“Lãng quên” là tốt hay xấu?
- Lê Minh
- •
Trong “Thuyết Văn – Tâm Bộ” nói rằng: ““Vong 忘- Quên”, là không nhớ. Gồm chữ “Tâm 心”, chữ “Vong 亡”, âm đọc là “Vong 忘” (âm Hán Việt). Xét về mặt chữ, quên là chỉ một người, một việc, một sự vật nào đó tiêu tan không còn dấu vết trong tâm, là không nhớ lại. “Lãng quên” rốt cuộc là chuyện tốt hay chuyện xấu? Giỏi “lãng quên” có ích gì?
Lãng quên là suối nguồn của niềm vui
Có một câu chuyện ngụ ngôn kể rằng: Một người suốt ngày phiền não, bèn đi khắp nơi tìm kiếm bí quyết giải phiền. Một hôm anh ta đi tới một chân núi, nhìn thấy một chú mục đồng đang cưỡi trên lưng trâu, thổi sáo trúc du dương, vô cùng tiêu diêu, tự tại.
Anh bèn tiến đến hỏi: “Trông cậu rất vui vẻ. Cậu có thể dạy ta cách giải thoát khỏi nỗi phiền muộn hay không?”
Cậu bé mục đồng nói: “Cưỡi trên lưng trâu, cất tiếng sáo lên thì không còn phiền não nào nữa.” Anh ta cũng thử một hồi, nhưng vô ích. Thế là anh lại tiếp tục lên đường tìm kiếm.
Chẳng bao lâu sau, anh tới một động đá, thấy một lão nhân ngồi một mình trong động, khuôn mặt mỉm cười vô cùng mãn nguyện. Anh cúi gập người, nói rõ nguồn cơn với lão nhân.
Lão nhân hỏi rằng: “Nói như vậy, cậu tới là để tìm cách giải thoát phải không?”
Chàng trai nói: “Đúng vậy ạ!”
Lão nhân mỉm cười hỏi: “Có ai bó buộc cậu chăng?” “Không ạ.”
“Không ai bó buộc cậu, thì giải thoát thế nào đây?” Chàng trai đột nhiên tỉnh ngộ.
Con người sống trên đời, thường chẳng thể luôn thuận buồm xuôi gió. Mỗi người đều khó tránh sẽ gặp phải những chuyện phiền lòng. Nếu cứ giữ mãi trong lòng, sẽ ngày càng u uất.
Giỏi quên lãng mới có thể giữ được tâm thái vui vẻ. Trong chữ “Vong 忘” (lãng quên) có bộ “Tâm 心”, nên có thể hiểu rằng đó là cái tâm quên hết mọi chuyện phiền lòng.
Lãng quên là bí quyết dưỡng sinh
Có người tổng kết ra kinh nghiệm dưỡng sinh của mình, quy tụ lại thành 3 điều cần “lãng quên”:
Một là quên tuổi tác. Tuổi sinh lý của con người là khách quan, nhưng tuổi tâm lý của con người lại khác. Người không nghĩ tới chuyện già, tuổi già cũng sẽ chẳng tới. Tuổi già có niềm vui của tuổi già, sống thuận theo tự nhiên sẽ khiến tâm thái nhẹ nhàng, lạc quan.
Hai là quên bệnh tật. Sinh, lão, bệnh, tử vốn là quy luật trong đời người. Nếu bệnh tìm đến thì tâm hãy cứ an, có bệnh thì chữa, chớ đêm ngày lo lắng. Hãy chuyển sự chú ý của mình vào công việc và thú vui, sức khỏe sẽ được cải thiện nhiều hơn.
Ba là quên đi ân oán. Một người nếu sống trong thù hận, sẽ thường nghĩ cách báo thù, ắt chẳng thể vui vẻ. Tha thứ cho người khác kỳ thực chính là giải thoát cho bản thân mình.
Ba điều “lãng quên” sẽ giúp con người luôn giữ được sự khoan dung, lạc quan, nhờ đó mà được khỏe mạnh, trường thọ.
Có câu nói rất hay rằng: “Không tâm không phế, sống tới bách tuế (trăm tuổi)”. Chữ “Vong 忘” (lãng quên) khi tách ra sẽ thành “Vong tâm 亡心”, hay còn gọi là “Vô tâm”.
Lãng quên là cách hay để tiếp nhận những điều mới
Lãng quên là một hiện tượng sinh lý rất bình thường. Đại não của con người mỗi ngày đều phải tiếp nhận vô số thông tin. Ghi nhớ mọi thông tin là điều không thể, cũng không cần thiết. Chỉ khi dọn sạch những ký ức xưa cũ, thì những điều mới mẻ mới có thể lưu lại. Như một ly nước, chỉ khi đổ bớt một phần, mới có thể rót thêm nước mới vào trong.
Việc học, kỳ thực cũng là không ngừng thay cũ đổi mới, là quá trình không ngừng ghi nhớ và không ngừng lãng quên. Bởi lẽ có thể quên, mới có thể nhớ.
Thường có câu rằng: “Có những điều chẳng thể quên, có những điều chẳng thể không quên.” Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta không thể quên chức trách của bản thân, không thể quên những người có ân với mình, không thể quên những lời mình hứa hẹn, lại càng chẳng thể lãng quên lịch sử. Nhưng, tại một phương diện khác, “lãng quên” sẽ khiến cuộc sống tiêu diêu, tự tại. Học cách lãng quên là một kiểu trí huệ, cũng là một cảnh giới nhân sinh.
Lê Minh
Từ khóa Chóng quên triết lý nhân sinh nhân sinh cảm ngộ Lãng quên Hay quên Mất trí