Làm thế nào để yêu thương mà không chiều hư con trẻ?
- Thanh Trúc
- •
Yêu thương con là bản tính của cha mẹ, nhưng có rất nhiều bậc cha mẹ không biết cách nên khiến tình yêu thương trở thành sự chiều chuộng, làm hư con trẻ.
Vậy làm thế nào để vừa thể hiện tình yêu thương con mà lại không khiến con trở nên hư hỏng? Các bậc phụ huynh có thể bắt đầu từ 5 điều sau đây.
1. Đặt ra các quy tắc và nghiêm túc thực hiện
Việc đặt ra các quy tắc trong việc yêu thương và giáo dục con nên được bắt đầu từ sớm. Bố mẹ cần đặt ra các nguyên tắc cho chính mình và con trẻ rồi cùng nhau kiên trì thực hiện. Ví dụ như kiên quyết không chiều theo những đòi hỏi vô lý của con; không mua thêm đồ chơi, quần áo cho con khi con đã có quá nhiều rồi; không mềm lòng trước sự “mè nheo” không đúng đắn của con; không cho con xem TV hay điện thoại quá 2h/ngày; không cho phép con được thể hiện sự hỗn hào với ông bà cha mẹ và người khác; khi về nhà cần chào hỏi cha mẹ và người lớn, đi đâu nhớ xin phép bố mẹ; biết cảm ơn khi nhận được sự giúp đỡ của người khác; biết xin lỗi khi làm điều sai trái hoặc phạm lỗi lầm v.v… Lâu dần, trẻ sẽ học được những phép tắc lễ quy, biết tôn trọng mọi người và không làm những điều sai trái.
2. Kiểm soát mong muốn bảo bọc con
Cha mẹ cần kiểm soát được mong muốn bảo bọc con của mình, hãy rèn luyện cho trẻ khả năng và sự tự tin để độc lập xử lý các vấn đề. Ví dụ như khi con bị ngã nhẹ, bố mẹ hãy thử lặng im quan sát để trẻ tự mình đứng dậy hoặc động viên con, chứ không cần phải chạy lại đỡ ngay, hãy rèn luyện cho con khả năng tự dựa vào bản thân mình. Hay như khi con gặp mâu thuẫn với bạn, đừng vội đứng ra bênh vực con, hãy hỏi xem con chuyện gì đã xảy ra, xem con có phải là người có lỗi không và hướng cho con tự giải quyết mâu thuẫn với bạn theo cách đúng đắn của riêng mình.
3. Đừng giúp con trốn tránh trách nhiệm
Việc rèn luyện cho trẻ biết có trách nhiệm cần được bắt đầu từ khi còn nhỏ. Ví dụ như con mải chơi nên quên làm bài tập về nhà bị thầy cô phạt, lúc này con có thể viện cớ này cớ kia cho việc không làm bài tập của mình, cha mẹ hãy giúp con nhận ra lỗi của mình và chịu trách nhiệm cho việc đó. Hay như con nghịch ngợm làm hỏng cây bút chì của bạn, hãy nghiêm túc nhắc nhở con nhận ra lỗi sai, xin lỗi bạn và đền cho bạn cây bút mới.
4. Đừng thỏa mãn mọi yêu cầu của trẻ ngay
Giáo sư tâm lý học Walter Michel ở trường Đại học Stanford (Mỹ) từng làm một cuộc thí nghiệm kinh điển về sự phát triển tâm lý như sau: Ông tìm đến một nhóm trẻ em, cho các bé ngồi trong một căn phòng với vài viên kẹo ngọt trên đĩa và nói rằng các cháu có thể ăn kẹo ngay, cũng có thể đợi 15 phút thì sẽ được thưởng thêm một viên kẹo nữa. Cuối cùng, có 1/3 các bé đã kiểm soát được mong muốn của mình để đợi được thưởng. Mười mấy năm sau, ông lại tìm đến để khảo sát hiện trạng của các cháu này, kết quả nhận thấy những trẻ biết kiểm soát mong muốn của mình khỏe mạnh và thành công hơn. Vì vậy, đối với những yêu cầu của con trẻ, bố mẹ có thể phân loại theo mức độ để xử lý, những yêu cầu như muốn mua đồ chơi, ăn gà chiên thì không cần thỏa mãn ngay mà cần rèn cho trẻ khả năng tự kiểm soát ham muốn của bản thân.
5. Học được trách nhiệm nhờ làm việc nhà
Nghiên cứu của một học giả đến từ trường Đại học Harvard (Mỹ) nhận thấy tỷ lệ thất nghiệp của những trẻ thích làm việc nhà so với các cháu không thích làm việc là nhà 1:15 và tỷ lệ phạm tội tương ứng là 1:10, bên cạnh đó tỷ lệ ly hôn và mắc bệnh tâm lý cũng khác biệt rõ rệt. Vì vậy, phụ huynh cần rèn cho con trẻ biết làm việc nhà, phụ giúp cha mẹ. Đầu tiên hãy cho trẻ hiểu rõ rằng việc nhà là nghĩa vụ của mỗi thành viên trong gia đình, và cũng đừng dùng phần thưởng để trẻ chịu làm việc nhà. Quan trọng hơn hết đó là đừng dùng việc lao động để phạt con, điều này sẽ khiến trẻ cảm thấy chán ghét làm việc. Hãy giúp con học được trách nhiệm khi làm việc nhà.
Thanh Trúc
Xem thêm:
Từ khóa Giáo dục con Dạy con Làm cha mẹ