Gặp chuyện nên tự xét mình, chuyện nhỏ đừng để trong lòng
- Trúc Nhi
- •
Trong cuộc sống, đôi khi chúng ta sẽ gặp phải những tình huống khó khăn hay xung đột. Thay vì vội vàng đổ lỗi cho hoàn cảnh hay người khác, chúng ta hãy dành chút thời gian tự xét lại bản thân. Những chuyện nhỏ nhặt không đáng để chúng ta bận tâm hay giữ trong lòng. Hãy học cách buông bỏ và đối diện với mọi vấn đề bằng một tâm trí thanh thản. Chỉ khi hiểu rõ chính mình chúng ta mới có thể vượt qua mọi khó khăn một cách bình thản và vững vàng.
Một con quạ đen và một con chim bồ câu sống cạnh nhau bên một cái ao nhỏ trong rừng rậm. Một ngày nọ, quạ đen chuẩn bị rời đi và đến chào tạm biệt chim bồ câu.
Chim bồ câu hỏi quạ đen tại sao lại phải dọn đi?
Quạ đen than thở: “Ở nơi này, các loài động vật nhỏ đều chê tôi ồn ào, tiếng kêu khó nghe, không ai hoan nghênh tôi. Nơi này không giữ tôi lại thì ắt sẽ có nơi khác chào đón tôi. Tôi phải đến chỗ khác để sống thôi!”
Chim bồ câu trầm ngâm một lúc rồi nói với quạ đen: “Bạn à, nếu như bạn không thay đổi giọng kêu của mình, thì dù có bay đến đâu cũng khó mà được người ta chào đón”.
Cuộc sống cũng giống như vậy. Nếu một người không bao giờ chịu đối diện với vấn đề của bản thân, không chịu thay đổi mình, mà chỉ luôn tìm cách lẩn tránh thì chẳng những vấn đề không được giải quyết mà còn kéo theo nhiều rắc rối hơn nữa.
Dấu hiệu của một người trưởng thành là khả năng tự soi xét bản thân, bình thản đối diện với khuyết điểm và những điều chưa hoàn thiện, đồng thời không ngừng nỗ lực thay đổi và hoàn thiện chính mình.
Chuyển đổi nội tâm: Gặp chuyện, hãy tự xét lại bản thân
Trong ‘Tả truyện – Tuyên Công nhị niên’ có nhắc đến: “Ai mà không từng mắc lỗi? Biết sai mà sửa, đó là điều tốt đẹp nhất”. Không ai là hoàn hảo, kể cả chính bản thân mình. Khi gặp chuyện, nếu chỉ chăm chăm trách móc người khác, không những không giúp tình hình cải thiện mà còn có thể khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn.
Biết tự xét lại bản thân khi gặp chuyện không chỉ thể hiện phẩm hạnh và sự tu dưỡng, mà còn giúp con người dễ đạt được thành công trong giao tiếp và đối nhân xử thế.
Tô Thức và Chương Đôn thời Bắc Tống từng là hai người bạn thân thiết. Khi còn trẻ, họ từng cùng nhau du ngoạn, kết giao vô cùng vui vẻ. Thế nhưng về sau, do bất đồng quan điểm chính trị, Chương Đôn dần chuyển sang đối đầu và công kích Tô Thức.
Tô Thức là người giữ quan điểm truyền thống, còn Chương Đôn lại tích cực ủng hộ cải cách. Vì sự khác biệt trong lập trường, Chương Đôn nhiều lần gây khó dễ cho Tô Thức khiến ông liên tục bị giáng chức và thuyên chuyển đến những vùng xa xôi.
Tô Thức từng bị đày đi khắp nơi, cuộc sống vô cùng gian khổ. Thế nhưng, đối mặt với hàng loạt hành động gây khó dễ của Chương Đôn, ông chưa từng oán hận hay trách móc. Ngay cả trong những thời khắc khó khăn nhất ông cũng không lấy oán báo oán.
Về sau, khi Chương Đôn thất thế, ông cũng không hề “thừa nước đục thả câu”, càng không lên tiếng trách cứ hay tìm cách trả thù.
Tấm lòng độ lượng của ông bắt nguồn từ thái độ sống khoáng đạt và nền tảng tu dưỡng nhân văn sâu sắc. Ông hiểu rằng cuộc đời vốn vô thường, tranh đấu là điều khó tránh, và không muốn để thù hận hay oán giận làm vẩn đục tâm hồn mình. Trong trái tim ông, điều quan trọng hơn cả là lòng nhiệt thành với cuộc sống, sự cảm thông với con người và một thái độ sống tích cực, nhân hậu.
Đúng như trong Hiền Văn của Tăng Nghiễm từng nói: “Lấy lòng trách người để tự trách mình, lấy lòng tha thứ cho mình để tha thứ người khác”. Nghĩa là, hãy dùng tâm thế trách móc người khác để soi xét lại chính mình, và dùng sự khoan dung dành cho bản thân để đối đãi bao dung với người xung quanh.
Học cách đặt mình vào vị trí của người khác, ngừng phán xét, biết tha thứ — cuộc sống như thế mới dần trở nên suôn sẻ, và con đường đời cũng vì thế mà rộng mở hơn.
Thay đổi tâm tính: Không ôm giữ chuyện vụn vặt
Nhà triết học Nietzsche từng viết trong sách: “Khi chiến đấu với ác long quá lâu, bản thân cũng sẽ trở thành ác long. Khi nhìn chằm chằm vào vực sâu quá lâu, vực sâu cũng sẽ nhìn lại bạn”.
Trong cuộc sống, chúng ta thường xuyên gặp phải những người và chuyện không như ý, những người khiến ta bực bội. Nếu việc gì cũng phải phân rõ đúng sai, cuối cùng chỉ khiến người khác mệt mỏi, bản thân cũng chẳng dễ chịu gì.
Khi gặp những chuyện nhỏ nhặt, biết buông bỏ và không dây dưa, đó không chỉ là một thái độ sống mà còn là một dạng trí tuệ.
Trong Hậu Hán Thư có ghi lại một câu chuyện:
Một người tên là Mạnh Mẫn, khi đang đi trên đường chẳng may làm vỡ một chiếc bình nước. Anh ta chẳng buồn ngoảnh lại nhìn mà tiếp tục bước đi.
Những người bạn đồng hành của ông rất ngạc nhiên và hỏi tại sao ông lại làm như vậy. Mạnh Mẫn đáp: “Đã hỏng rồi, còn nhìn làm gì? Liệu có thể dán lại được không?” Ông nhận ra chiếc bình đã vỡ, và việc lo lắng hay hối tiếc cũng chẳng giúp gì, vì vậy thay vì níu kéo, ông quyết định buông bỏ và tiếp tục bước đi.
Khi chúng ta ít bận tâm về những điều nhỏ nhặt, sẽ dễ dàng duy trì sự bình an trong tâm hồn và tập trung vào những điều thực sự có giá trị. Sau này, chính tâm lý “không vướng bận” này đã giúp Mạnh Mẫn nổi tiếng sau mười năm nỗ lực học tập.
Không vướng mắc không phải là hèn nhát, mà là sự buông bỏ khôn ngoan. Như triết gia Voltaire đã nói: “Không phải những ngọn núi làm chúng ta mệt mỏi, mà là những hạt cát trong giày chúng ta”.
Có những lúc, chúng ta không thể thay đổi cách nghĩ của người khác hay mức độ nghiêm trọng của tình huống. Điều duy nhất mà chúng ta có thể thay đổi chính là cách nhìn nhận của bản thân.
Khi đối mặt với vấn đề, chúng ta thường dễ dàng nhìn ra yếu tố bên ngoài và đổ lỗi cho hoàn cảnh hay người khác. Tuy nhiên, thay vì làm vậy, điều quan trọng là chúng ta phải dành thời gian tự nhìn nhận lại chính mình. Mỗi thử thách, mỗi khó khăn đều ẩn chứa một bài học, và bài học đó thường đến từ những gì chúng ta có thể cải thiện trong chính bản thân. Việc tìm nguyên nhân trong chính mình không phải là tự trách móc, mà là một cách để chúng ta hiểu rõ hơn về bản thân và từ đó trưởng thành.
Trong cuộc sống, những chuyện tầm thường và vô nghĩa có thể dễ dàng làm chúng ta xao lãng. Nhưng nếu để những điều nhỏ nhặt chi phối tâm trí, chúng ta sẽ không còn không gian cho những suy nghĩ lớn lao và những hành động có ý nghĩa. Học cách giải tỏa tâm trí và giữ cho bản thân bình thản là một phương thức đối phó với khó khăn hiệu quả, giúp ta có được một tinh thần vững vàng và sáng suốt.
Khả năng hiểu người khác là một đức tính quý báu, nhưng hiểu chính mình mới là nền tảng của sự giác ngộ. Khi ta hiểu rõ bản thân, ta không còn bị chi phối bởi những yếu tố bên ngoài hay cảm xúc tiêu cực, mà có thể sống một cuộc đời bình an và đầy ý nghĩa.
Cuối cùng, trong suốt quãng đời còn lại, nếu ta duy trì sự nghiêm khắc với chính mình và khoan dung với người khác, cuộc sống sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn. Mọi nỗ lực của chúng ta sẽ dẫn đến những thành tựu xứng đáng. Sự kết hợp giữa tự kỷ luật và lòng bao dung là chìa khóa xây dựng một cuộc sống trọn vẹn và rực rỡ.
Trúc Nhi t/h
Theo soundofhope
Từ khóa tự xét mình
