Âm nhạc không chỉ là những nốt giai điệu, mà còn là cầu nối chạm đến sâu thẳm tâm hồn con người. Các chuyên gia đã lý giải cách âm nhạc gợi nhớ ký ức, khơi dậy cảm xúc, và lan tỏa sức mạnh kết nối trong cộng đồng. Bằng những nhịp điệu, sắc thái và sự đồng bộ, âm nhạc không chỉ tạo niềm vui mà còn giúp xoa dịu căng thẳng, mang đến những trải nghiệm cảm xúc phong phú khó quên.

am nhac
Âm nhạc đã trở thành một món ăn tinh thần vô giá của hết thảy các dân tộc trên thế giới từ xa xưa. Nó đã phát triển rất mạnh mẽ và truyền cảm hứng theo vô số cách qua nhiều thế kỷ. (Ảnh: Julian Sarmiento/ Shutterstock)

Bạn có thể đã từng trải qua cảm giác này: Khi nghe một bản nhạc nào đó, bạn chợt nhớ đến một kỷ niệm cũ, và ngay lập tức cảm xúc nào đó dâng lên trong lòng, như thể âm nhạc đã đánh thức cảm xúc trong bạn. Về vấn đề này, các chuyên gia cho biết âm nhạc thực sự có thể khơi gợi cảm xúc con người. Vậy âm nhạc ảnh hưởng đến con người như thế nào?

Ông Shahram Heshmat, Phó Giáo sư danh dự và nhà văn tại Đại học Illinois Springfield (University of Illinois Springfield), đã viết một bài đăng trên trang web Psychology Today, trong đó nhấn mạnh rằng sự kỳ diệu của âm nhạc chính là khả năng khơi dậy cảm xúc sâu sắc trong tâm hồn người nghe.

Ông Heshmat viết rằng, việc được âm nhạc làm cảm động lòng người là một trải nghiệm thích thú. Phần lớn người nghe coi khả năng biểu đạt cảm xúc là yếu tố quan trọng nhất để đánh giá âm nhạc và quyết định mua một bài hát hay album. Vậy, âm nhạc chạm đến cảm xúc của con người bằng cách nào?

1. Phản xạ có điều kiện

Chúng ta cảm thấy buồn khi nghe một số loại nhạc vì chúng ta đã học cách liên kết chúng với các sự kiện đau buồn như tang lễ. Cảm giác đó không xuất phát từ bản thân âm nhạc, mà từ những điều nó gợi lên trong tâm trí chúng ta.

Khi một bản nhạc cụ thể có liên hệ với một khoảnh khắc nhất định trong cuộc sống của người nghe, nó thường sẽ khơi dậy các cảm xúc như vui vẻ hoặc buồn bã.

Do đó, nếu lần đầu tiên bạn nghe một bản nhạc trong thời điểm bạn cảm thấy rất hạnh phúc, thì những lần nghe sau, bản nhạc đó có thể khiến bạn nhớ lại những khoảnh khắc hạnh phúc.

2. Cảm giác hoài niệm

Âm nhạc là một trong những yếu tố khơi gợi cảm giác hoài niệm mạnh mẽ nhất. Khi nghe lại những bài hát thường được phát trong các sự kiện quan trọng của cuộc sống từ nhiều năm trước (ví dụ như âm nhạc thời niên thiếu), bạn có thể cảm nhận được cảm giác hoài niệm sâu sắc. Cảm giác này bắt nguồn từ những ký ức mà âm nhạc gợi nhớ.

3. Âm nhạc có thể biểu đạt cảm xúc

Âm nhạc có khả năng mô phỏng hoặc thể hiện các cảm xúc như buồn bã, vui vẻ, sợ hãi và hy vọng. Ví dụ, giai điệu có nhịp nhanh, sôi động hoặc âm thanh lớn thường làm cho âm nhạc trở nên vui vẻ. Ngược lại, nhịp điệu chậm rãi hoặc những giai điệu trầm tối lại mang đến cảm giác buồn bã. Tương tự như âm nhạc, những người vui vẻ thường có giọng nói tràn đầy năng lượng, trong khi những người buồn bã thường nói với giọng trầm lắng, nhu hòa hơn.

4. Âm nhạc mang đến sự bất ngờ

Niềm vui mà chúng ta có được khi đọc một câu chuyện hài hước phần lớn đến từ sự tò mò về những gì sắp xảy ra. Việc nghe nhạc cũng tương tự như vậy. Tuy nhiên, khi nghe một bài hát mà bạn đã nghe rất nhiều lần, bạn sẽ ít cảm thấy bất ngờ, bởi bạn đã biết trước nội dung của bài hát.

5. Niềm vui trong âm nhạc

Âm nhạc thực chất chỉ là sự sắp xếp của các nốt nhạc. Từng nốt riêng lẻ có thể không đặc biệt, nhưng khi kết hợp với sự biến đổi cường độ (mạnh, nhẹ, tăng dần, giảm dần, âm nhấn, v.v.) chúng có thể kích thích phản ứng hưng phấn, mang lại cảm giác “khoái cảm”. Một số người còn mô tả cảm giác này tương tự như hiệu ứng của các loại thuốc gây nghiện mạnh.

6. Cảm xúc tập thể

Khi tham gia các buổi hòa nhạc hoặc cùng nhau sáng tạo âm nhạc, mọi người có xu hướng chia sẻ cảm xúc với những người xung quanh nhờ sự hòa hợp trong nhịp điệu và cảm xúc lan tỏa. 

Hiện tượng đồng bộ xảy ra khi cơ thể chúng ta hòa nhịp chuyển động theo nhịp điệu âm nhạc. Việc cùng đồng bộ với âm nhạc và với những người khác không chỉ thú vị mà còn tăng cường sự kết nối giữa các cá nhân.

Sự đồng bộ trong âm nhạc có thể tạo ra sự gắn kết và cảm xúc tích cực giữa những người cùng tham gia. Điều này giúp lý giải tại sao trong các nhóm, đặc biệt là nhóm thanh thiếu niên thuộc cùng một tiểu văn hóa, mọi người thường có xu hướng yêu thích chung một thể loại âm nhạc.

Ông Heshmat kết luận rằng âm nhạc có khả năng đánh thức những cảm xúc sâu sắc trong con người. Chính khả năng này là lý do chính khiến âm nhạc trở thành niềm đam mê của nhiều người. Thay vì thư giãn mà không có nhạc, việc lắng nghe những giai điệu yêu thích có thể là một cách hiệu quả hơn để giảm căng thẳng và nâng cao cảm xúc tích cực.

Trúc Nhi biên dịch
Theo The Epochtimes