Khám phá 2 nhà tù đặc biệt trên thế giới
- Minh Ngọc
- •
Nhà tù là nơi để giam giữ, thực hiện hình phạt đối với những người phạm tội. Trong ấn tượng của mọi người, nhà tù hẳn phải là kín cổng cao tường, nghiêm ngặt không có kẽ hở, các phạm nhân đều mặc trang phục nhà tù giống nhau và không được sống tự do.
Thế nhưng trên thế giới có những nhà tù rất khác biệt, ví dụ như nhà tù Iwahig ở Philippines – nơi mà phạm nhân được sống cùng gia đình; hay nhà tù Storstrm ở Đan Mạch – còn sang trọng hơn cả trường đại học.
Nhà tù Iwahig, Philippines: Phạm nhân được sống cùng gia đình
Tại đảo Palawan xinh đẹp của Philippines có một nơi tên là: Nhà tù và trại cải tạo Iwahig, thay vì gọi là nhà tù, có thể gọi nơi đây là một nông trại. Phạm nhân ở đây không phải chịu hình phạt nghiêm ngặt như mọi người vẫn tưởng tượng mà được sống khá tự do. Trong thời gian thụ án, thậm chí phạm nhân còn được sống cùng gia đình, kinh doanh mảnh đất của mình mà không phải chịu sự giám sát.
Nhà tù và trại cải tạo Iwahig nằm ở thành phố Puerto Princesa thuộc tỉnh Palawan của Philippines, trong thời gian bị thực dân Tây Ban Nha thống trị, Palawan đã trở thành nơi xét xử và lưu đày phạm nhân. Nhà tù vô cùng đặc biệt này được xây dựng vào năm 1904 trong thời kỳ là thuộc địa của Mỹ. Nơi đây không có tường rào bao quanh, thậm chí còn không có cả lính canh gác, nhưng kỳ lạ là các phạm nhân chưa từng có suy nghĩ bỏ trốn.
Khi bước vào nhà tù này, có thể bạn sẽ vô tình gặp những người đi ngang qua, trông họ giống như người dân Philippines bình thường, điều khác biệt duy nhất đó là họ mặc cùng một kiểu áo thun, sau lưng có in dòng chữ “Bureau of corrections”, thật ra họ là những phạm nhân bị giam giữ ở đây.
Nhà tù này vốn dùng để giam giữ các phạm nhân Philippines chống đối sự thống trị của Mỹ, nhưng giờ đây chủ yếu dành cho những phạm nhân tội nhẹ, có biểu hiện tốt trong thời gian thụ án hoặc có hoàn cảnh gia đình khó khăn.
Ở đây có khoảng 4.000 phạm nhân và gia đình của mình, họ trồng dừa hoặc lúa trên mảnh đất được phân phát, sống cuộc sống tự cung tự cấp.
Trung tâm nhà tù có một quảng trường lớn, đây là khu vực giải trí chung của các phạm nhân. Bên cạnh quảng trường thường có xe cứu thương, có thể thấy là ở đây việc cứu hộ quan trọng hơn là giám sát.
Nhà tù Iwahig nằm cách xa thành phố, được bao quanh bởi những khu rừng rậm rạp, ở giữa còn có cả núi sông nước chảy qua cũng như các loài chim chóc sinh sống, nơi đây có môi trường sinh thái rất tuyệt vời. Nước sông Balsahan bên trong nhà tù rất trong, dòng sông này nổi tiếng do bắt nguồn từ con thác nhỏ trên núi gần đó. Mỗi đêm, người ta còn có thể chèo thuyền trên sông Balsahan đến cánh rừng lá đỏ phía sau nhà tù để ngắm đom đóm dày đặc trên núi.
Nhà tù Storstrøm ở Đan Mạch: Nhà tù sang trọng nhất, còn hơn cả trường đại học
Ngoài Philippines, ở Đan Mạch cũng có một nhà tù đặc biệt tên là Storstrøm. Đây được gọi là nhà tù có nhân tính nhất và hệ thống an toàn cao nhất thế giới. Nhà tù này tọa lạc tại thị trấn Gundslev cách thủ đô Copenhagen 113 km về phía Đông Nam. Nhà tù này trông giống như khuôn viên trường đại học, bên trong vô cùng sang trọng, có đầy đủ cơ sở vật chất, được thiết kế bởi công ty kiến trúc CFMller.
Theo tờ Arch Daily, thiết kế bên ngoài của nhà tù Storstrøm rất độc đáo, được xây dựng bằng kính và chất liệu từ thiên nhiên. Bên trong nhà tù có cửa kính lớn với mức độ chiếu sáng rất tốt. Ngoài những chiếc giường đơn còn có bàn sách và phòng tắm riêng. Có thể nói nhà tù ở đây còn tốt hơn nhiều so với ký túc xá của các trường đại học.
Bên cạnh đó, trong nhà tù còn có phòng bếp dành cho 4-7 người để các phạm nhân có thể tự nấu ăn. Ở khu vực sinh hoạt, phạm nhân còn có thể tham gia những hoạt động giải trí như đọc sách, vẽ và chơi bóng rổ.
Xem hình ảnh về nhà tù Storstrøm tại đây
Để không khiến các phạm nhân cảm thấy mình bị cách ly với thế giới bên ngoài và dễ hòa nhập vào xã hội hơn sau khi ra tù, bên trong nhà tù này được bố trí không khác gì so với bên ngoài, công viên, những bức tượng điêu khắc, đường phố đều mô phỏng thiết kế bên ngoài. Hơn nữa, mỗi ngày các phạm nhân đều có công việc của mình, ví dụ như các cửa hàng tạp hóa, nhà thờ, trung tâm gia đình và khách đến thăm, thư viện v.v… đều có các công việc cho họ.
Tuy cuộc sống bên trong nhà tù rất thoải mái, nhưng không có nghĩa là mức độ quản lý lỏng lẻo, các phạm nhân muốn bỏ trốn hầu như là điều không thể, vì ngoài bức tường bê tông cao 6 mét, trong nhà tù còn có hơn 300 chiếc máy quay, nhân viên nhà tù có thể dễ dàng quan sát được tất cả những gì xảy ra.
Có người chỉ ra rằng nếu cho phạm nhân môi trường sống an toàn thoải mái thì có thể giảm tỷ lệ tái phạm tội. Kiến trúc sư Mads Mandrup kiêm đối tác của công ty kiến trúc C.F. cho biết: “Chúng tôi thật sự tin vào điều này, số liệu thống kê cho thấy, môi trường mà chúng tôi tạo ra sẽ làm giảm tỷ lệ phạm nhân tái phạm tội.”
Thế nhưng liệu có thể chỉ dựa vào điều này để làm giảm tỷ lệ tái phạm tội sau khi ra tù hay không? Theo kiến trúc sư Mandrup, “Nếu cho rằng có thể thực hiện được việc giảm tỷ lệ tái phạm tội chỉ nhờ vào điều này thì quá ngây thơ, vì vậy chúng tôi đã cân bằng giữa quy hoạch tổng thể và chức năng của nhà tù, không chỉ thể hiện ở các phạm nhân, mà còn thực hiện ‘tái xã hội hóa’ cuộc sống hàng ngày của các phạm nhân.”
Mô hình nhà tù này của Đan Mạch được rất nhiều quốc gia đánh giá cao, thế nhưng cũng gặp phải sự hoài nghi của các nhà cải cách trong giới tư pháp hình sự. Được biết, hiện thành phố New York đang xem xét xây dựng hệ thống nhà tù phi tập trung và tìm kiếm những phương pháp mới để quản lý phạm nhân.
Ông Mandrup cho biết: “Mục tiêu chính của kiểu nhà tù này chính là biến các phạm nhân thành những công dân bình thường, để họ tìm được vị trí của mình trong xã hội sau khi ra tù.”
Minh Ngọc
Xem thêm:
Từ khóa Nhà tù Đan Mạch phạm nhân Nhà tù Iwahig