Loài choắt mỏ cong nhỏ có thể đã tuyệt chủng
- Trúc Nhi
- •
Choắt mỏ cong nhỏ, một loài chim di cư từng phân bố rộng rãi ở khu vực Âu-Á và Bắc Phi, có thể đã chính thức tuyệt chủng. Sự xuất hiện cuối cùng của loài chim này là vào năm 1995, điều này dấy lên hồi chuông cảnh báo về các mối đe dọa từ môi trường sống, biến đổi khí hậu và các tác động của con người.
Một nghiên cứu được công bố gần đây cho thấy loài chim di cư có tên choắt mỏ cong nhỏ (Slender-billed Curlew) hiện được cho là đã tuyệt chủng. Các tổ chức bảo tồn động vật hoang dã chỉ ra rằng sự tuyệt chủng này cũng đánh dấu lần đầu tiên có trường hợp tuyệt chủng của một loài chim bản địa tại châu Âu, Bắc Phi và Tây Á.
Mặc dù Danh sách Đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) đến nay đã ghi nhận 164 loài chim hiện đại bị tuyệt chủng, nhưng sự biến mất của loài choắt mỏ cong nhỏ vẫn khiến các nhà khoa học vô cùng kinh ngạc. Loài này từng phân bố rộng rãi ở khu vực Âu-Á và Bắc Phi, và sự tuyệt chủng của nó nhấn mạnh mối đe dọa nghiêm trọng mà các hoạt động của con người gây ra đối với sự tồn tại của các loài.
Nghiên cứu trước đây cho thấy gần như tất cả các trường hợp chim tuyệt chủng đều xảy ra trên các đảo, vì những kẻ săn mồi là nguyên nhân chính dẫn đến sự tuyệt chủng của chúng.
Thông tin công khai cho thấy, loài choắt mỏ cong nhỏ là một loài chim nước di cư. Mỗi năm vào mùa hè, chúng bay đến Siberia để sinh sản, còn vào mùa đông, chúng di cư đến khu vực Địa Trung Hải với môi trường tương đối ôn hòa.
“Đây là trường hợp đầu tiên được biết đến về sự tuyệt chủng của một loài chim tại khu vực châu Âu, Bắc Phi và Tây Á. Trong vài thập kỷ qua, các nhà thám hiểm đã nỗ lực tìm kiếm dấu vết của loài này tại khu vực sinh sản và trú đông của chúng, nhưng tất cả đều thất bại”, Hiệp hội Hoàng gia Bảo vệ Chim (RSPB) của Anh cho biết trong một tuyên bố.
Mặc dù một số loài được cho là đã tuyệt chủng sau đó lại xuất hiện lại, chúng đôi khi xuất hiện ở những nơi hoàn toàn ngoài dự đoán. Tuy nhiên, các tác giả của bài nghiên cứu, sau khi tiến hành nghiên cứu cẩn thận, đã kết luận rằng xác suất loài choắt mỏ cong nhỏ tuyệt chủng lên tới 96% và rất có thể loài này đã biến mất không lâu sau lần quan sát cuối cùng vào năm 1995.
Theo nghiên cứu này, lần quan sát đáng tin cậy cuối cùng về loài choắt mỏ cong nhỏ được ghi nhận vào năm 1995 tại Maroc.
Tiến sĩ Alex Bond, nhà nghiên cứu cao cấp tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên London, cho biết các nỗ lực cứu loài choắt mỏ cong nhỏ chỉ chính thức bắt đầu từ năm 1988, tuy nhiên điều này rõ ràng là đã quá muộn.
“Với sự gia tăng của biến đổi khí hậu, sự phá hủy môi trường sống và ô nhiễm, những thảm kịch tương tự như loài choắt mỏ cong nhỏ có thể trở thành điều bình thường”, ông Bond cho biết trong một tuyên bố.
Nghiên cứu chỉ ra rằng mất môi trường sống là yếu tố then chốt dẫn đến sự tuyệt chủng của loài chim di cư này. Các đầm lầy ở Siberia đã bị thu hẹp đáng kể do phát triển nông nghiệp, trong khi các vùng đất ngập nước ở Địa Trung Hải cũng dần biến mất do ô nhiễm và sự phân mảnh. Ngoài ra, chiến tranh cũng gây ra tác động nghiêm trọng. Một số khu vực trú đông của loài này, bao gồm Yemen và các đầm lầy Lưỡng Hà, đã bị tàn phá nặng nề về mặt sinh thái do chiến tranh. Bên cạnh đó, bệnh tật và hoạt động săn bắn của con người cũng có thể đã đẩy nhanh sự suy giảm số lượng của chúng.
Nicola Crockford, đồng tác giả của bài nghiên cứu và Giám đốc Chính sách của Hiệp hội Bảo vệ Chim Hoàng gia, cho biết: “Đây là một trong những câu chuyện đau lòng nhất trong lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên suốt một thế kỷ qua, và nó cũng chỉ ra lý do tại sao các tổ chức như Hiệp hội Bảo vệ Chim Hoàng gia Anh và Liên minh Chim Quốc tế (BirdLife International) phải nỗ lực hết sức để bảo vệ các loài chim. Cuối cùng, mục tiêu của họ là ngăn chặn sự tuyệt chủng của các loài”.
Việc bảo vệ môi trường sống của các loài chim là vô cùng quan trọng, đặc biệt là các khu vực không phải là nơi sinh sản, như đất ngập nước ven biển. Khi các môi trường sống như đất ngập nước, đồng cỏ không còn an toàn, rõ ràng các loài chim không thể tồn tại. Vì vậy, chúng ta cần sự nỗ lực chung của chính phủ, các nhà tài trợ và các bên liên quan khác để đảm bảo mạng lưới sinh thái mà các loài chim cần dọc theo các tuyến đường di cư của chúng.
Theo nghiên cứu này, việc chính thức công nhận sự tuyệt chủng của loài choắt mỏ cong nhỏ vẫn cần được IUCN xem xét, và hiện tại, tình trạng của loài này vẫn được liệt vào danh sách cực kỳ nguy cấp (Critically Endangered).
Bài nghiên cứu đã được công bố gần đây trên tạp chí khoa học về chim quốc tế IBIS, do các nhà khoa học đến từ Hiệp hội Bảo vệ Chim Hoàng gia Anh, Liên minh Chim Quốc tế, Trung tâm Đa dạng Sinh học Thiên nhiên Hà Lan và Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên London hợp tác thực hiện.
Từ khóa choắt mỏ cong tuyệt chủng loài