“Chứng rối loạn tiền bạc” là gì? Làm thế nào để đối phó với nó?
- Mạt Lỵ
- •
Mặc dù tiền không phải là tất cả, nhưng không thể phủ nhận tầm quan trọng của nó trong cuộc sống. Vì vậy, nếu không có những quan niệm và thói quen đúng đắn về tiền thì sẽ có thể rơi vào trạng thái “rối loạn tiền bạc”. Một số chuyên gia đã đưa ra những phân tích và giải pháp để giúp khắc phục chứng “rối loạn tiền bạc” này.
Theo Huffington Post, Danielle Desir Corbett- chuyên gia tài chính cá nhân và người dẫn chương trình podcast ‘The Thought Card’ ở Mỹ, cho rằng sự “rối loạn tiền bạc” chính là việc bản thân một người có cái nhìn bất thường hoặc lệch lạc về tình hình tài chính của mình.
Cô nói rằng: “Có rất nhiều nguyên nhân gây ra chứng rối loạn tiền bạc, bao gồm: Trải qua giai đoạn khủng hoảng tài chính cá nhân, áp lực xã hội, có nguy cơ về kinh tế hoặc có thể bắt nguồn sâu xa từ quá trình nuôi dạy thời thơ ấu…Tuy nhiên, tất cả những gì mọi người đang đánh giá về tài chính của mình đều rất khác so với thực tế.”
Một cuộc khảo sát gần đây được thực hiện bởi Credit Karma, một công ty tài chính của Mỹ, đã đưa ra những con số sau đây:
– 29% người Mỹ mắc chứng rối loạn tiền bạc và hầu hết trong số họ là những người trẻ tuổi.
– 43% Thế hệ Z ( những người sinh năm 1997-2012) mắc chứng rối loạn tiền bạc.
– 41% Thế hệ Y – Millennials (1980 đến năm 2000) mắc chứng rối loạn tiền bạc.
– 25% Thế hệ X (42-57 tuổi) và 14% những người trên 59 tuổi mắc chứng khó nhận thức về tiền bạc.
– 82% cho biết họ cảm thấy mình đang tụt hậu về mặt tài chính (sau khi trải qua chứng rối loạn tiền bạc)
– 29% số người được hỏi cho biết họ không gặp phải tình trạng bất an về tài chính như vậy.
Courtney Alev, cố vấn tài chính tiêu dùng tại Credit Karma, cho biết chứng rối loạn tiền bạc như là một “trò chơi” cố gắng theo kịp người giàu, và việc không “theo kịp” có thể khiến một số người cảm thấy hụt hẫng.
Chuyên gia tài chính cá nhân Elizabeth Ayoola tin rằng những thành kiến của mọi người về tài chính của họ thường được hình thành khi họ bắt đầu so sánh mình với những người khác mà họ thấy trên mạng xã hội hoặc trên những bản tin tức kinh tế.
Cô nói: “Khi mọi người mắc chứng rối loạn tiền bạc, họ có thể nhìn nhận tài chính của mình một cách chủ quan hơn là khách quan.”
Những dấu hiệu của chứng rối loạn tiền bạc là gì?
Cô Ayoola nói: “Chứng rối loạn tiền bạc thường khiến mọi người đi theo 2 tình huống. Một là tin rằng tình hình tài chính của mình rất tệ, từ đó thúc đẩy bản thân tiết kiệm quá mức. Hai là tin rằng tài chính của mình rất tốt, điều này khiến họ bội chi vì cảm thấy mình an toàn về mặt tài chính, nhưng thực tế không phải vậy.”
Cô ấy lưu ý rằng nếu bạn mắc chứng rối loạn tiền bạc, bạn có thể có cảm xúc mạnh mẽ về tình hình tài chính của chính mình khi thấy bạn bè đạt được thành tựu nào đó về phương diện này. Từ những cảm xúc như buồn bã, lo lắng, căng thẳng, trầm cảm, vô dụng hoặc quá tự tin có thể sẽ dẫn đến những hành vi tài chính không lành mạnh, chẳng hạn như chi tiêu quá mức trong kỳ nghỉ hoặc mua sắm.
Cô còn cho biết chứng rối loạn tiền bạc có thể khiến những người khá giả về tài chính tiết kiệm quá mức và những người yếu kém về tài chính chi tiêu quá mức, cuối cùng ngăn cản mọi người đạt được các mục tiêu tài chính hoặc tận hưởng thành quả.
Dasha Kennedy, thành viên ủy ban chăm sóc sức khỏe tài chính của chương trình Giảm nợ Quốc gia, cho biết một số người mắc chứng rối loạn này có thể sinh ra tâm lý sợ tiêu tiền hoặc thậm chí là không dám mua những thứ họ thực sự cần. Khi họ đã mua hàng, họ có thể cảm thấy lo lắng, dằn vặt hoặc tội lỗi.
Kennedy nói: “Các dấu hiệu phổ biến của chứng rối loạn tiền bạc bao gồm việc liên tục kiểm tra số dư ngân hàng, tránh thảo luận tài chính, so sánh bản thân với người khác, có cái nhìn lệch lạc về sự giàu có, sợ nghèo đói, quá kén chọn trong các quyết định tài chính và căng thẳng về tài chính trong tương lai…”
Đặc biệt, những người trẻ tuổi thường có xu hướng kết nối cảm xúc về tình hình tài chính với những gì họ thấy trên thực tế và trên mạng xã hội, ngay cả khi điều đó không thực tế. Nhiều người tránh giải quyết hoặc tìm sự trợ giúp cho khoản nợ, điều này có thể góp phần tạo ra một chu kỳ bất ổn tài chính.
Làm thế nào để đối phó với chứng rối loạn tiền bạc?
Theo Kennedy, có một số cách để vượt qua chứng rối loạn tiền bạc, bao gồm: Có cái nhìn trung thực về tài chính cá nhân, đặt mục tiêu rõ ràng, xây dựng kế hoạch và quan trọng nhất là không so sánh bản thân với người khác.
Nếu mục tiêu của bạn là tăng số tiền tiết kiệm, vậy thì hãy bắt đầu bằng cách kiểm tra tài chính của bạn để xem bạn cần tiết kiệm thêm bao nhiêu nữa. Từ đó, bạn có thể thiết lập thanh toán tự động với mỗi khoản tiền lương để giúp bạn có thể chịu trách nhiệm và tăng dần số tiền tiết kiệm của mình.
Ngoài ra, bạn nên đặt ra các mục tiêu tài chính thực tế và tìm kiếm các nguồn tài nguyên hữu ích cho giáo dục tài chính cá nhân. Hãy cân nhắc việc tham khảo ý kiến của chuyên gia lập kế hoạch tài chính, nhà trị liệu hoặc tìm kiếm sự hỗ trợ khi bạn theo đuổi mục tiêu của mình.
Desir-Corbett khuyên bạn nên kết nối với một người có thể đưa ra cho bạn lời khuyên, phân tích, cổ vũ và chỉ ra khi bạn mắc sai lầm. Bạn cũng có thể quan sát suy nghĩ của mình về tiền bạc mỗi ngày. Một điều quan trọng là hãy ngừng xem mạng xã hội vì chúng có thể làm tăng thêm sự bất an về tài chính. Thay vào đó, hãy dành thời gian nghe các chương trình tài chính cá nhân hoặc đọc sách để giảm bớt các lỗ hổng kiến thức.
Một cách tiếp cận hữu ích khác là xem xét khách quan tình hình tài chính của bạn và sau đó đánh giá xem bạn có đang làm tốt hay không.
Kennedy cũng nhấn mạnh rằng hãy đừng quên việc đối xử tốt với chính mình. Hãy hiểu rằng việc tiêu tiền vào những thứ cần thiết và những thứ mang lại niềm vui là điều chính đáng. Thận trọng về tài chính là tốt, nhưng điều đó không khiến có nghĩa là bạn liên tục không làm gì hay không mua gì. Mấu chốt là bạn cần nhận thức được khi nào mình đang lo lắng quá nhiều về mặt tài chính.
Từ khóa Chứng rối loạn tiền bạc