Dịch COVID-19: Vì sao người dân đổ xô đi mua giấy vệ sinh?
- Minh Ngọc
- •
Sau Hồng Kông, Singapore, Nhật Bản, người dân Mỹ cũng đổ xô đi mua giấy vệ sinh, và tại Úc giấy vệ sinh còn “cháy hàng” trong các siêu thị. Không ít người đặt câu hỏi tại sao giấy vệ sinh lại là mặt hàng được “ưu ái” đến như vậy?
Nhật là một trong những quốc gia lên “cơn sốt giấy vệ sinh” ngay từ những ngày đầu dịch bệnh bùng phát ở nước này. Cảnh tượng người dân chen chúc nhau đi mua giấy vệ sinh được chia sẻ khắp các mạng xã hội. Điều đáng nói, đây không phải lần đầu tiên chuyện này xảy ra. Năm 1973, khi xảy ra khủng hoảng dầu mỏ, người dân Nhật cũng đã từng đổ xô đi mua giấy vệ sinh. Có thể nói, hễ khi nào xảy ra một chuyện gì đó vượt ngoài tầm kiểm soát, như thiên tai, hay dịch bệnh lần này, người Nhật lại đi mua giấy vệ sinh.
Tại Hồng Kông, người dân cũng đổ xô tích trữ giấy vệ sinh và thậm chí còn xảy ra một câu chuyện khó tin về việc “cướp giấy vệ sinh”. Ngày 17/2, ba người đàn ông bịt mặt đã dùng dao khống chế một tài xế xe tải bên ngoài siêu thị ở quận Mong Kok, cướp đi 600 cuộn giấy vệ sinh trị giá 1.600 HKD (tương đương hơn 205 USD).
Tại Úc, khoảng 1h30 chiều ngày 4/3 (giờ địa phương), một người mua hàng bị cáo buộc đã rút dao đe dọa một người khác, trong một vụ tranh giành giấy vệ sinh ở siêu thị Woolworths ở Westfield, Parramatta, NSW. Sáu viên cảnh sát đã phải tới giải quyết vụ náo loạn này.
Patrick Wright, phóng viên của ABC Life bình luận khi chứng kiến cơn sốt giấy vệ sinh ở Úc đã phải thốt lên: “Đó là điều mà tôi chưa từng thấy trước đây và trong khi tôi nghĩ mình là một người lý trí thì nó cũng khiến tôi phát hoảng.”
Tại sao các siêu thị đều cháy hàng “giấy vệ sinh”?
Ông Kazuya Nakayachi, giáo sư tâm lý học rủi ro tại Đại học Doshisha, Nhật Bản, nhận xét về xu hướng tích trữ đồ: “Mọi người nghe nói rằng sẽ khan hiếm một loại mặt hàng, nên họ ra ngoài và mua thật nhiều mặt hàng đó, khiến chúng “biến mất” trên kệ. Những người đến sau không thấy loại mặt hàng ấy nữa, đổ xô đi săn lùng và cố gắng mua hết những gì còn lại, và đó là nguyên nhân gây ra hiện tượng này.”
Ông Gary Mortimer, chuyên gia bán lẻ, Giáo sư tại Đại học Công nghệ Queensland (QUT), cũng nói với ABCNews rằng có 2 lý do chính khiến các siêu thị không còn giấy vệ sinh.
Thứ nhất, các siêu thị không trữ giấy vệ sinh nhiều vì chúng quá cồng kềnh và tốn diện tích. Họ chỉ có thể chứa 100-250 bịch giấy trên một lối đi. Họ cũng hạn chế trữ mặt hàng này trong kho để tránh bị chiếm không gian và thường nhận thêm hàng từ nhà cung cấp mỗi ngày, với số lượng vừa đủ bán trong thời gian nhất định. “Nếu chỉ cần vài chục người tăng lượng mua giấy vệ sinh thì chẳng mấy chốc mà hết hàng, và như thế kệ trống là chuyện đương nhiên”, ông Mortimer nói.
Thứ hai, người dân thường có tâm lý sợ hãi khi nghe các tin tức về khan hiếm giấy vệ sinh trên các phương tiện truyền thông, từ đó “tích cực” đi gom hàng.
Bà Jana Bowden, Phó giáo sư ngành Tiếp thị tại Đại học Macquarie cho hay: “Một khía cạnh khác là mức độ sợ hãi gây ra bởi những câu chuyện trên các phương tiện truyền thông về những gì đang xảy ra ở các quốc gia khác. Người tiêu dùng đang theo dõi những gì đang xảy ra trên khắp thế giới với virus corona mới.” Theo bà, người dùng bị ảnh hưởng bởi “tâm lý bầy đàn”. “Nếu bạn thấy ai mua thứ gì đó, còn bạn thì chưa và nó không có sẵn, bạn có thể cảm thấy hối hận.”
Dự trữ giấy vệ sinh có cần thiết không?
Giấy vệ sinh được phát minh và sử dụng tại hoàng cung của Trung Quốc vào khoảng thế kỷ thứ VI. Tuy nhiên, đến tận khi một người Mỹ là Joseph Gayetty sáng tạo ra giấy vệ sinh thương mại đầu tiên năm 1857 theo dạng từng mảnh cắt sẵn, việc sử dụng giấy vệ sinh mới dần trở thành một thói quen không thể thiếu của con người. Năm 1863, giấy vệ sinh cũng bắt đầu được bán tại Anh. 34 năm sau đó, giấy vệ sinh dạng cuộn như hiện nay được sản xuất và bán tại Philadelphia, Mỹ.
Theo hãng phân tích thị trường Industry Edge, ở Úc, một gia đình hai người sử dụng 25kg giấy vệ sinh mỗi năm. Tuy nhiên, Giám đốc quản lý Industry Edge, ông Tim Woods khi trả lời chương trình Dateline đã cho rằng, tích trữ giấy vệ sinh là hoàn toàn không cần thiết.
Theo Industry Edge, mặc dù Trung Quốc là nhà sản xuất lớn nhất thế giới, thì Úc cũng sản xuất tới hai phần ba tổng sản lượng giấy vệ sinh cung cấp cho nội địa, khoảng 310.000 tấn. Loại bột giấy làm ra các loại giấy vệ sinh được làm từ gỗ và nguồn nhập chủ yếu từ Canada và Mỹ Latinh. Ông Woods nói: “Các chuỗi cung cấp này khó có thể bị ngừng lại vì dịch COVID-19.”
Bà Jana Bowden cho biết, các chuyên gia cho biết hầu hết giấy vệ sinh của Úc được sản xuất tại Nam Úc và nếu không phải là để tích trữ, người dân Úc sẽ không gặp vấn đề gì. Bà nói: “Về mặt kỹ thuật, chúng ta có nguồn cung rất tốt. Chúng ta có một nhà sản xuất lớn của Úc có trụ sở tại Nam Úc”.
Tại Nhật Bản, Hiệp hội Công nghiệp Hàng tiêu dùng gia đình cũng khẳng định, 98% giấy vệ sinh ở Nhật Bản đều được sản xuất tại Nhật và không sử dụng mọi chất liệu từ Trung Quốc (70% chất liệu được lấy từ giấy tái chế, hoặc được sản xuất bằng cách hòa tan giấy in, báo và các vật liệu khác bị vứt bỏ ở văn phòng, 30% còn lại là gỗ nhập khẩu từ nước ngoài, chủ yếu là Canada, Indonesia và các nước khác có nguồn tài nguyên là gỗ.) Hiệp hội này còn khuyên người dân không phải lo lắng về việc hết hàng do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Dù vậy, bất chấp những lời khuyên của các chuyên gia, dường như “cơn sốt giấy vệ sinh” ở một số quốc gia vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang không ngừng lây lan trên khắp thế giới. Tính đến nay, khoảng 95.000 người tại hơn 80 quốc gia đã bị nhiễm dịch bệnh, và số ca tử vong cũng lên đến con số hơn 3.200.
Minh Ngọc (T/h)
Xem thêm:
Từ khóa SARS-CoV-2 cơn sốt giấy vệ sinh giấy vệ sinh virus corona viêm phổi Vũ Hán 2019-nCoV COVID-19