Vì sao “Cô gái tự tin nhất Trung Quốc” không muốn quay về Trung Quốc?
- Yến Nhi
- •
Giấc mơ về nước Mỹ thực sự rất đẹp, nó đã thu hút vô số người Trung Quốc tới đây. Có người mơ về công danh sự nghiệp, có người mơ về quyền tự do dân chủ, có người bị đàn áp, có người chịu bức hại, cũng có kẻ tham ô, vơ vét mồ hôi nước mắt của người dân rồi chạy tới Mỹ để hưởng thụ. Và có một số người, vì một nguyên nhân nào đó khi ở Trung Quốc phải chịu sự khinh thường nên đã tới Mỹ quốc sinh sống, ví dụ như một nhân vật mà nhiều người Trung Quốc đều biết tới La Ngọc Phượng – còn được gọi là “Phượng tỷ” hay “Cô gái tự tin nhất Trung Quốc”.
Được biết, năm 2018, La Ngọc Phượng đã làm được 2 chuyện quan trọng: có được Thẻ xanh, có chứng nhận kết hôn. Cô ấy cuối cùng cũng thực hiện được mơ ước sống ở Mỹ, cũng tiến gần hơn với “giấc mơ Mỹ”.
Khi đó, La Ngọc Phượng rất nổi tiếng ở Trung Quốc. Năm 2009, cô xuất hiện trên đường phố Thượng Hải với một xấp hàng ngàn tờ rơi “tuyển chồng”, yêu cầu người ứng tuyển phải tốt nghiệp thạc sĩ ngành kinh tế của một trong hai trường đại học danh tiếng nhất Trung Quốc – Thanh Hoa hoặc Bắc Kinh; có nhà ở vùng ven biển phía Đông, biết nhìn xa trông rộng, chưa từng khiến cho bạn gái cũ phải phá thai, không chấp nhận đối tượng là công nhân viên chức…. Sau khi bị cư dân mạng “ném đá” vì những yêu cầu đó, cô gái này đã trở nên nổi tiếng khắp trong ngoài nước.
Cô rất tự tin với ngoại hình và học thức của bản thân, đặc biệt La Ngọc Phượng tuyên bố mình là người thông minh nhất trong vòng 300 năm trở lại và sau 300 năm vẫn sẽ không có người vượt qua mình, điều này đã khiến dư luận choáng váng. Trong mắt của người Trung Quốc, La Ngọc Phượng là kẻ hoang tưởng, trở thành đối tượng chế giễu của rất nhiều người.
Năm 2010, La Ngọc Phượng đã tới Mỹ trong sự chế nhạo, cười chê của mọi người. Cô gái này cho rằng, Trung quốc không phù hợp với mình, ở đó, hình ảnh của cô vô cùng tiêu cực và xấu xí, cô muốn tới Mỹ để thực hiện giấc mơ trở thành nhà tài phiệt phố Wall.
Trong 4 năm sau khi đặt chân tới New York, La Ngọc Phượng đã làm thợ sửa móng tay tại một tiệm nail để kiếm sống. Đầu tháng 5/2015, tờ New York Times trong quá trình khảo sát để đưa ra một loạt các báo cáo cụ thể về nghề làm nail tại New York và California, đã từng phỏng vấn “người nổi tiếng” trốn khỏi Trung Quốc trong sự chế nhạo này.
Trong cuộc phỏng vấn, La Ngọc Phượng đã nói về nguyên nhân ban đầu tới Mỹ của mình, chính là vì tượng Nữ thần Tự do, mọi người đều được tự do bình đẳng, điều đó đã thôi thúc cô tới đây. Nhưng khi nói về kinh nghiệm làm nail của mình, cô nói, ngoại trừ những người da đen, tất cả những màu da khác ít nhiều đều phải đối mặt với sự phân biệt đối xử, tuy nhiên trong các tiệm nail do người Trung Quốc mở ra, vấn đề này trở nên nghiêm trọng hơn.
Cô cho biết, việc bị la mắng xảy ra thường xuyên trong các tiệm nail của người Trung Quốc, nhưng trong các tiệm nail của người Hàn Quốc, điều này chưa từng có, nhưng người Hàn Quốc lại sẽ ưu tiên tuyển người Hàn Quốc.
Sự coi thường mà người Trung Quốc nhận được lại đến từ chính những người Trung Quốc. La Ngọc phượng đã nói với phóng viên: “Lúc tôi làm việc tại 1 tiệm nail của ông chủ người Phúc Kiến, tôi cảm thấy sự phân biệt đối xử rõ rệt giữa tôi và các đồng nghiệp tới từ Phúc Kiến. Nếu chủ tiệm không phải là người Phúc Kiến, thì họ cũng rất xem thường những người thợ Phúc Kiến. Lúc tôi đi tìm việc, ông chủ thường hỏi tôi có phải người vùng đó không, nếu như trả lời là đúng, những người đó gần như ngay lập tức sẽ mất cơ hội được làm việc. Có rất ít cơ hội cho người Phúc Kiến làm việc ở những khu giàu có như Manhattan, thậm chí có thể nói hy vọng rất mong manh”.
Khi nói về khả năng mưu sinh với nghề làm nail, La Ngọc Phượng cho biết: một công nhân bình thường tới 1 tiệm nail học việc, sau đó bắt đầu công việc, từ 3 tới 5 năm có thể kiếm được 30.000 USD, mua được 1 tiệm nail để tự mình làm chủ, chính điều này đã cổ vũ cô. Cho dù cô phải chịu sự xúc phạm từ chủ và sự khó tính của khách hàng, cô vẫn tràn đầy hy vọng. Bởi vì có một ngày, cô cũng có thể làm chủ.
La Ngọc Phượng nói, cô ấy chỉ là một người nhỏ bé, xuất thân từ vị trí thấp kém nhất, vì vậy luôn gặp sự xúc phạm, lăng mạ. Công việc làm nail này vẫn tốt hơn rất nhiều những công việc khác cô đã từng làm, bởi vì nó cho cô cơ hội được ở lại Mỹ. Nhưng cô ấy cũng nói, cô ấy sẽ tránh làm việc trong cộng đồng người Hoa.
La Ngọc Phượng nói với phóng viên, cô sống trong một căn phòng chỉ có 7-8m2 tại khu Queens, New York, bếp và nhà vệ sinh dùng chung, ngoại trừ sinh hoạt phí thì không phải đóng bất kỳ một khoản nào khác. Tuy nhiên, cô đang có dự định kết hôn và định cư tại Mỹ, sẽ không quay về Trung Quốc.
Cô ấy không quên ước mơ ban đầu khi tới Mỹ, cô có dự định đi học tiếng Anh, lấy bằng cấp, sau đó đi làm công việc mình yêu thích. Cô ấy nói, giấc mơ về sự tự do, bình đẳng đã cho cô ấy niềm tin theo đuổi giấc mơ của mình. Bởi vì, ở đây, sẽ không có ai chế nhạo giấc mơ làm nhà tài phiệt của cô.
“Phượng tỷ” của ngày hôm nay, đang sống theo cách mà cô ấy muốn.
Ở Trung Quốc, có rất nhiều cô gái xuất thân thấp, nhưng lại nỗ lực hết mình để sống, hoặc có thể chúng ta cho rằng một số lời nói và hành động của La Ngọc Phượng không phù hợp với chuẩn mực của số đông, nhưng mỗi người muốn sống thế nào, muốn nói gì, muốn làm gì, là quyền tự do của họ, chỉ cần không làm hại tới người khác, vậy chúng ta có lý do gì để làm tổn thương họ?
Yến Nhi
Xem thêm:
Từ khóa Người Trung Quốc tự do tượng nữ thần tự do Giấc mơ Mỹ La Ngọc Phượng