Bí quyết để vợ chồng hòa hợp không chỉ nằm ở việc chia sẻ công việc hay thời gian bên nhau, mà còn ở khả năng thấu hiểu và chấp nhận những khác biệt. Đôi khi, thay vì khăng khăng về đúng sai, chúng ta cần lắng nghe và mở lòng để hiểu nguyên nhân sâu xa đằng sau hành động của người bạn đời. Khi có sự thấu hiểu, sự chấp nhận sẽ đến một cách tự nhiên, giúp tình cảm vợ chồng trở nên bền chặt và hòa hợp hơn bao giờ hết.

vo chong hon nhan
Học cách thấu hiểu và chấp nhận để tình cảm thêm bền chặt. (Ảnh minh họa: Shutterstock)

Lời của tác giả: Việc có nên tắt đèn hay không đã trở thành nguyên nhân tranh cãi suốt 20 năm của một cặp vợ chồng. Dưới sự hướng dẫn của tác giả, người chồng đã trải qua quá trình hồi tưởng về tuổi thơ và tự nhận thức bản thân, cuối cùng nhận ra lý do đằng sau hành động không tắt đèn của mình. Trong khi đó, người vợ, sau khi lắng nghe lý giải, đã hoàn toàn hiểu và chấp nhận, không còn kiên quyết yêu cầu tắt đèn để tiết kiệm điện nữa.

Hiểu rồi sẽ dễ dàng chấp nhận

Một cặp vợ chồng đã chung sống hơn hai mươi năm và thường xuyên tranh cãi về một vấn đề: người chồng luôn bật đèn sáng trong nhà bất kể ngày hay đêm. Khi ở phòng khách, anh bật đèn phòng khách; khi ở phòng ngủ, anh bật đèn phòng ngủ; khi vào bếp, anh bật đèn bếp. Thậm chí, mỗi khi ra khỏi phòng hay ra ngoài, anh cũng không tắt đèn.

Người vợ rất bực bội, cho rằng chồng lãng phí điện và không nên bật quá nhiều đèn như vậy. Cô khăng khăng anh cần phải nhớ tắt đèn mỗi khi rời khỏi phòng. Trong khi đó, người chồng lại nghĩ rằng tiền điện chẳng đáng là bao, không ảnh hưởng gì đến thu nhập của hai vợ chồng. Hơn nữa, sống trong một không gian sáng sủa khiến anh cảm thấy tinh thần thoải mái và an tâm hơn.

Người vợ không đồng tình, cho rằng nhà đủ ánh sáng tự nhiên, ban ngày không cần bật đèn cũng đã sáng sủa. Vào ban đêm, dù cần bật đèn, nhưng không nhất thiết phải bật ở tất cả các phòng. Điều khiến cô khó chịu nhất là chồng bật đèn ngay cả khi đi ngủ, điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến giấc ngủ của cô, khiến cả hai phải ngủ ở phòng riêng suốt vài năm qua.

Cặp vợ chồng đã “thảo luận” về vấn đề này không biết bao nhiêu lần, nhưng cả hai đều không chịu nhượng bộ. Mỗi người đều khăng khăng mình đúng, cho rằng người kia sai và cần thay đổi. Cuối cùng, bất đồng lại dẫn đến tranh cãi, đôi khi khiến họ im lặng với nhau hàng tuần liền. Trong khi đó, người chồng vẫn bật đèn như thường, còn người vợ lại âm thầm tắt đèn. Hai mươi năm đã trôi qua, các con đã trưởng thành và vào đại học, nhưng vấn đề này vẫn chưa tìm được cách giải quyết.

Bạn nghĩ ai đúng, ai sai? Vấn đề này nên được giải quyết như thế nào?

vo chong gian nhau
Thay vì tranh cãi về đúng hay sai, tại sao không thử lắng nghe và thấu hiểu nhau? (Ảnh minh họa: Shutterstock)

Thay vì tranh cãi về đúng hay sai, tại sao không thử lắng nghe và thấu hiểu nhau?

Một lần tôi đến thăm, họ lại nhắc đến vấn đề này và suýt cãi nhau. Người vợ nhờ tôi “phân xử công bằng”. Mỗi gia đình đều có những chuyện khó giải quyết, nên tôi không muốn can thiệp vào cuộc tranh cãi của họ hay đóng vai quan tòa để quyết định ai đúng ai sai. Điều tôi cảm thấy tò mò hơn là: Anh chồng đã bắt đầu thói quen không tắt đèn trong nhà từ khi nào?

Người vợ buồn bã nói: “Từ sau khi kết hôn, anh ấy đã như vậy rồi.”

Tôi quay sang hỏi người chồng: “Thật sao?” Anh gật đầu.

“Từ trước khi kết hôn, anh cũng vậy à?” Tôi tò mò hỏi thêm.

Anh chồng suy nghĩ một lúc rồi trả lời: “Đúng vậy”.

“Vậy anh có nhớ mình bắt đầu thói quen này từ khi nào không?” tôi tiếp tục.

Anh ngẫm nghĩ một hồi: “Cái này… tôi thật sự chưa bao giờ nghĩ đến”.

Anh gãi đầu, chìm vào suy tư, không nói gì. Người vợ định lên tiếng, nhưng tôi nhẹ nhàng ngăn lại, bảo cô chờ thêm một chút, để anh có thời gian suy nghĩ kỹ.

Khoảng  phút sau, khuôn mặt anh bỗng chốc thay đổi, và anh nhớ ra một kỷ niệm từ thời thơ ấu.

Anh ấy kể rằng, cha mẹ ly hôn khi anh còn rất nhỏ, và anh được ông cố nuôi dưỡng. Thông thường, việc ông bà chăm sóc và nuôi dưỡng cháu là khá phổ biến, nhưng trường hợp được nuôi dạy bởi ông cố – một thế hệ xa hơn – lại hiếm thấy trong thực tế.

Tôi và người vợ nghe xong, bất giác nhìn nhau đầy kinh ngạc.

Khi ấy, ông cố đã rất già, theo lời anh chồng kể, đó là độ tuổi mà ông có thể ra đi bất cứ lúc nào. Vì vậy, mỗi đêm trước khi đi ngủ, anh luôn mang nỗi lo lắng rằng ông cố sẽ đột ngột qua đời. Anh thường tỉnh giấc giữa đêm, nhẹ nhàng đặt ngón tay trỏ lên dưới mũi ông cố để kiểm tra xem ông vẫn còn hơi thở ấm hay không.

Một đêm, thức giấc trong trạng thái hoảng sợ, anh không thể nào ngủ lại được. Cuối cùng, không thể kiềm chế, anh lay ông cố dậy và hỏi: “Con có thể bật đèn khi ngủ không?” Ông cố đồng ý. Kể từ đó, anh hình thành thói quen bật đèn. Không chỉ bật đèn khi ngủ, mà bất cứ lúc nào ở nhà, anh cũng bật tất cả các đèn trong các phòng.

Khi kể đến đây, giọng anh chồng bỗng nghẹn lại. Tôi hỏi lý do, anh thở dài và nói: “Ông cố đã qua đời từ lâu rồi, tôi ít khi nhớ đến ông, tôi cũng quên đi chuyện đó lâu rồi. Nhưng hôm nay nhớ lại, tôi cảm thấy vừa buồn vừa xúc động”.

Anh dừng lại một lát, trầm tư: “Hóa ra tôi luôn bật đèn ở nhà vì lý do này, nó như thể ông cố luôn ở bên cạnh tôi vậy, làm tôi cảm thấy an toàn…”

Vo chong
(Ảnh minh họa: Shutterstock)

Người vợ nghe đến đây vô cùng bất ngờ, suốt 20 năm kết hôn, cô chưa từng biết về chuyện này.

Lúc này, người vợ rơi vào suy nghĩ, im lặng hồi lâu.

Một lúc sau, cô lẩm bẩm: “Thật lạ, bây giờ tôi bỗng nhiên có thể đồng cảm cho anh ấy hơn”.

Sau đó cô nói tiếp: “Hình như tôi có thể chấp nhận việc anh ấy luôn bật đèn, mặc dù tôi vẫn thấy làm vậy thật lãng phí điện, nhưng tôi không còn giận nữa. Nếu anh ấy tiếp tục làm như thế…” Cô ngừng lại vài giây, rồi nói: “Thì cứ để anh ấy như vậy đi”.

“Thật là kỳ lạ, anh ấy chẳng thay đổi gì cả, vậy mà sao thái độ của tôi lại thay đổi hoàn toàn? Cơn giận lúc trước đã đi đâu mất rồi? Nếu biết thế này, tại sao chúng ta phải cãi nhau suốt 20 năm vì một chuyện nhỏ như vậy?”

Tôi đứng bên nhìn toàn bộ quá trình và cảm thấy thật thú vị. Như người vợ nói, chồng cô ấy hoàn toàn không thay đổi điều gì, vậy tại sao thái độ của cô lại thay đổi hoàn toàn như vậy? Rốt cuộc đã có chuyện gì xảy ra?

Trong suốt quá trình, chỉ có một điều xảy ra: Người vợ đã hiểu chồng mình hơn. Hiểu được sẽ dẫn đến sự chấp nhận.

Trước đó, hai vợ chồng luôn kiên quyết giữ quan điểm “tôi đúng, bạn sai”, không ai chịu dành thời gian để hiểu người kia. Một khi đã hiểu được nhau, sự chấp nhận và cảm thông sẽ tự nhiên xảy đến.

(Bài viết trích từ 17 bài tập để khởi động lại cuộc sống của bạn , được cấp phép xuất bản bởi Quá Trình Xuất Bản / Được biên tập và đăng tải bởi Đại Kỷ Nguyên)

Trúc Nhi biên dịch
Theo The Epochtimes