Đạo nghĩa vợ chồng của người xưa
- An Hòa
- •
Dịp năm mới là khi gia đình sum họp, người đi xa thỏa lòng nhớ cố hương, người ở nhà cũng vui dịp đoàn tụ. Trong cái nao nức đoàn viên ấy, người ta nghĩ nhiều về gia đình, về tổ ấm, về gìn giữ những giá trị xưa, về đạo nghĩa vợ chồng…
Người xưa có câu: “Một ngày vợ chồng trăm ngày ân, trăm ngày vợ chồng thì tình nghĩa còn sâu hơn biển”. Giữa vợ chồng không chỉ có tình cảm mà quan trọng hơn là còn có một chữ “ân” nữa. Chữ “ân” (“恩” – ơn, ân) ấy là do chữ nhân (“因” – trong nhân quả) đặt trên chữ tâm (“心” – trái tim) mà ra, vậy nên mới nói hai con người xa lạ có thể nên duyên vợ chồng chính là do duyên nợ mà thành. Cũng bởi vì cái ân ấy mà hai con tim cần phải nâng đỡ lẫn nhau, không xa rời, không bỏ quên nhau, giúp đỡ nhau lúc hoạn nạn, không vì ngoại cảnh mà đổi thay hay bội bạc.
Lẽ dĩ nhiên, bên cạnh “ân” còn có “ái” (yêu) nữa. Người ta nói, mấy ai hiểu được tình yêu? Chữ “ái” (“愛” – yêu) ấy là do chữ trảo (“爪” – cầm, nắm), chữ mịch (“冖” – bao quát lên), chữ tâm (“心” – trái tim), chữ hữu (“友” – người thân) mà thành, hàm ý là muốn yêu thì phải nắm cho toàn diện cái tâm của người ta, chính là phải thấu hiểu người bạn đời của mình, có như thế mới là tri âm tri kỷ.
Người xưa tin rằng duyên vợ chồng là nhờ có sự ban ơn của Trời cao, của cha mẹ. Vì vậy, khi đến với nhau, có “ái” (tình cảm) thì phải có “ân”, biết ơn Trời Đất, cha mẹ. Giữa vợ chồng, thì “ân” (ơn) được coi là nền tảng, hơn nữa trong “ái” (yêu) cũng có lý tính, vì thế mà mới có thể chung sống hòa hợp cùng nhau đến bách niên giai lão.
Xét trong phạm vi gia đình thì vai trò của người chồng và người vợ cũng được coi là chủ đạo nhất, quan trọng nhất. Họ bên trên thì phụng dưỡng cha mẹ, bên dưới thì dưỡng dục con cái. Nếu như mối quan hệ vợ chồng mà rạn nứt thì cha mẹ không được phụng dưỡng chu toàn, con cái không được dạy dỗ đúng mực, gia đình đứng trước nguy cơ tan vỡ.
Về mặt xã hội, cuốn “Trung Dung” trong Tứ Thư Ngũ Kinh có câu rằng: “Quân tử chi đạo, tạo đoan hồ phu phụ. Cập kì chí dã, sát hồ thiên địa”, ý nói đạo của người quân tử là bắt đầu từ đạo vợ chồng, phát triển tới cảnh giới cao thâm thì có thể quan sát hiểu rõ ràng tường tận cái đạo của tất cả mọi sự vật trong trời đất. Cổ nhân xem thiên địa, âm dương là nền tảng nguyên thủy nhất của tự nhiên và vợ chồng là nền tảng nguyên thủy nhất của xã hội.
Cho nên, vợ chồng cần yêu thương và kính trọng lẫn nhau, làm tròn bổn phận của mình, không làm việc trái luân lý đạo đức, “tương kính như tân” (kính trọng nhau như khách), có việc thì cùng bàn bạc để làm. Làm được như thế thì gia đình sẽ thuận hòa, xã hội sẽ an định. Mối quan hệ vợ chồng vì thế mà trở thành đạo nghĩa.
“Đạo” là một trong những khái niệm trung tâm nhất của văn hóa truyền thống. “Đạo” cơ bản bao gồm ba ý nghĩa: một là nguồn gốc, là bản chất và chốn trở về cuối cùng của vạn vật trong vũ trụ; hai là định luật căn bản rộng khắp, vĩnh hằng không thay đổi, bao trùm lên hết thảy; ba là một loại cảnh giới tinh thần cao thâm. Đạo nghĩa chung sống giữa vợ chồng cũng cần phải tuân theo ý nghĩa vĩnh hằng, không thay đổi.
Đời người có mừng, giận, yêu, ghét, đắng cay, ngọt bùi, nếu một người không có lý trí và đạo đức vững chắc làm nền tảng, thì sẽ rất khó để giữ được đạo nghĩa vợ chồng. Vì thế, “ân ái” vợ chồng phải được đặt trên nền tảng luân lý đạo đức thì mới trọn vẹn ý nghĩa và bền lâu.
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video “Vị thế của người vợ trong xã hội xưa không hề thấp kém”:
Từ khóa Văn hóa truyền thống Tình cảm vợ chồng hạnh phúc gia đình đạo nghĩa vợ chồng