Làm thế nào để giữ một hàm răng khỏe đến già?
- Trúc Nhi
- •
Hàm răng khỏe mạnh không chỉ giúp bạn tự tin với nụ cười rạng rỡ mà còn là nền tảng cho sức khỏe toàn diện. Tuy nhiên, trước những nguy cơ từ sâu răng, mòn men và lão hóa, việc duy trì một hàm răng chắc khỏe đến suốt đời là rất khó. Hãy cùng khám phá những bí quyết và thói quen đơn giản nhưng hiệu quả để bảo vệ những “viên ngọc quý” trong khoang miệng này.
Theo một báo cáo gần đây trên trang web ‘The Conversation’ của Úc năm 2011, tại một buổi đấu giá ở Anh, một chiếc răng của John Lennon đã được bán với giá hơn 31.000 USD (khoảng 744.000.000 VNĐ).
Điều kỳ diệu đáng kinh ngạc
Răng mang lại cho chúng ta nụ cười rạng rỡ, giúp chúng ta phát âm rõ ràng và cần thiết cho việc nhai thức ăn, với mỗi bữa ăn cần đến hơn 600 lần nhai.
Tuy nhiên theo thống kê, 1/5 số người trên 75 tuổi ở Mỹ đã mất hết răng. Trong một xã hội như vậy, có lẽ nhiều người không nhận ra rằng răng là “người bạn đồng hành” suốt cả cuộc đời.
Tôi là một nha sĩ kiêm trợ lý giáo sư, hiện đang làm việc trong lĩnh vực nha khoa lâm sàng và nghiên cứu tái tạo xương sọ mặt. Các nhà nghiên cứu như tôi vẫn đang không ngừng tìm hiểu quá trình phát triển của răng, với mục tiêu cuối cùng là cung cấp công nghệ tái tạo răng cho bệnh nhân.
Trong quá trình này, tôi luôn cảm thấy nể phục trước vẻ đẹp và sự phức tạp của những chiếc răng tự nhiên, nó giống một kiệt tác sinh học và cơ học vậy.
Bí quyết cho tuổi thọ của răng nằm ở độ bền và cách chúng được cố định trong khoang miệng — hãy tưởng tượng điều này giống như sự liên kết giữa chiếc búa và cán của nó. Đối với mỗi chiếc răng, độ bền và cách cố định được hình thành từ sự kết nối phức tạp giữa sáu loại mô khác nhau, và mỗi một loại mô đều giống như một kỳ tích sinh học.
Để cố định răng, các mô như cementum, dây chằng và xương hàm giữ chặt phần chân răng nằm bên dưới nướu. Dây chằng là một loại mô mềm, dày khoảng 0,2 mm (khoảng bằng 4 sợi tóc), kết nối cementum của chân răng với xương hàm. Vai trò của nó là cố định răng, đồng thời kết nối chuyển động của răng khi nhai.
Tuy nhiên, về độ bền của răng, bí mật thực sự nằm ở men răng, ngà răng và tủy răng.
Men răng không thể tái tạo
Men răng là lớp bảo vệ bao phủ phần răng nhìn thấy phía trên nướu. Nhờ hàm lượng khoáng chất cao, men răng là mô cứng nhất trong cơ thể con người. Nó phải cực kỳ cứng chắc bởi nó đóng vai trò như lớp chắn bảo vệ răng khỏi tác động liên tục khi nhai.
Men răng không chứa tế bào, mạch máu hay dây thần kinh, do đó, nó không có sự sống và không nhạy cảm. Đặc biệt, men răng không thể tái tạo. Một khi bị phá hủy do sâu răng hoặc do sử dụng sai cách (như nhai đá, cắn móng tay, hoặc mở nắp chai) hay bị tác động bởi mũi khoan nha khoa, phần men răng quý giá của chúng ta sẽ vĩnh viễn mất đi.
Vì tiếp xúc trực tiếp với môi trường đầy vi khuẩn, men răng cũng là nơi sâu răng bắt đầu. Khi vi khuẩn tạo axit tích tụ trên răng không được vệ sinh sạch, chúng dễ dàng ăn mòn các khoáng chất trong men răng.
Cũng giống như tóc hoặc móng tay, men răng không có dây thần kinh và không nhạy cảm. Sâu răng có thể tiến sâu qua lớp men răng dày 2,5 mm mà không gây đau. Nếu phát hiện ở giai đoạn này trong quá trình kiểm tra răng miệng, nha sĩ có thể sử dụng phương pháp trám răng để điều trị, gần như không làm ảnh hưởng đến cấu trúc tổng thể của răng.
Nhờ hàm lượng khoáng chất cao, men răng rất cứng chắc. Tuy nhiên, sự nâng đỡ suốt đời của nó là nhờ cấu trúc đàn hồi tốt hơn bên dưới — ngà răng.
Tủy răng – quyết định tuổi thọ của răng
Ngà răng, với hàm lượng khoáng chất thấp hơn men răng, là phần cấu trúc đàn hồi của răng. Đây là mô sống được tạo thành từ các ống siêu nhỏ song song chứa chất lỏng và phần tế bào, cả hai đều bắt nguồn từ tủy răng.
Tủy răng là phần lõi mềm của răng, giàu tế bào, mạch máu và dây thần kinh. Nó là nguồn sống của răng – trái tim của răng, cũng chính là yếu tố quyết định tuổi thọ của răng.
Giống như cách một máy dò khói được kết nối với trạm cứu hỏa từ xa, khi phần tế bào trong ngà răng cảm nhận được sâu răng xuyên qua lớp men răng không nhạy cảm để vào ngà răng, tín hiệu nguy hiểm sẽ được truyền đến tủy răng. Lúc này, chuông báo động nhạy cảm của răng vang lên, tủy răng đang gặp nguy hiểm.
Tủy răng bị viêm sẽ kích hoạt hai cơ chế bảo vệ. Thứ nhất là tiết thêm một lớp ngà răng để làm chậm sự xâm nhập lân cận. Thứ hai là gây đau răng. Vì vậy khi thấy những trường hợp này, bạn cần gặp nha sĩ ngay.
Đi khám nha sĩ sớm sẽ giúp giảm mức độ sâu răng, và phần trám cũng sẽ nhỏ hơn. Nếu được phát hiện kịp thời, phần lớn mô tự nhiên của răng có thể được giữ lại và tủy răng có khả năng phục hồi về trạng thái khỏe mạnh. Ngược lại, nếu phát hiện quá muộn, tủy răng sẽ dần suy yếu và chết đi.
Khi mất tủy răng, chiếc răng không còn sự sống và không thể tiếp tục chống lại sâu răng. Thiếu nguồn cung cấp độ ẩm, ngà răng khô sẽ dễ bị nứt vỡ do tác động của lực nhai liên tục.
Nói cách khác, không có tủy răng, răng sẽ không còn như trước. Khi tủy răng biến mất, răng mất đi khả năng tự bảo vệ và dễ bị hư tổn.
Sâu răng hoàn toàn có thể phòng ngừa
So với viên ngọc trai trong con hàu, răng của chúng ta phức tạp hơn và cũng quý giá hơn nhiều. Răng hình thành trong xương hàm liên quan đến sự lắng đọng các khoáng chất theo từng lớp. Trong quá trình phát triển răng – được xem là kỹ thuật tế bào cuối cùng – các tế bào của sáu loại mô bao gồm men răng, ngà răng, tủy răng, xương răng, dây chằng và xương hàm đồng thời sinh sôi, phân hóa và khoáng hóa, tạo thành các mối liên kết độc nhất vô nhị: từ men răng đến ngà răng, từ ngà răng đến tủy, từ xương răng đến ngà răng và từ xương răng qua dây chằng đến xương hàm.
Trong quá trình giống như in 3D này, thân răng phát triển thẳng đứng cho đến khi được hình thành hoàn chỉnh. Đồng thời, chân răng tiếp tục dài ra, cuối cùng chui qua xương, nhú lên khỏi nướu và lộ ra trong khoang miệng; quá trình này được gọi là mọc răng. Đến khoảng 12 tuổi, răng vĩnh viễn của chúng ta đạt mức hoàn thiện. Những chiếc răng quý giá như viên ngọc trai này sẽ được sử dụng suốt đời và đương nhiên là nó cần được bảo vệ.
Sâu răng – một trong những bệnh phổ biến nhất ở người – hoàn toàn có thể được dự đoán và phòng ngừa được. Việc phát hiện càng sớm sẽ càng giúp bảo vệ răng khỏi tổn hại. Vì quá trình sâu răng giai đoạn đầu thường không gây đau, nên việc thăm khám nha sĩ định kỳ là rất cần thiết để kiểm soát và ngăn chặn những vi khuẩn ẩn náu.