Có người thắc mắc rằng điều gì thể hiện cho tình yêu, có phải là cho đi thật nhiều hay không? Thật ra không phải, cảnh giới cao nhất trong tình yêu thương đôi khi chỉ đơn giản là sự tôn trọng.

tôn trọng
Cúi người là ngôn ngữ của tình yêu và sự tôn trọng . (Ảnh: Ground Picture/ Shutterstock)

Sau bữa ăn tối, một người bố đã đưa con trai của mình đi công viên. Khi đi ngang qua một ngã tư đường, cậu con trai nhìn thấy một người đàn ông trung niên ăn mặc rách rưới ngồi bên lề đường, kéo đàn nhị, bản nhạc ông ấy kéo có thể nói là tương đối tệ.

Trước mặt ông là một cái bát cũ, với vài đồng xu nằm rải rác trong bát và có vẻ như rất ít người cho ông tiền.

Người cha lúc này đã dừng lại, đứng nghe một lúc rồi nói với con trai: “Chúng ta đã thưởng thức bản nhạc này, có phải chúng ta nên trả tiền cho ông ấy chứ?”

Cậu con trai cầm một đồng xu, bước tới và ném vào chiếc bát cũ, sau khi quay lộn nhào thì đồng xu cũng đã nằm yên trong bát.

Người đàn ông trung niên nói với cậu: “Cảm ơn!”

Bản thân cậu lúc ấy như thể vừa được thầy giáo khen vậy, trong lòng cảm thấy vô cùng vui sướng, cậu có cảm giác như phía sau có rất nhiều người đang nhìn mình tán thưởng, liền vội vàng chạy tới và chờ được bố khen.

Nhưng thật bất ngờ, người bố đã không khẳng định làm việc của cậu bé mà trầm ngâm hỏi: “Con trai! Con đã cho ông ấy tiền bằng cách nào?”

Cậu bé trả lời: “Con đã ném nó vào bát của ông ấy và tạo ra một âm thanh giòn giã. Ông ấy đã mỉm cười nói cảm ơn con.”

Người bố nghiêm nghị nói: “Ném là hành động thiếu tôn trọng với ông ấy, con không thể hành xử như thế!”

Cậu con trai không hiểu và hỏi: “Nhưng bố ơi, ông ấy chỉ là một người ăn xin!”

Người bố ân cần xoa đầu con trai và nói: “Con thấy đấy, ông ấy không đòi tiền của chúng ta, ông ấy đang kiếm tiền bằng âm nhạc, bằng chính công sức của mình. Hoặc là chúng ta không cho tiền, nhưng nếu đã muốn cho, chúng ta nên đưa tiền một cách lịch sự’’.

“Ngay cả một người ăn xin, chúng ta cũng phải đối xử tôn trọng, bởi vì trước hết ông ấy cũng giống như chúng ta. Con người không chỉ bình đẳng về pháp luật, mà còn bình đẳng về nhân cách. Tôn trọng kẻ yếu thực chất là tôn trọng chính mình”.

Người con trai lúc ấy đã hiểu ra lời dạy của bố mình, cậu vội lấy một đồng xu khác từ bố, đi đến chỗ cái bát, cúi xuống và bỏ tiền vào. Sau đó cậu quay lại nắm tay bố bước đi.

Buổi tối hôm ấy, bố đã kể cho cậu nghe thêm vài câu chuyện về sự tôn trọng.

Một giám đốc điều hành kinh doanh ở Mỹ đang đi làm về thì gặp một cựu chiến binh với đôi chân tàn tật. Người thương binh này đang bán bút chì bên vệ đường để kiếm sống. Anh giám đốc vội ném cho ông ít tiền rồi vội vã đi về phía trước.

Nhưng anh chưa đi được bao xa, thì đột nhiên quay lại chỗ người cựu chiến binh, anh cúi xuống, cầm lấy mấy cái bút chì và nói: “Tôi thực sự xin lỗi, ông là người bán bút chì, tôi không nên đối xử với ông như vậy.”

Khi một nhà văn đang viết lách ở nhà thì một người ăn xin xuất hiện ngoài cửa, vì lúc ấy không tìm được tiền để cho nên nhà văn đã cúi xuống, đưa tay nắm lấy bàn tay nhem nhuốc của người ăn xin và nói: “Ông ơi, hiện tại tôi không có tiền, hôm khác tôi sẽ gửi cho ông”. 

Người ăn xin cảm kích nói: “Thưa ngài, cái nắm tay của ngài là sự bố thí lớn nhất mà tôi từng nhận được từ khi đi ăn xin. Cảm ơn ngài!”

Hóa ra tình yêu không phải là lòng bác ái, tình yêu càng không phải là sự thương hại. Tình yêu đòi hỏi chúng ta trao đi một cách bình đẳng.

Khoảnh khắc chúng ta cúi xuống là khoảnh khắc tình yêu thực sự được cho đi.