của ông là đọc sách. Vào một đêm nọ, khi ông đang chong đèn đọc sách thì bỗng có một tên trộm lẻn vào trong thư phòng. Tên trộm trốn vào một góc trong bóng tối, thầm đợi đến khi ông tắt đèn đi ngủ thì sẽ ra tay ăn trộm đồ. Tuy nhiên, vì chăm chỉ và mải mê đọc sách nên ông cứ cần mẫn đọc đi đọc lại mãi mà không chịu đi ngủ khiến tên trộm bắt đầu mất hết kiên nhẫn vì nóng lòng chờ đợi.
Đến khi không thể đợi thêm được nữa, tên trộm mới tức giận đùng đùng rồi chạy ra gào thét: “Cái thằng bé cứng đầu này, đêm hôm khuya khoắt mãi không chịu đi ngủ còn cứ đọc sách mãi làm gì?” Nói xong, tên trộm bèn vội vã chạy đi.
Thế nhưng, trong xã hội hiện đại này, con người có một vấn đề chung là thích nhàn rỗi và ghét làm việc, bởi vì nó là một vấn đề phổ biến nên nhiều người không coi trọng nó. Kỳ thực chuyện này rất nguy hiểm, bao nhiêu chuyện nên làm đều vì “lười biếng” cho nên cuối cùng đều thành uổng phí.
Vision Times
Từ khóa lười biếng chuyên cần