“Đứa con ngoan” mà cha mẹ thích liệu có phải là con người thật của chính chúng ta?
Chúng ta đều hiểu được tầm quan trọng của việc “làm chính mình”, thế nhưng có đôi khi vẫn không tránh được phải giả vờ để làm người khác vui lòng. Đây là “cách sinh tồn” mà chúng ta học được ngay từ khi còn rất nhỏ.
Lúc bé, chỉ cần chúng ta ngoan ngoãn thì sẽ được bố mẹ khen ngợi, hễ làm gì khiến bố mẹ không thích thì sẽ bị phê bình hoặc thậm chí còn bị quát mắng.
Lâu dần, chúng ta đã trở thành “đứa con ngoan” mà bố mẹ thích, thế nhưng đó có thực sự là con người thật của chính chúng ta hay không? Có thể là đã bị “bóp nghẹt” rồi.
Trẻ nhỏ không có quan điểm đúng sai, có nhiều khi chỉ có thể giả vờ để được người khác yêu thương. Ví dụ như bố mẹ kể một câu chuyện buồn của mình, con cái rõ ràng không biết vì sao lại thương tâm, nhưng bố mẹ không vui thì cũng chỉ có thể buồn theo.
Đây chỉ là một chuyện nhỏ, thế nhưng kinh nghiệm của người bạn dưới đây thì lại nghiêm trọng hơn rất nhiều.
Anh cho biết khi còn nhỏ, mỗi lần cãi nhau với anh em, anh đều bị bố mẹ mắng. Bố mẹ anh vừa thở dài vừa bực mình nói: “Phiền chết đi được!”, cộng thêm sắc mặt của bố mẹ, chúng ta có thể tưởng tượng được con trẻ cảm thấy như thế nào rồi. Dần dần, anh ý thức đến việc kiềm chế mọi cảm xúc có tính công kích, để rồi cuối cùng bị loạn thần kinh.
Mỗi lần anh nói người khác tốt, bố của anh cũng sẽ tỏ ra khó chịu.
Nỗi sợ lớn nhất trong lòng con cái chính là “bị bỏ rơi”, vì vậy nên trẻ sẽ cực kỳ quan tâm đến sắc mặt của cha mẹ.
Hết lần này đến lần khác, anh bắt đầu kiểm soát cảm xúc của mình và tự “thôi miên” mình rằng gia đình chính là nơi tốt nhất trên thế giới, bố là người tuyệt nhất trên thế gian.
Lâu dần, anh đã quên mất cảm nhận là thế nào, bởi vì dù gặp phải chuyện gì, anh cũng đều sẽ suy nghĩ theo thói quen rằng “cảm thấy như thế nào mới là đúng”. Tình cảm của anh đều là được cố ý tạo ra, lớn lên trong môi trường như vậy khó tránh sẽ đánh mất cảm nhận thật sự trong cuộc sống. Lời nói và hành động của anh đều phù hợp với hoàn cảnh, nhưng không hề có cảm giác đang sống khiến người khác luôn cảm thấy không thật.
Từ nhỏ đến lớn, anh không bao giờ dám nói “Đừng, không thích”, bởi vì bố mẹ không thích như thế.
Thực tế gì sao? Một đứa trẻ dù ngoan ngoãn đến đâu thì cũng sẽ biết yêu ghét. Anh sống không thật với bản thân, những việc không vui luôn cố tỏ ra vui, khi không đau lòng cũng phải tỏ ra đau buồn. Anh không có cách nào khác, đối với những đứa trẻ sống dựa vào gia đình, việc giả vờ chính là ‘cách sinh tồn’ duy nhất.
Sau khi lớn lên, anh từng thử tìm hiểu bản thân mình, vào một ngày nọ, anh bàng hoàng nhận ra rằng: “Thì ra mình ghét mọi thứ!”. Vào khoảnh khắc đó, anh cảm thấy như trút được gánh nặng. Con người thật sự dần dần thức tỉnh, anh không còn căm ghét “sống” như lúc trước nữa, bởi vì khi đó, anh hoàn toàn không sống vì chính mình.
Anh từ nhỏ đến lớn đều là “đứa con ngoan” trong lòng mọi người. Anh phù hợp với mọi yêu cầu về “đứa con ngoan” của cha mẹ, thế nhưng những yêu cầu này lại đã giết chết con người thật của anh, khiến anh cảm thấy vô cùng đau khổ.
Quyển sách mới của nhà xã hội học nổi tiếng Nhật Bản Taizo Kato có tên là “Bi kịch cuộc đời bắt đầu từ việc làm một đứa con ngoan” có lẽ sẽ là một lời cảnh tỉnh cho những bậc phụ huynh hy vọng con cái trở nên ngoan ngoãn theo ý mình.
Con của bạn có thể không vâng lời trong một số trường hợp, nhưng vậy thì sao chứ? Dù sao thì trẻ cũng là những cá thể độc lập có tư tưởng của riêng mình, chúng không cần phải sống cuộc đời của cha mẹ!
Thanh Trúc (sưu tầm và biên dịch)
Xem thêm:
Từ khóa Làm cha mẹ Giáo dục con Giáo dục con cái Dạy con Tình cảm gia đình