Đi làm bằng xe đạp không chỉ là một cách rèn luyện sức khỏe mà còn làm giảm nguy cơ phải xin nghỉ ốm. Một nghiên cứu tại Phần Lan cho thấy những người đạp xe đi làm ít bị ốm hơn và có nguy cơ vắng mặt dài ngày do bệnh tật thấp hơn. Vậy tại sao bạn không thử thay đổi thói quen di chuyển để bảo vệ sức khỏe và nâng cao năng suất làm việc?

Nguoi Ha Lan dap xe
Đi làm bằng xe đạp không chỉ là một cách rèn luyện sức khỏe mà còn làm giảm nguy cơ phải xin nghỉ ốm. (Ảnh minh họa: Shutterstock)

Đạp xe đi làm giúp giảm nguy cơ nghỉ ốm

Nghiên cứu do Viện Sức khỏe Nghề nghiệp Phần Lan thực hiện đã phân tích dữ liệu tự báo cáo của 28.485 nhân viên địa phương trong vòng một năm, với phần lớn người tham gia tiếp tục được theo dõi trong năm thứ hai.

Những người di chuyển tích cực nhất đi hơn 30 km mỗi tuần, với quãng đường trung bình 61km/tuần. Nhóm này có khoảng cách đi làm trung bình 9,4 km mỗi lượt, trong đó đạp xe phổ biến hơn đi bộ. Số km đi lại hàng tuần càng nhiều, nguy cơ nghỉ ốm càng thấp.

So với những người di chuyển thụ động (lái xe hoặc sử dụng phương tiện công cộng), thì những người đạp xe từ 61 km/tuần trở lên có nguy cơ xin nghỉ ốm thấp hơn 8-12%, đồng thời nguy cơ vắng mặt do bệnh tật ít nhất 10 ngày giảm 18%. 

Trung bình, nhóm này mỗi năm xin nghỉ ốm ít hơn 4,5 ngày so với người di chuyển thụ động. Trong vòng 10 năm, họ cũng ít gặp phải những đợt nghỉ ốm dài hạn hơn.

Bà Essi Kalliolahti, nhà khoa học y tế công cộng tại Viện Sức khỏe Nghề nghiệp Phần Lan và là tác giả chính của nghiên cứu, cho biết đạp xe đi làm không chỉ tốt cho sức khỏe mà còn góp phần bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, trước đây, mối liên hệ giữa thói quen này và nguy cơ vắng mặt dài hạn do bệnh tật chưa từng được nghiên cứu.

Bà Kalliolahti nói: “Giờ đây, chúng ta biết rằng việc đạp xe đi làm thường xuyên có thể giúp giảm nguy cơ vắng mặt dài ngày do bệnh tật, từ đó làm giảm tổng số ngày nghỉ ốm”

Mặc dù các nhà nghiên cứu đã tính đến những yếu tố có thể ảnh hưởng đến tình trạng sức khỏe, bao gồm giới tính, tuổi tác, thói quen uống rượu và tình trạng kinh tế – xã hội, nhưng dữ liệu không cho thấy mối quan hệ trực tiếp giữa việc đạp xe và nguy cơ mắc bệnh, mà chỉ có sự tương quan mạnh mẽ.

Ngoài ra, nghiên cứu cũng phát hiện rằng đạp xe giúp giảm số ngày nghỉ ốm hiệu quả hơn so với đi bộ, nhưng lợi ích này chỉ rõ rệt với những người đạp xe quãng đường xa nhất. Nguyên nhân có thể là do những người đi bộ không vận động đủ nhiều hoặc việc đạp xe đường dài mang lại những lợi ích khác giúp giảm nguy cơ mắc bệnh.

Trong báo cáo, các nhà nghiên cứu cho biết ngoài việc số km đi bộ mỗi tuần thường thấp hơn, cường độ đi bộ cũng có thể chưa đủ để mang lại hiệu quả rõ rệt. Điều này cho thấy tốc độ đi bộ có thể quan trọng hơn tần suất đi bộ.

Ngoài lợi ích sức khỏe, đạp xe còn giúp giảm đáng kể lượng khí thải carbon, góp phần bảo vệ môi trường.

Nhà dịch tễ học Jenni Ervasti từ Viện Sức khỏe Nghề nghiệp Phần Lan cho biết: “Chỉ có một nửa dân số trưởng thành tập thể dục theo khuyến nghị, đi bộ hoặc đạp xe đi làm là một cách hiệu quả để tăng cường hoạt động thể chất có lợi cho sức khỏe”.

Bà Ervasti cho biết kết quả của nghiên cứu này cung cấp thêm lý do để khuyến khích mọi người lựa chọn cách di chuyển năng động hơn, đặc biệt là đạp xe.

Những phát hiện này đã được công bố trên Scandinavian Journal of Medicine & Science in Sports (Tạp chí Y học & Khoa học Thể thao Scandinavia).

Không thể đạp xe đi làm? Đây là những cách giúp bạn duy trì sức khỏe mỗi ngày

Đi bộ nhiều hơn:

  • Nếu nơi làm việc không quá xa, đi bộ là một lựa chọn tuyệt vời để duy trì sức khỏe tim mạch và xương khớp.
  • Nếu đi phương tiện công cộng, bạn có thể xuống xe sớm hơn một hoặc hai trạm để tăng quãng đường đi bộ.
  • Thay vì thang máy, hãy sử dụng cầu thang bộ để rèn luyện cơ bắp và cải thiện sức bền.

Kết hợp đi bộ và phương tiện công cộng:

  • Nếu đi bộ hoàn toàn không khả thi, bạn có thể kết hợp với xe buýt hoặc tàu điện, sau đó đi bộ một đoạn để đảm bảo vận động đủ trong ngày.
  • Việc di chuyển bằng phương tiện công cộng cũng giúp giảm căng thẳng hơn so với lái xe cá nhân.

Dùng xe máy điện kết hợp tập thể dục:

  • Xe máy điện có thể là giải pháp thay thế nhưng nên kết hợp với thói quen tập thể dục như đi bộ hoặc tập thể dục nhẹ vào buổi sáng.
  • Nếu không thể vận động nhiều trong quá trình đi làm, hãy dành ít nhất 30 phút mỗi ngày để tập luyện.

Tận dụng giờ nghỉ để vận động:

  • Nếu công việc đòi hỏi ngồi nhiều, bạn có thể tranh thủ đứng lên, đi lại hoặc thực hiện các bài tập kéo giãn cơ thể.
  • Vận động nhẹ trong giờ nghỉ giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến lối sống ít vận động, như đau lưng, béo phì và bệnh tim mạch.

Chọn lối sống năng động:

  • Hãy tìm cách tăng cường vận động hàng ngày, chẳng hạn như tập thể dục vào buổi sáng hoặc sau giờ làm.
  • Một lối sống năng động giúp nâng cao sức khỏe thể chất và tinh thần, đồng thời giảm nguy cơ bệnh tật về lâu dài.
  • Dù không thể đạp xe, bạn vẫn có thể duy trì sức khỏe bằng cách tăng cường các hoạt động thể chất khác trong ngày.

Trúc Nhi t/h

Theo The Epochtimes