Thế giới đá quý rất đa dạng và sinh động. Đá quý lâu nay vẫn luôn được xem trọng bởi tính thẩm mỹ và ý nghĩa tinh thần của nó. Đá Topaz, hay còn gọi là hoàng ngọc, là một trong những loại đá quý tuyệt đẹp với nhiều màu sắc sặc sỡ và được ưa chuộng nhất. Nó có nhiều màu tự nhiên và cũng có những màu được tạo ra bằng kỹ thuật xử lý đá.

da quy
Topaz, còn được gọi là ‘đá ánh sáng’, có nhiều màu sắc khác nhau. Giá trị nhất là loại Topaz hoàng gia (Imperial Topaz) có tông màu chuyển từ vàng cam đến hồng rực rỡ. (Ảnh: Thomas Quine via Flickr CC BY 2.0)

Topaz là khoáng vật nhôm silicat có chứa flo với công thức hóa học Al2(F,OH)2SiO4. Loại đá quý này thường được tìm thấy trong đá magma. Nó có thể cộng sinh với các loại khoáng chất khác như thạch anh, fluorit, tourmaline và có dạng các tinh thể hình thoi lớn với ánh thủy tinh lấp lánh.

Topaz có độ cứng là 8 theo thang đo Mohs, đứng thứ ba trên thế giới sau kim cương (10), sapphire và ruby ​​(9). Nó có thể tích điện dưới áp suất nhất định và giữ điện trong nhiều giờ.

Topaz vàng, hồng, cam, đỏ, tím, và xanh da trời là những màu topaz tự nhiên hiếm và đắt nhất. Người Bồ Đào Nha gọi topaz không màu là “pingos d’água”, có nghĩa là “giọt nước”. Vì phần lớn đá topaz không có màu nên các viên đá được cắt ra thường được gọi là “topaz bạc”.

Topaz màu hồng và xanh da trời tự nhiên rất hiếm. Các mỏ topaz xanh da trời tự nhiên xuất hiện trên khắp thế giới, nhưng loại tốt nhất là ở Brazil, Nga và Zimbabwe. Topaz xanh được coi là viên đá của tháng 11 và 12, hay là cung Nhân Mã trong Chiêm tinh học phương Tây.

da quy 1
Topaz màu xanh da trời tự nhiên khá hiếm nhưng có thể tạo ra được thông qua các phương pháp gia nhiệt từ topaz không màu. (Hình ảnh: Parent Géry qua Wikimedia Commons CC BY-SA 3.0)

Xử lý đá quý 

Các phương pháp xử lý đá quý đã có từ lâu và không thay đổi nhiều theo thời gian. 

Xử lý nhiệt thường được xem là sự tiếp tục của quá trình tạo đá tự nhiên vì nó chỉ sử dụng nhiệt để tạo ra màu sắc ổn định cho đá quý. Gia nhiệt topaz nâu cam (được gọi là ‘hồng phấn’) sẽ loại bỏ màu nâu và giữ lại màu hồng thuần khiết. Gia nhiệt sẽ làm cho topaz vàng nâu hoặc xanh da trời trở thành không màu, nhưng màu sắc ban đầu có thể được phục hồi bằng cách ‘tẩm’ dầu hoặc các chất khác vào viên đá. 

Xét cả về mặt giá trị và sức hấp dẫn, topaz xanh chắc chắn là loại đá quý được xử lý nhiều nhất. Các quy trình gia nhiệt khác nhau sẽ cho ra các màu xanh khác nhau.

Topaz là một loại đá quý đa sắc, có thể nhìn thấy nhiều màu sắc khác nhau từ các góc độ khác nhau khi xoay chuyển viên đá dưới ánh sáng. Ví dụ, một viên topaz đỏ có thể có màu đỏ sẫm, vàng và đỏ hồng tùy thuộc vào góc nhìn.

Lịch sử và truyền thuyết 

Mặc dù tên gọi Topaz có một lịch sử lâu đời, nhưng trong thời cổ đại, cái tên Topaz có khả năng được dùng để chỉ một loại đá hoàn toàn khác, gọi là chrysolite, hoặc peridot; vì tất cả các viên đá màu vàng thời đó đều được gọi là topazes. Pliny the Elder (23 – 79 SCN), tác giả của cuốn Natural History (tạm dịch: Lịch sử Tự nhiên), đã dùng cái tên này để gợi nhớ tới một hòn đảo đá quý huyền thoại ở Biển Đỏ bằng từ Hy Lạp “Topazos”, có nghĩa là “tìm kiếm”. Hòn đảo nằm cách bán đảo Ras Banas của Ai Cập khoảng 96km về phía đông nam và ngày nay được gọi là Đảo Zabargad. 

Thuật ngữ ‘‘imperial topaz‘ xuất hiện lần đầu tiên trong văn học Nga vào thế kỷ thứ mười tám. Vào thời điểm đó, dãy núi Ural là nguồn cung cấp topaz lớn nhất thế giới, và loại đá topaz vàng hồng này được đặt tên như vậy để vinh danh vị vua đang trị vì là Czar Nicholas II. Loại đá này quý hiếm đến mức chỉ có các thành viên trong gia đình hoàng tộc mới có thể mua được.

Topaz đặc biệt ở chỗ nó có thể phát triển thành các tinh thể lớn. Năm 1944, một tinh thể nặng 350 tấn được cho là đã được phát hiện ở Mugui, Brazil.

Một viên đá lớn khác được phát hiện ở Brazil vào năm 1740. Mới đầu người ta tưởng nhầm nó là một viên kim cương nặng 1680 carat. Viên đá đã được đưa đến Bồ Đào Nha để gắn vào vương miện hoàng gia. Nhưng hóa ra nó lại là một viên Topaz khổng lồ trong suốt. Chiếc vương miện tuyệt đẹp này vẫn còn được trưng bày cho đến ngày nay.

vuong mien
(Ảnh qua pinimg.com)

Topaz được coi là nguồn sức mạnh của người Hy Lạp cổ đại. Trong thời kỳ Phục hưng (khoảng giữa những năm 1300 và 1600), nhiều người ở châu Âu tin rằng topaz có thể phá vỡ các phép thuật và loại bỏ cơn thịnh nộ.

Người La Mã cổ đại tin rằng loại đá quý này có thể giúp bảo vệ người đeo nó khỏi chất độc và đổi màu khi nguy hiểm đến gần. Người Ai Cập tin rằng viên đá nhận được màu sắc của nó từ ánh sáng vàng của Thần Mặt Trời – Ra.

Thời Ấn Độ cổ đại, có một vị pháp sư sở hữu một viên đá như vậy. Trong một trận chiến quyết liệt, một vị hoàng tử đã yêu cầu ông mang viên ngọc có khả năng phục hồi sức lực này đến. Vị pháp sư đã mang nó đến chiến trường, nhưng trong khi tìm kiếm hoàng tử, ông ta đã bị một thế lực tà ác chế ngự và ngã quỵ xuống đất. Khi sắp trút hơi thở cuối cùng, ông nghe thấy tiếng một binh sĩ kêu cứu. Với chút sức lực cuối cùng, ông đã ném viên topaz về phía người lính, và nói trong hơi thở yếu ớt rằng anh ta phải đặt viên ngọc lên tim mình. Người lính đã làm như vậy và sống sót thần kỳ, anh đã kể lại câu chuyện này. Đó là lý do tại sao từ bao đời nay, nhiều người ở Ấn Độ tin rằng việc đeo topaz ở trái tim sẽ đảm bảo cuộc sống lâu dài cho bản thân và những người thân yêu.

Còn có một truyền thuyết nữa về viên đá tuyệt đẹp này như sau: Vợ của ngài Theodoric, một bá tước người Hà Lan, là quý bà Hildegarde đã tặng một viên topaz vàng khổng lồ cho một tu viện vào những năm 1100. Viên đá sáng đến nỗi nó được sử dụng để chiếu sáng nhà nguyện vào ban đêm, nơi các tu sĩ đọc lời cầu nguyện. Một hôm, có một vị tu sĩ đã đánh cắp món bảo vật quý giá này. Mặc dù không ăn năn về tội lỗi của mình, nhưng ông ta sợ rằng mình sẽ bị buộc tội ăn trộm thánh vật nên đã ném viên topaz xuống biển. Từ đó về sau không ai nhìn thấy vị tu sĩ và viên topaz ấy nữa.

Theo Vision Times
Ngọc Chi biên dịch

Xem thêm: