“Tính cách quyết định số phận, ngữ khí quyết định sự may mắn”. Thông thường, lời nói sẽ thể hiện ra tính cách của một người, còn giọng điệu thì sẽ thể hiện ra nội tâm của người ấy. Vậy nên, tốt hay xấu đều ẩn chứa qua giọng điệu của bạn.

lời nói
Ngôn ngữ mang theo năng lượng, sẽ vô hình ảnh hưởng đến cảm xúc, tâm lý và vận mệnh của bạn. (Ảnh: Ann Rodchua/ Shutterstock)

1. Nhiều hiểu lầm đều bắt nguồn từ giọng điệu không phù hợp

Trong đạo Phật giảng: “Miệng là lưỡi rìu làm tổn thương người, lời nói lại như dao cắt lưỡi người.”

Một lời nói không phù hợp có thể gây tổn thương sâu sắc đến trái tim của người khác. Vì vậy, những người không kiểm soát được giọng điệu của mình rất dễ gây ra hiểu lầm và xung đột, từ đó cuộc sống của họ cũng trở nên rất rối ren.

Sách ‘Lễ Ký’ có ghi lại một câu chuyện như thế này: Vào thời Chiến Quốc, nước Tề xảy ra nạn đói nghiêm trọng khiến cho vô số người chết đói. Khi ấy có một người giàu tốt bụng tên là Kiềm Ngao đã chuẩn bị rất nhiều thức ăn để phân phát cứu đói cho từng người đi qua.

Vào buổi trưa hôm ấy, ông nhìn thấy một người đàn ông đang bước lảo đảo từ xa tới. Người đàn ông này đói đến mức người chỉ còn khung xương, bước đi chậm chạp, một tay miễn cưỡng đưa ống tay áo lên che mặt, còn miệng thì không ngừng rên rỉ, trông rất thống khổ. Không suy nghĩ nhiều, ông ấy bưng thức ăn lên và hét lớn: “Này! mau lại đây, tôi cho ăn!”

Nhưng không ngờ, người đàn ông kia đột nhiên đứng khựng lại, trừng mắt nhìn ông và nói: “Tôi dù chết đói cũng không nhận của bố thí bạc bẽo như vậy!”

Khi này ông ấy mới nhận ra rằng giọng điệu của mình không phù hợp nên vội vàng giải thích nhưng người đàn ông kia vẫn cương quyết không chịu nhận, cuối cùng thì đã chết vì đói.

Khi một người nói giọng điệu không phù hợp, có thể khiến người khác cảm thấy bực bội, tệ hơn, có thể khiến họ bị tổn thương nặng nề.

Lại cũng nói: “Người nói vô tình, người nghe hữu ý”.

Rõ ràng là muốn bày tỏ sự quan tâm, nhưng vì giọng điệu gay gắt cho nên nghe có vẻ là hách dịch. Rõ ràng là muốn cầu cứu, nhưng bởi vì giọng điệu thô cứng, cho nên nghe có vẻ là kiêu ngạo.

Cho nên mới nói rằng, hiểu lầm giữa con người với nhau thường không phải vì lời nói kém cỏi mà vì không biết cách biểu đạt. Giọng điệu là khác nhau và kết quả cũng sẽ rất khác nhau.

giong dieu 1
Giọng nói không phù hợp là nguồn gốc của sự hiểu lầm. (Ảnh: fizkes/ Shutterstock)

2. Nói chuyện nhu hòa

Thay vì nói: “Bạn phải làm được” hãy nói “Bạn có thể làm được!”, thay vì nói: “Tại sao bạn quay lại?” thì hãy nói “Bạn đã quay lại!”

Làm người, hãy học cách chuyển câu nói chất vấn thô kệch thành câu cảm thán, chỉ một chút thay đổi âm điệu nhưng sẽ có thể cải biến phong thủy xung quanh bạn.

3. Giọng nói sẽ mang âm điệu của nội tâm

Phật Gia giảng: “Nếu trong lòng bạn có thiện niệm, trong miệng sẽ xuất ra hoa sen”.

Giọng điệu là nhiệt kế chính xác nhất của ngôn ngữ, nó phản ánh vô cùng chân thật tâm trạng của người ấy. Một giọng điệu nhẹ nhàng thường đến từ tấm lòng tốt, nó sẽ làm cho người khác cảm thấy thoải mái và ấm áp.

Vào triều đại Bắc Tống, có người đàn ông nhân từ tên là Vương Tự Đồng. Một lần, ông đã bắt được một tên trộm khi hắn đang cố gắng đột nhập vào trong nhà, thế nhưng sau đó ông nhận ra kẻ trộm lại là con trai của người hàng xóm.

Thay vì trách mắng, ông nhẹ giọng hỏi: “Ngươi luôn là người hiểu chuyện, làm sao lại có thể ăn trộm?”

Tên trộm thở dài: “Là do hoàn cảnh ép buộc tôi”.

Khi này, Vương Tự Đồng lấy ra 10 đồng tiền và nói với cậu ta và nói: “Tiền cho anh đây. Nhưng bây giờ cũng đã muộn, nếu cứ lấy ra như vậy sẽ dễ bị hiềm nghi, cầm lấy rồi chờ trời sáng hãy rời đi.”

Giọng điệu và hành vi của ông Vương đã khiến tên trộm cảm thấy vô cùng xấu hổ và ăn năn hối lỗi. Cuối cùng, cậu ta đã cải tà quy chính.

Người ta thường nói tình yêu chân thành đều xuất phát từ trái tim, thế nhưng giọng điệu của một người thậm chí còn hơn thế, khi có một trái tim dịu dàng thì giọng điệu của bạn sẽ vô cùng mềm mại.

Giọng điệu là sự lột tả chân thực thế giới nội tâm của một người, người có lòng kiêu ngạo ít khi nói lời khiêm tốn, người có lòng thô bạo ít khi nói lời hòa nhã, trong khi người có tấm lòng nghèo khó lại thường có giọng điệu oán giận.

4. Giọng điệu quyết định diện mạo của bạn

Ngoại hình của một người là do cha mẹ ban cho và do chính bản thân tu dưỡng.

Tướng mạo của một người như thế nào, sẽ điều chỉnh và thay đổi theo giọng nói. Người nói lời gay gắt có vẻ mặt hung dữ, giọng nói nhẹ nhàng sẽ có khuôn mặt phúc hậu.

Giọng điệu thể hiện tất cả những suy nghĩ bên trong, nó cũng phản ánh thái độ của người nói. Một người có giọng nói nhẹ nhàng và trên môi nở một nụ cười sẽ tạo cho người đối diện cảm giác ấm áp và gần gũi.

Những người có giọng điệu không tốt thường tỏ ra hung hăng, khiến người khác cảm thấy sợ hãi, bối rối. Vậy nên, hãy nói với giọng điệu vui vẻ, không chỉ là một thái độ mà còn là một loại trí tuệ. Bạn có thể trau dồi cho mình một diện mạo xinh đẹp, tạo ấn tượng tốt với người khác.

5. Giọng điệu của bạn là sự may mắn của bạn

giong dieu 2
Giọng điệu nhẹ nhàng, chậm rãi, chân thành hơn thì vận may sẽ tự nhiên ở gần bạn hơn. (Ảnh: aijiro/ Shutterstock)

Có người nói: “Giọng nói của bạn tốt bao nhiêu thì vận may của bạn sẽ tốt bấy nhiêu”. Ngôn ngữ thì dễ nói, nhưng giọng điệu thì rất khó để giả tạo. Bạn có may mắn hay không, thông qua giọng điệu của bạn cũng có thể đoán ra được.

Trong quán trà nọ, một thực khách đã gọi người phục vụ tới và lớn giọng chê trách: “Xem trà của cậu này, tôi mới cho chút sữa vào đã bị vón cục, thật là tệ quá!”

Người quản lý nghe  thấy, liền nhẹ giọng nói với vị khách hàng rằng: “Thực xin lỗi, quý khách vui lòng chờ một chút, tôi sẽ lập tức đổi đồ uống cho cô ngay.”

Một lúc sau, người quản lý mang đến cho khách hàng một ly trà mới và nhẹ nhàng nói: “Tôi có thể gợi ý cho cô rằng nếu cho chanh vào trà và thêm sữa, nó sẽ dễ dàng sinh ra hiện tượng kết tủa.”

Khi ấy vị khách hàng mới biết là do mình đã pha thêm chanh và sữa nên mới khiến trà bị vón cục. Lúc này người khách rất xấu hổ và cũng cảm thấy rất biết ơn vì thái độ của người quản lý, anh đã giữ thể diện cho cô trước bao nhiêu người có mặt tại quán. Sau này, vị khách đã tiếp tục giới thiệu bạn bè đến quán trà, và quán trà ấy cũng ngày càng làm ăn phát đạt.

Có thể thấy, mang một giọng điệu tốt sẽ dễ dàng giải quyết xung đột giữa mọi người.

Người ta thường nói: “Cái gì cứng quá cũng dễ gãy”.

Nếu giọng điệu quá mạnh sẽ dễ khiến người ta chán ghét, đồng thời cũng tự đưa mình vào tù tội và vận mệnh éo le. Một người có giọng điệu nhẹ nhàng có thể làm cho tất cả mọi người đều hạnh phúc. Có lẽ bạn không biết rằng, giọng điệu nhẹ nhàng và thân thiện có một sức hấp dẫn vô cùng mạnh mẽ, nó có thể truyền cảm hứng cho những người cao quý và thu hút sự may mắn.

Giọng điệu nhẹ nhàng, chậm rãi, chân thành hơn thì vận may sẽ tự nhiên ở gần bạn hơn.

Giọng điệu tuy nhẹ nhàng nhưng lại có một sức mạnh chạm trực tiếp vào lòng người và có thể ảnh hưởng đến vận may cả đời của một người. Nếu làm được như vậy thì người được lợi nhiều nhất thực ra lại là chính chúng ta.

Tuệ Di t/h