Chuyên gia Nhật Bản: Cách kéo dài “tuổi thọ” của chăn gối
- Thanh Trúc
- •
Bạn có còn nhớ mình đã dùng bộ chăn gối bao lâu rồi không? Tuy mỗi ngày đều sử dụng, nhưng những đồ vật đó lại khó bị hỏng, vì vậy rất nhiều người trong chúng ta không biết rằng chúng cũng có tuổi thọ.
Chuyên gia Nhật Bản cho biết mỗi đêm khi chúng ta ngủ, mồ hôi đổ ra nhiều bằng khoảng một tách trà, vì vậy, lâu dần bộ chăn ga gối cũng hút đầy bã nhờn, mồ hôi và trở nên rất bẩn. Vậy thì rốt cuộc tuổi thọ của chúng là bao lâu và nên làm gì để kéo dài tuổi thọ của chăn gối?
Tuổi thọ của chăn, nệm là bao lâu?
Chăn và nệm dùng lâu sẽ ngày càng bị cứng, làm hỏng tư thế ngủ của bạn, khiến bạn càng ngủ càng mệt, bên trong chăn và nệm còn tích tụ đầy bã nhờn và mồ hôi, vì vậy bạn phải định kỳ thay chăn và nệm.
Thông thường, tuổi thọ của chăn khoảng 5 năm và của nệm là 3 năm. Nếu dùng lâu hơn, phần bông bên trong sẽ bắt đầu bị cứng lại, mất đi tác dụng giữ ấm, tương tự đối với chăn bằng lông cừu hoặc chất liệu polyester.
Còn các loại chăn chần bông thì không cần vứt đi, nhưng cần làm sạch và kiểm tra một lần mỗi 5 năm.
Tuổi thọ của gối là bao lâu?
Phần đầu của chúng ta chiếm khoảng 8% cân nặng, một người nặng 50 kg thì phần đầu nặng khoảng 4 kg. Trọng lượng này đè nặng lên gối mỗi đêm khiến gối ngày càng bị bẹp. Đồng thời mỗi đêm cổ của chúng ta tiết ra khoảng 1 muỗng cà phê mồ hôi làm bẩn gối.
Vì vậy, để gối không mất đi tác dụng nâng đỡ đầu, chúng ta cũng cần phải thay định kỳ. Gối bằng chất liệu khác nhau sẽ có tuổi thọ không giống nhau.
- Gối lông: 2~3 năm.
- Gối cao su nhân tạo (loại gối ít đàn hồi): 2~3 năm.
- Gối nhồi bông: 2~3 năm.
- Gối nhồi hạt rỗng: 4~5 năm.
- Gối kiều mạch: 1~2 năm.
Cách kéo dài tuổi thọ của bộ đồ giường
- Phải bọc ga giường, bọc vỏ chăn, vỏ gối và giặt giũ định kỳ.
- Nếu không nằm trên giường mà ngủ trên sàn thì mỗi ngày phải giũ đệm để chống ẩm.
- Định kỳ phơi chăn cũng có thể chống ẩm, giữ độ đàn hồi và khả năng giữ ấm của chăn. Phơi chăn có tác dụng gì? Các chuyên gia cho biết, chỉ cần phơi đúng cách là có thể khôi phục lại hoàn toàn độ đàn hồi cho chăn lông, độ đàn hồi của chăn bông hoặc chăn sợi tổng hợp cũng có thể khôi phục lại khoảng 70 – 90%.
Phơi chăn đúng cách
– Thời gian phơi: từ 10 giờ sáng đến 3 giờ chiều là lúc độ ẩm thấp nhất, rất thích hợp để phơi chăn.
– Để tránh làm hỏng chăn, phải phơi khi có bọc vỏ chăn.
– Số lần và thời gian phơi chăn:
- Chăn bông, sợi tổng hợp: Mỗi tuần 1~2 lần, mỗi mặt phơi 2 giờ, tổng cộng phơi 4 giờ.
- Chăn lông cừu: Mỗi tuần 1 lần, mỗi mặt phơi 2 giờ, tổng cộng phơi 4 giờ.
- Chăn lông vũ: Mỗi tháng 1~2 lần, mỗi mặt phơi 1 giờ, tổng cộng phơi 2 giờ.
- Cách phơi áp dụng tương tự đối với nệm.
(Ảnh: flickr)
Khi đổi mùa, nên cất chăn như thế nào?
Mỗi khi đổi mùa, người ta thường sẽ cất đi một số loại chăn và nệm suốt một thời gian dài. Vậy thì nên cất chăn như thế nào để không làm hỏng chúng?
- Bảo quản ở nơi có độ ẩm thấp. Chú ý chống ẩm.
- Xếp chăn ở trên nệm.
- Bảo quản ga trải giường và vỏ chăn sau khi cất.
- Nếu là chăn dành cho khách, bình thường không dùng đến thì phải nhớ phơi nắng định kỳ nhằm chống ẩm mốc và côn trùng.
Giặt chăn như thế nào?
Cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, có rất nhiều loại chăn chúng ta không thể tự giặt được mà chỉ có thể mang đến tiệm giặt ủi.
Với những loại chăn có thể giặt được bằng máy giặt, khi giặt cần chọn chế độ giặt “đồ dày” hoặc chế độ “chăn bông”, dùng bột giặt trung tính cho chăn lông cừu và lông cũ, nhiệt độ nước dưới 30℃, có thể dùng bột giặt tổng hợp và nhiệt độ nước dưới 40℃ đối với chăn bằng sợi tổng hợp.
Thanh Trúc
Xem thêm: