Trên thực tế “mũi tên thứ hai” mới là thủ phạm khiến bạn đau khổ
- Trúc Nhi
- •
Con người có trạng thái cảm xúc, có thể tức giận bởi lời nói của người khác, xấu hổ về thất bại của bản thân, hoặc thường xuyên bất an về cuộc sống và sức khỏe trong tương lai. Loài vật không có nhiều trí tuệ để suy nghĩ và lo lắng về những vấn đề đó, bởi vậy chúng sống thật đơn giản và không có dạng thống khổ này của con người. Đều là sinh sống trên Trái đất này, tại sao chỉ có con người là “đa sầu đa cảm” như vậy, tự ràng buộc bản thân vào những thứ cảm xúc tiêu cực và thường hay lạc vào trạng thái đau khổ?
Để tìm ra lời giải cho câu hỏi này, chúng ta hãy thử suy nghĩ sâu sắc hơn về cái gọi là “cảm xúc”. Khi nào thì con người ta cảm thấy đau đớn? Điều gì xảy ra với trái tim của chúng ta khi bị những cảm xúc tiêu cực tấn công?
- Đứa trẻ không nghe lời, khiến bạn không thể không giận dữ mà hét lên.
- Gửi tin nhắn cho bạn bè nhưng đối phương không trả lời, khiến tâm tình của bạn trở nên phiền não.
- Làm việc chăm chỉ nhưng tiền lương lại không được tăng, cảm thấy chán nản.
- Khi ông chủ và đồng nghiệp phát hiện ra những gì bạn nói với họ là lời nói dối, bạn xấu hổ tới mức muốn chui xuống đất.
Giận dữ, bất an, buồn bã, xấu hổ và trống rỗng là những cảm xúc thường thấy trong cuộc sống, và các loại “đau khổ” mà chúng gây ra cũng khác nhau. Nhưng đều tồn tại một điểm chung, tất cả đều đến từ nguyên nhân “nhu cầu bạn muốn không được đáp ứng”.
Mặc dù cung bậc cảm xúc thể hiện ở mỗi người là khác nhau, nhưng trong trạng thái không cảm thấy bất mãn, bạn sẽ không xuất hiện trạng thái tiêu cực. Nếu bạn có bất kỳ cảm xúc nào, thì sâu thẳm bên trong nội tâm bạn hẳn phải có một cảm giác rằng “thứ gì đó quan trọng đã mất” hoặc “thứ cần thiết vẫn chưa có đủ”; nói cách khác, “nỗi đau” là một thông điệp gửi tới để báo cho chúng ta biết rằng một cái gì đó đang “chưa được thỏa mãn”.
Vẫn còn nhiều tranh luận về cách thức phát triển của các loại cảm xúc, nhưng nhìn chung người ta tin rằng “sợ hãi” và “vui sướng” là những nhân tố giúp ích cho sự tồn tại của một cá nhân. Bởi vì “sợ hãi” có thể thúc đẩy chúng ta hành động bảo vệ mình khỏi các mối nguy hiểm hoặc có phản xạ tránh xa tác nhân gây hại nào đó, và “niềm vui” có thể tạo ra tâm trạng khiến chúng ta không bỏ lỡ thức ăn hoặc chớp lấy cơ hội sinh sản.
Khi chúng ta sống trong một nhóm, não bộ bắt đầu sản sinh ra những cảm xúc khác nhau. Bởi vì sống với người khác phức tạp hơn sống một mình, bản thân cần nỗ lực hết sức để có thể có được giúp đỡ và giảm khả năng bị phản bội. Do đó, áp lực sinh tồn sẽ bắt đầu hình thành những cảm xúc “xấu hổ”, “ghen tị” và “tình yêu”. Đây là một khái niệm được gọi là “cảm xúc xã hội” và những cảm xúc này phục vụ cho các chức năng sau đây.
- Giận dữ = Nói với bản thân giới hạn chịu đựng đã bị phá vỡ.
- Ghen tị = Cho bản thân biết rằng người khác đang nắm giữ các tài nguyên quan trọng.
- Sợ hãi = Cảnh báo về khả năng có thể xảy ra nguy hiểm xung quanh.
- Lo lắng = Thông báo về điều gì đó tồi tệ đang đến gần.
- Đau buồn = Thể hiện rằng có một thứ quan trọng nào đó không thể có được hoặc đã mất.
- Xấu hổ = Cho biết hình ảnh tốt đẹp của bản thân trong mắt người khác đã bị tổn hại.
Nếu không có những cảm xúc này, bạn không thể nhận thức được những nguy hiểm tiềm ẩn xung quanh mình, và ngay cả khi một thứ quan trọng bị mất đi, bạn sẽ không có động lực để lấy lại. Theo tầng nghĩa này mà nói, cảm xúc tiêu cực không nhất định là điều gì đó không tốt, ngược lại sự hình thành và tồn tại của nó giống như ngọn hải đăng, có thể giúp con tàu xác định vị trí của mình trên biển, chỉ hướng tìm đường vào cảng, và báo hiệu cho con tàu những nơi có đá ngầm, vách đá.
Tuy nhiên, tại sao chỉ có con người mới làm cho “nỗi khổ” trở nên tồi tệ hơn?
Điều thực sự làm bạn đau khổ là “mũi tên thứ hai “
Có một câu chuyện như sau trong kinh điển Phật giáo “Kinh Tạp A hàm”. Cách đây 2.500 năm, tại chùa Rừng Trúc ở vương quốc Magadha, Ấn Độ cổ đại, Phật Thích Ca đã hỏi các đệ tử của mình rằng:
“Dù là người thế gian hay đệ tử Phật gia, họ đều là con người. Đệ tử của Phật gia cũng sẽ cảm nhận được niềm vui sướng, và thỉnh thoảng cũng có buồn bã hoặc không vui. Như vậy, sự khác biệt giữa con người thế gian và đệ tử Phật gia là gì?”
Trong ấn tượng chung, nếu là tu sĩ có thành tựu trong tu luyện, bất luận đối mặt với chuyện gì, tâm tình cũng không bị làm cho dao động. Nhưng thật ra đệ tử Phật gia cũng có hỷ nộ ái ố (vui mừng, giận giữ, yêu, ghét), không khác gì người thế gian, vì vậy, sự khác biệt thực sự quan trọng nằm ở những thứ khác.
Phật Thích Ca nói với các đệ tử đang trầm ngâm suy nghĩ: “Sự khác biệt giữa người thế gian và đệ tử Phật gia nằm ở chỗ họ có bị trúng ‘mũi tên thứ hai’ hay không.”
Trong quá trình sinh tồn, mọi sinh vật đều không tránh khỏi những đau đớn ở một mức độ nào đó. Bị thú dữ tấn công, nạn đói do thời tiết xấu, và dịch bệnh không lường trước được, bất cứ ai cũng sẽ gặp phải những khó khăn và đau khổ. Mọi nỗi đau đều đến một cách tự nhiên và có thể không đoán trước được, ngay cả khi có trí tuệ cao nhất. Tất cả chúng sinh không thể thoát khỏi đau khổ căn bản đi theo cả cuộc đời của họ, và chỉ có thể chấp nhận đau khổ nguyên thủy nhất. Đây chính là “trúng mũi tên đầu tiên”.
Nhưng lúc này, nhiều người có thể sẽ tự mình bắn ra “mũi tên thứ hai”.
Giả sử ai đó bị liệt, dù não vẫn còn hoạt động tỉnh táo nhưng thân thể bất động từ cổ trở xuống, đau đớn vô cùng, chỉ có thể nằm trên giường một thời gian dài để được chăm sóc.
Trong ví dụ này, “mũi tên đầu tiên” chính là đề cập đến cơn đau do liệt nửa người. Những cơn đau khiến cơ thể không thể cử động là một sự thật không ai có thể thay đổi được.
Sau đó, người này tuyệt vọng và tự hỏi chính mình, tại sao chỉ có mình đau khổ như thế này. Cơ thể này không thể cử động được, gia đình mình sẽ ra sao? Họ đã rất vất vả và kiên trì để chăm sóc cho mình, mình cảm thấy bản thân thật vô dụng, đời này coi như không còn hy vọng, quãng đời còn lại sẽ chôn vùi cùng với sự đau đớn dày vò…
Đây là “mũi tên thứ hai”. Bộ não phản ứng với mũi tên đầu tiên của cơn đau là liệt nửa người, sẽ phát sinh đủ loại suy nghĩ, những cơn tức giận, khó chịu, buồn bã, chán nản, những tâm trạng tiêu cực này tác động đến bạn, bệnh tình trở nên nghiêm trọng hơn, cơn đau cũng ngày càng nặng hơn.
Có một sự thật là dù không rơi vào tình trạng liệt nửa người vô cùng đau đớn nhưng bản thân ai cũng ít nhiều đều trải qua sự dày vò tâm lý của “mũi tên thứ hai” ở các trạng thái và hoàn cảnh khác nhau.
- Trước sự khiển trách vô lý của ông chủ (mũi tên đầu tiên), trong đầu liền suy nghĩ: “Là lỗi của mình, hay người đó không phải là ông chủ tốt?” (mũi tên thứ hai).
- Trước sự chỉ trích từ đồng nghiệp (mũi tên đầu tiên), sẽ có tâm lý tự trách “năng lực của mình không tốt…” (mũi tên thứ hai).
- Số tiền tiết kiệm được ngày càng ít đi (mũi tên đầu tiên), và có cảm giác lo lắng về việc “cuộc sống sau này sẽ ra sao…” (mũi tên thứ hai).
Đặc biệt là trong thời buổi hiện đại, trong hoàn cảnh phức tạp của xã hội đã xuất hiện mũi tên thứ ba và thứ tư.
“Không tiết kiệm thì tương lai sẽ sống như thế nào” (mũi tên thứ hai)… “Tất cả là do tính mình thiếu kế hoạch và sức chịu đựng thực sự kém cỏi” (mũi tên thứ ba). “Mình đã bị cấp trên khiển trách một thời gian trước vì không thể làm được những việc cần thiết” (mũi tên thứ tư).
Và cứ như thế, những phiền não ban đầu lại tiếp tục kéo theo những phiền não khác. Trạng thái như vậy được gọi là “suy nghĩ ngẫm lại” trong tâm lý học, đề cập đến việc bộ não liên tục phản ánh ra những thất bại trong quá khứ hoặc những lo lắng về tương lai.
Nhiều nghiên cứu tổng hợp đã chỉ ra rằng trạng thái “suy nghĩ ngẫm lại” không chỉ là tác động gây ra chứng trầm cảm và lo lắng, mà đối với người mắc bệnh tim hoặc có tiền sử về bệnh đột quỵ sẽ có nguy cơ tử vong nhanh hơn khi bệnh tái phát. Nếu những suy nghĩ hay tư tưởng tiêu cực cứ phát triển và tồn tại mãi trong não, tâm trí sẽ bị tổn hại rất nhanh.
“Cơn giận” của bạn chỉ kéo dài trong 6 giây
Khi ở trong trạng thái đau đớn tột cùng, nếu cơn đau kết thúc ở “mũi tên đầu tiên”, tình huống tiếp theo sẽ như thế nào?
Mặc dù ngay từ đầu chúng ta không thể tránh khỏi những cơn đau do bệnh tật hay mất mát gây ra, nhưng miễn là chúng ta không bắn “mũi tên thứ hai” vào chính mình vào thời khắc quan trọng này, chúng ta sẽ không bị cuốn vào vòng xoáy tiêu cực của cơn đau này đến cơn đau khác. Bằng cách đó, cơn đau sẽ có thể biến mất và chúng ta lại có tâm trạng tích cực với năng lượng của bản thân.
Giả sử khi bạn đang bị ai đó bạo hành, lúc này hệ thống limbic của não sẽ tiết ra chất dẫn truyền thần kinh như adrenaline và norepinephrine, giúp cho ý nghĩ và cơ thể chuyển sang trạng thái chiến đấu. Cơ thể nóng lên vì tức giận, cơ bắp toàn thân căng cứng là do dẫn truyền thần kinh, nếu không có biện pháp đối phó, nếu tình trạng tiếp diễn sẽ có phản ứng tức giận hoặc đánh đập đối phương.
Thùy trán có chức năng quan trọng trong việc lập kế hoạch trong tương lai, bao gồm cả việc tự quản lý và ra quyết định. Nếu có thể đợi thêm một chút, trung tâm điều khiển của thùy trán sẽ ức chế hệ limbic của não, tác động của chất dẫn truyền thần kinh sẽ dần dần mất tác dụng. Nói cách khác, sau khi xuất hiện trạng thái tức giận, chỉ cần đợi 6 giây, tác động của “mũi tên thứ nhất” lên bạn sẽ qua đi.
Khi ở trước mặt bạn là một thứ bạn rất thích, não bộ sẽ tiết ra hormone khoái cảm gọi là dopamine, kích thích ham muốn của bạn. Dopamine là một tác nhân quan trọng thúc đẩy và hình thành cảm xúc con người và hầu như không ai có thể kiểm soát nó.
Nhưng sau khi chơi trò Tetris, sự chú ý của não bộ bị chuyển hướng trong một thời gian ngắn, và không mất nhiều thời gian để sự kiểm soát dopamine đối với bạn giảm xuống, khả năng tự kiểm soát của thùy trán bắt đầu quay trở lại.
Thời gian hoạt động của dopamine khoảng 10 phút, chỉ cần bạn chịu đựng được thì sẽ không bị ham muốn điều khiển, thống khổ do ham muốn sẽ chấm dứt khi “mũi tên đầu tiên” xuất hiện.
Như vậy có thể nói, điều thực sự làm chúng ta đau khổ trong cuộc đời, không nằm ở tính chất, mức độ của sự việc, mà nằm ở cách chúng ta nhìn nhận và thích nghi với chúng.
Tập cho mình một thói quen nhẫn nại và lạc quan trước mọi việc sẽ khiến mọi chuyện trở nên tốt đẹp hơn. Dành thời gian để tham gia một khóa học thiền có thể giúp bạn nâng cao thói quen này. Theo giáo sư Soto Yukimasa (Đại học Kyoto, Nhật Bản), thiền định giúp tăng cường tính nhẫn nại, làm cho ý chí bền vững, tăng cường khả năng suy nghĩ, ổn định về tình cảm và mau chóng khiến đầu óc tỉnh táo, bình tĩnh.
Đăng ký học thiền, rèn luyện cả tâm lẫn thân tại đây. |
Theo Epoch Times
Từ khóa hỷ nộ ái ố giận giữ ghen tỵ cảm xúc xã hội sự đau khổ sợ hãi Lo lắng Cảm xúc tiêu cực mũi tên thứ hai