Một người đàn ông ở đất nước Malawi (châu Phi) bị tuyên án tử hình với tội danh mưu sát. Nhưng có lẽ người này “phước lớn mạng lớn” nên cả 3 lần bị tử hình treo cổ đều không thực hiện được do người thực thi công việc tử hình quá mệt, ông hết lần này đến lần khác thoát chết khi sắp chạm trán với tử thần.

Sau này vì Malawi thiết lập chế độ dân chủ đa đảng và tạm dừng tất cả các vụ hành quyết tử hình, vụ án của người đàn ông này cũng phải đưa ra xét xử lại và sau khoảng 15 năm, người này cuối cùng đã được trả tự do.

Theo BBC đưa tin, sự việc này xảy ra ở Malawi vào năm 1992, người đàn ông 3 lần thoát khỏi “lưỡi hái của tử thần” này có tên là Byson Kaula.

Byson sinh ta tại một ngôi làng nhỏ ở miền Nam Malawi, từng làm việc tại công ty ga ở Johannesburg và tiết kiệm được một khoản tiền. Sau này ông về quê mua một mảnh đất và làm chủ một cơ sở có 5 nhân công. Họ trồng hoa quả, lúa mạch, ngô và sắn dây… Nhưng “cơn ác mộng” của ông chủ này cũng bắt đầu.

Người đàn ông bị vu cáo tội giết người vì sự ghen tức của hàng xóm

“Sự thành đạt” của Byson bị hàng xóm ghen tức đố kỵ. Một số người hàng xóm đã tấn công một công nhân của ông, làm người này bị thương nặng. Sau khi bị thương, người này đi lại khó khăn, ngay cả đi vệ sinh cũng cần có người đỡ.

Có một lần, khi ông Byson đang đỡ người công nhân này đi vệ sinh thì bị trượt chân ngã, vì hôm trước mưa lớn, cầu thang khá trơn. Người công nhân này bị ngã và qua đời sau khi đưa đến bệnh viện.

Tại tòa án, hàng xóm của ông Byson lại làm chứng tố cáo ông, chính vì vậy mà tòa kết án ông Byson Kaula (40 tuổi) tội danh mưu sát và tuyên án tử hình.

Mẹ của ông Byson đến nghe buổi xét xử, bà vô cùng đau đớn khóc khi biết con trai mình bị tuyên án tử hình.

Khi đó Malawi đang ở trong thời kỳ cuối của chế độ độc tài Hastings Banda.

Ông Byson 3 lần thoát chết vì… người thực hiện tử hình quá mệt 

Sau khi ông Byson bị tuyên án, bước tiếp theo chính là đợi thực hiện tử hình.

Nhưng người thực hiện tử hình khi đó là một người Nam Phi và chỉ có một mình ông làm công việc này. Ông phụ trách việc thực hiện tử hình treo cổ ở nhiều quốc gia trong khu vực, ông phải di chuyển giữa nhiều quốc gia. Vì vậy, cứ mỗi 2 tháng mới đến lượt Malawi.

Lần thứ nhất

Người làm công tác tử hình có một danh sách, mỗi lần đều thực hiện theo danh sách này. Lần đầu tiên, tên của ông Byson xuất hiện ở vị trí thứ 21.

Từ sau khi bị tuyên án tử hình, mỗi ngày ông Byson đều sống trong sợ hãi, nhưng khoảnh khắc mà ông sợ nhất cuối cùng cũng đã đến, cảnh sát cho ông biết việc tử hình sẽ bắt đầu lúc 1 giờ trưa và bảo ông nên “bắt đầu cầu nguyện”.

Tuy nhiên khi đến 3 giờ chiều, trên danh sách vẫn còn 3 người chưa tử hình, trong đó có ông Byson. Người thực hiện tử hình cho biết ông ấy mệt quá rồi và phải dừng lại.

Đây là lần đầu tiên ông Byson thoát chết khi sắp chạm trán với tử thần, ông được xếp sang lần sau.

Lần thứ 2

Lần thứ 2 cũng giống như lần đầu, người thực hiện tử hình nói rằng “ quá nhiều rồi”, không thể nào làm xong được. Thế nên một lần nữa ông Byson lại may mắn sống sót sau khi quãng thời gian sợ hãi chờ đợi.

Lần thứ 3

Vào lần thứ 3, tất cả những người trong danh sách hôm đó đều đã bị tử hình rồi, chỉ còn lại một mình ông Byson, người thực hiện tử hình lại một lần nữa phải dừng công việc vì quá mệt.

Tuy ông Byson 3 lần thoát chết khi sắp bị tử hình, nhưng tâm trạng sợ hãi khi chờ đợi tử hình như thế này còn khổ sở hơn cái chết. Ông từng 2 lần cố tự sát nhưng không thành.

Có lẽ ông thật sự “phước lớn mạng lớn”, sau 3 lần thoát khỏi tay thần chết, niềm hy vọng mới đã đến.

On death row in Malawi, Byson Kaula was nearly executed three times – but on each occasion the hangman stopped work…

Posted by BBC Stories on Thursday, February 21, 2019

Vụ án được xét xử lại

Vào năm 1994, Malawi thiết lâp nền dân chủ đa đảng, khi đó tất cả án tử hình đều bị dừng lại. Tuy đến nay, Malawi vẫn không bỏ tử hình, nhưng đa số các phạm nhân bị tử hình đều sẽ chuyển thành chung thân. Trường hợp của ông Byson cũng tương tự như thế.

Khi thời gian thụ án, ông tích cực tham gia những khóa học được tổ chức trong nhà giam, nhưng hy vọng được ra tù rất mong manh.

Cho đến năm 2007, cũng là 15 năm ông Byson thụ án, một vụ án có tính lịch sử đã thay đổi số mệnh của ông Byson.

Có một phạm nhân nghiện ma túy bị tuyên án tử hình đã thách thức tòa án. Người này thừa nhận tội sát nhân của mình, nhưng tranh luận rằng hành vi khi đó của hắn là do bị ảnh hưởng bởi thuốc phiện nên không được xem là hành vi bình thường.

Tòa án cho rằng cùng là vụ án giết người, động cơ và mức độ phạm tội không giống nhau thì mức án cũng nên khác nhau. Điều này có nghĩa là tất cả những trường hợp bị tuyên án tử hình bao gồm của ông Byson đều phải được xét xử lại. Kết quả là có rất nhiều tử tù được trả tự do. Trong số đó có rất nhiều người có vấn đề về thần kinh và cả người khuyết tật trí tuệ.

Được trả tự do

Khi ông Byson biết tòa án muốn xét xử lại vụ án của mình, phản ứng đầu tiên của ông là từ chối, bởi vì sự sợ hãi mà ông phải trải qua trước đó. Nhưng cuối cùng ông cũng đã đồng ý. Kết quả phúc thẩm là tòa án quyết định trả lại tự do cho ông.

Khi tòa án nói rằng ông được trả tự do, ông đã kinh ngạc đến mức sững sờ cả người. Toàn thân ông run rẩy, hai chân không thể đứng được. Ông cảm thấy như đang nằm mơ, hoàn toàn không dám tin những gì mà tòa án vừa nói.

Trong thời gian thụ án, mỗi năm mẹ của ông đều đến thăm con trai mình, mỗi lần đều mang rất nhiều thức ăn cho ông. Khi mẹ ông được biết ông được trả tự do, bà đã vui mừng tột độ. Trong thời gian ông ở trong nhà giam, gia đình ông xảy ra rất nhiều chuyện. Mảnh đất của ông mọc đầy cỏ dại, vợ ông qua đời vì bệnh tật, 6 người con của ông đã trưởng thành và đi xa.

Ông Byson cho hay, điều ông lo lắng nhất khi ở trong nhà tù chính là người mẹ đã hơn 80 tuổi của mình. Ông là con trưởng, bây giờ được trả tự do, ông mong sẽ cố hết sức để chăm sóc cho mẹ. Ông không để mẹ mình làm việc nặng, những việc này đều do ông và những người khác lo. Bước tiếp theo, ông dự định sẽ xây cho mẹ một ngôi nhà mới.

Hiện nay, vào dịp cuối tuần ông Byson sẽ làm tình nguyện để giúp đỡ các phạm nhân vừa được trả tự do khác.

Minh Ngọc

Xem thêm: