“Chúng ta ở cùng một đội”, mẹo hóa giải cãi vã giữa vợ chồng
- Minh Ngọc
- •
Sau nhiều năm kết hôn, liệu bạn và người bạn đời có thường rơi vào vòng luẩn quẩn cãi vã về những việc như làm thế nào để cân bằng giữa công việc và gia đình, hoặc tranh luận về vấn đề ai là người chịu trách nhiệm chăm sóc gia đình và việc học tập của con cái, hay những bất đồng trong quan điểm sống?
Có lẽ mối quan hệ của bạn và nửa kia đang gặp khó khăn và các bạn rất phiền não về điều này. Đôi khi cuộc cãi vã trở nên rất kịch liệt, thậm chí dẫn đến việc chỉ trích nhau một cách tiêu cực và dù không muốn tiếp tục phá hỏng mối quan hệ nhưng lại không biết phải giải quyết ra sao.
Bài viết này sẽ giới thiệu đến bạn một mẹo nhỏ của các chuyên gia hôn nhân của Mỹ, một câu nói giúp đưa mối quan hệ vợ chồng đi đúng hướng và thoát khỏi những cuộc cãi vã kịch liệt.
Đó là: “Chúng ta ở cùng một đội”.
“Chúng ta ở cùng một đội”. Những cuộc tư vấn hôn nhân cho thấy câu nói này có tác dụng nhắc nhở kịp thời, giúp các cặp vợ chồng nhanh chóng dừng cuộc tranh cãi. Nhiều cặp vợ chồng sẽ ngay lập tức nhận ra rằng người trước mặt mình không phải là “kẻ địch” và sau đó sẽ bắt đầu lắng nghe, trao đổi và nhượng bộ lẫn nhau để cùng giải quyết vấn đề.
Nhà tâm lý học và trị liệu hôn nhân ở Washington D.C, bà Marie Land đã chỉ ra rằng ngay khi từ “cùng một đội” xuất hiện, cuộc cãi vã giữa các cặp vợ chồng có thể nhanh chóng hạ nhiệt. Sử dụng câu nói này một cách khôn ngoan và kịp thời có thể nhắc nhở cả hai bên quay lại quá trình giải quyết vấn đề. Bởi vì đời sống hôn nhân giống như một “trò chơi tập thể”, tinh thần hợp tác đặc biệt quan trọng, nếu dùng những ngôn từ khó nghe để đả kích nhau sẽ chỉ khiến bạn càng nhanh thua cuộc hơn mà thôi.
Bà Marie Land cho biết: “Khi bạn nói ‘Chúng ta ở cùng một đội’, câu nói này có nghĩa là bạn không muốn lại rơi vào tình cảnh bất đồng, cùng lúc đó bạn vẫn xem trọng mối quan hệ của đôi bên.”, “Làm như vậy có thể giúp nhau thôi phòng thủ và bình tĩnh và để giải quyết vấn đề.”
Một khi điều này được hóa giải thành công, dự kiến một “cơ chế” thuận lợi sẽ được hình thành giữa mối quan hệ vợ chồng trong tương lai. Khi việc tương tự xảy ra lần nữa, từ “cùng một đội” sẽ trở thành một lời nhắc nhở và sự ngầm hiểu giữa đôi bên. Cả hai sẽ nhớ lại cách mà mình đạt được sự nhượng bộ và thấu hiểu trước đó, nhờ đó có thể tập trung giải quyết mọi việc nhanh hơn và tốt hơn.
Hoặc cùng chiến thắng, hoặc cùng thất bại
Chuyên gia trị liệu hôn nhân và gia đình tại San Diego, ông Jennifer Chappell Marsh đã chỉ ra rằng câu nói này rất hiệu quả vì nhu cầu cảm xúc trong cuộc trò chuyện được công nhận, điều này rất quan trọng để đạt được một kết quả tích cực. Thường thì lý do biến một cuộc trò chuyện đơn giản thành đổ lỗi lẫn nhau là do vấn đề trong phương thức giao tiếp. Nếu đôi bên xem việc trò chuyện là một trận chiến “thắng và thua” thì đã đi sai hướng ngay từ đầu. Có thể một người cuối cùng sẽ dùng phương pháp ép buộc để khiến người còn lại chịu thua, nhưng điều này không có lợi cho sự phát triển của mối quan hệ trong tương lai. Việc này cũng rất không khôn ngoan và không thực sự giải quyết được vấn đề.
Do đó, câu nói “Chúng ta cùng một đội” có thể khơi dậy cảm giác đồng cảm và hợp tác trên cơ sở công nhận lẫn nhau, phá vỡ vòng luẩn quẩn phàn nàn nhau và loại bỏ sự cạnh tranh thắng thua. Hãy tự nhủ rằng: Tại sao mình lại cứ cố chấp phải thắng cơ chứ? Tại sao lại vô thức xem đối phương là bên đối đầu với mình?
Chuyên gia tâm lý phân tích rằng điều này có thể là có liên quan đến nhu cầu được lắng nghe và đón nhận trong tiềm thức của mọi người, “người chiến thắng” sẽ có được cảm giác an toàn, còn trước mặt bạn đời, “kẻ thua cuộc” sẽ cảm thấy rất tồi tệ, thất vọng và nản lòng. Chính vì vậy mà người ta phải “thắng” bằng mọi giá. Lâu dần, rất nhiều người tạo thành thói quen muốn giành chiến thắng, đặc biệt là trước mặt người bạn đời thân yêu nhất của mình, thế nhưng lại quên mất sự thật rằng vợ chồng vốn dĩ là một tập thể mang đến lợi ích cho nhau.
Những cặp vợ chồng đã kết hôn mấy chục năm khi còn trẻ cũng từng nhiều lần gặp trắc trở và vấp ngã trong hôn nhân, thậm chí là tranh cãi kịch liệt, nhưng suy cho cùng thì thật ra vợ chồng là “những người trong cùng một đội”. Bạn mãi mãi không thể “chiến thắng” bạn đời của mình, chỉ có “hoặc cùng thắng, hoặc cùng thua”.
Chuyên gia hôn nhân ở Texas, ông Trey Morgan chỉ ra rằng nỗi sợ mất cảm giác an toàn sau khi “cãi vã” khiến người ta khó chấp nhận thực tế là họ “cùng một đội”. “Ban đầu, cả hai đều muốn giành chiến thắng, nhưng nhiều năm sau, họ đều sẽ thỏa hiệp.”
Duy trì mối quan hệ hôn nhân lâu bền và lành mạnh
Từ việc quan sát và đánh giá thực tế nhiều cuộc hôn nhân trước đây, một khi các cặp vợ chồng nhận ra sự thật “cùng một đội” thì sẽ không còn tranh chấp nữa và giải quyết được vấn đề một cách hiệu quả. Lúc này, cả hai đều sẵn sàng thuận theo suy nghĩ của nhau, thấu hiểu và đạt được sự đồng thuận cuối cùng.
Nhà trị liệu hôn nhân và gia đình từ Berkeley, ông Winfred Reilly cho rằng khi cảm xúc của cả hai dịu xuống, hãy hỏi bạn đời rằng: “Điều gì là quan trọng nhất đối với anh/em trong vấn đề này? Điều gì khiến anh/em cảm thấy khó khăn nhất? Anh/em muốn em/anh hiểu những gì? “ Lúc này, đừng chỉ nhấn mạnh lập trường của bạn, mà hãy bắt đầu lắng nghe và chấp nhận nhau.
Các chuyên gia hôn nhân khuyên mọi người nên ghi nhớ câu “Chúng ta ở cùng một đội”. Nếu mọi người biết cách sử dụng câu này thì cuộc sống hôn nhân sẽ trở nên suôn sẻ hơn. Ngay cả khi giải pháp cuối cùng không phải là điều bạn muốn, thì cách mà mà bạn thể hiện sẽ khiến nửa kia cảm thấy được tôn trọng thay vì bị tổn thương trong tâm hồn. Mối quan hệ giữa vợ chồng vẫn sẽ thân thiết như trước đó và sẽ tiếp tục phát triển một cách tốt đẹp lâu dài.
Theo Epoch Times
Minh Ngọc
Xem thêm:
Từ khóa Tình cảm vợ chồng Vợ chồng Bí quyết hạnh phúc Đời sống hôn nhân