Xuân đến, hoài niệm về tiếng pháo Tết xưa
Những năm đầu thập kỷ 1990 trở về trước, cứ đến đầu tháng Chạp là tiếng pháo nổ đì đoàng lại bắt đầu vang lên khắp thôn làng, ngõ xóm. Tiếng pháo ngày Tết đã là một ký ức không thể nào quên đối với những người thuộc thế hệ 8x trở về trước.
Cứ mỗi khi đến tháng 10-11 âm lịch là lũ con trai chúng tôi lại bắt đầu tích cóp tiền để mua thuốc pháo. Rồi đứa nào cũng chuẩn bị thật nhiều giấy để cuộn pháo. Giấy báo thì pháo nổ ròn, xác pháo nhỏ như đầu ngón tay út. Giấy vở viết thì tiếng pháo nổ đanh, xác pháo to và dài như ngón tay. Giấy vỏ bao xi măng thì chỉ làm pháo lệnh.
Việc cắt giấy, cuốn pháo, nhuộm pháo, tra thuốc vào pháo, ghim ngòi/đổ xi, tết pháo thằng bánh, rồi sấy pháo để pháo nổ cho ròn, không bị xịt đã trở thành một niềm vui, niềm hạnh phúc hết sức thiêng liêng của lũ trẻ chúng tôi.
Rồi qua rằm tháng Chạp, tiếng pháo nổ đã ngày càng dày hơn, có khi chỉ là cả một bánh pháo “tép”, có khi là một đoạn pháo “tôm”, hay là cả một băng pháo “cối”, nhưng có khi chỉ là tiếng nổ đinh tai của 1 quả pháo “lệnh”. Mùi thuốc pháo thơm nồng thi thoảng lại xuất hiện, khiến cho người ta biết rằng Tết đến rất gần rồi.
Những đứa trẻ từng chơi pháo, hẳn có không ít đứa đã từng bị pháo nổ trên tay, đau rát, nhưng cũng không biết sợ.
Rồi từ chiều 30 Tết, nhiều nhà đốt cả bánh pháo sau khi cúng bữa cơm tất niên, tiếng pháo đã nổ rộn ràng khắp nơi rồi.
30 phút trước giao thừa, nhà nào cũng treo sẵn ở sân, cửa nhà hay cổng ngõ một bánh pháo. Ngắn thì cũng 65-70 cm, dài thì có khi vài mét. Bọn trẻ hồi hộp, đứa nào cũng muốn tiếng pháo nhà mình to hơn, ròn hơn.
15 phút trước Giao thừa, nhiều nhà đã bắt đầu đốt pháo giao thừa. Nhà này châm lửa đốt xong thì đến nhà khác đốt tiếp. Không chờ khói pháo tan hết, lũ trẻ con sẽ ào ra sân để đùa với xác pháo, tìm xem có bao nhiêu quả pháo xịt, pháo lép không nổ được. Mùi thuốc pháo thơm nồng, đặc quánh khắp nơi. Tiếng pháo ròn tan, đinh tai, lan truyền khắp thôn làng, ngõ xóm cho đến hơn 12 giờ đêm.
Sáng mùng 1, khi nhiều người còn chưa muốn dậy vì đã thức khuya thì tiếng pháo đã bắt đầu nổ rồi. Bánh pháo đêm giao thừa và bánh pháo sáng ngày mùng 1 là 2 bánh pháo tối thiểu nhà nào cũng phải có vào dịp Tết, có dù kinh tế gia đình có khó khăn đến mấy.
Tiếng pháo cứ thế, râm ran khắp nơi…, đến hết cả tháng Giêng.
Theo chỉ thị của Thủ tướng ban hành ngày 8/8/1994, từ 1/1/1995, tất cả các hành vi buôn bán, sản xuất, đốt pháo đều bị cấm nhằm chấm dứt các tai nạn về pháo. Tiếng pháo Tết, tập tục đốt pháo vào các sự kiện trọng đại đã lùi vào dĩ vãng gần 30 năm. Nhưng chắc chắn, ký ức về tiếng pháo và những kỷ niệm về pháo Tết đi cùng tuổi thơ sẽ mãi mãi trở thành những kỷ niệm đẹp đẽ, thiêng liêng trong lòng mỗi chúng ta.
Thiện Tâm
Xem thêm: