Một phát hiện thú vị đã được các nhà khoa học ghi nhận tại Indonesia khi một con đười ươi quý hiếm ở Vườn quốc gia Gunung Leuser được phát hiện sử dụng thảo mộc tự nhiên để chữa lành vết thương. Đây là trường hợp đầu tiên trong lịch sử được ghi nhận về loài động vật hoang dã sử dụng cây thuốc để tự điều trị.

New Project 31
Loài đười ươi quý hiếm của Indonesia sử dụng thảo mộc để chữa lành vết thương. (Shutterstock)

Đười ươi sử dụng thảo mộc chữa lành vết thương

Theo báo cáo của BBC ngày 3 tháng 5, trong một nghiên cứu do bà Isabelle Laumer, nhà sinh vật học tại Viện Max Planck ở Đức, dẫn đầu các nhà nghiên cứu đã tiến hành khảo sát tại Vườn quốc gia Gunung Leuser ở Sumatra, Indonesia vào tháng 6 năm 2022. Họ phát hiện một con đười ươi Sumatra đực tên là Rakus đang nhai lá của một loại cây leo có tên Akar Kuning và dùng tay bôi lên vết thương bên dưới mắt phải.

Akar Kuning là loại cây có tác dụng chống viêm và kháng khuẩn được người dân địa phương sử dụng để điều trị bệnh sốt rét và tiểu đường. Các nhà nghiên cứu cho rằng Rakus có thể đã bị thương trong một cuộc xung đột với một con đười ươi đực khác vì nó đã kêu lớn sau khi phát hiện vết thương của mình.

Quá trình chữa lành vết thương của Rakus khá ấn tượng. Sau khi hái và nhai lá cây Akar Kuning, Rakus bôi hỗn hợp bã lá lên vết thương trên má phải, mỗi lần trong khoảng 30 phút cho đến khi vết thương được che phủ hoàn toàn. Vết thương không có dấu hiệu nhiễm trùng trong suốt những ngày tiếp theo, và chỉ trong vòng chưa đầy một tuần, vết thương đã bắt đầu khép lại và hoàn toàn lành lặn sau một tháng.

Khả năng sử dụng cây thuốc có chủ đích

Các nhà nghiên cứu tin rằng việc Rakus chỉ bôi bã lá lên vết thương mà không bôi vào các vùng khác trên cơ thể là một hành động có chủ đích. Điều này khiến họ tin rằng việc sử dụng cây thuốc không phải là một hành vi ngẫu nhiên mà là một phương pháp điều trị có mục đích. Bà Laumer, một trong các nhà nghiên cứu cho biết: “Toàn bộ quá trình này diễn ra trong một khoảng thời gian khá dài, khiến chúng tôi tin rằng việc sử dụng cây thuốc là có chủ đích”.

Bà cũng cho rằng Rakus có thể đã học được phương pháp trị liệu này từ những con đười ươi khác. Nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ các con đười ươi khác trong khu vực để xem liệu chúng có áp dụng phương pháp chữa trị tương tự hay không. Bà Laumer kỳ vọng rằng trong vài năm tới sẽ có nhiều phát hiện mới về các hành vi của động vật tương tự. 

Khả năng tự chữa bệnh kỳ diệu của động vật

Theo Joel Shurkin, tác giả của một nghiên cứu được đăng tải trong Kỷ yếu của Viện hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ (PNAS), nhiều loài động vật dường như đã tiến hóa một cách tự nhiên để nhận diện và sử dụng các thành phần có tác dụng chữa bệnh từ cây cối, điều này được chứng minh qua các hành vi quan sát được trong môi trường sống của chúng.

  1. Chó, mèo ăn cỏ để chữa bệnh về tiêu hóa

Ăn cỏ được xem là những hành vi phổ biến ở chó và mèo. Điều này được cho là một cách để chúng giảm các triệu chứng đau bụng và khó tiêu. Tiến sĩ Michael Goldberg từ Vancouver (Canada) cho biết: “Chó không thể tiêu hóa cỏ vì thiếu enzyme phân hủy chất xơ trong ruột. Vì vậy khả năng cao là chúng ăn cỏ để kích thích nôn, từ đó giúp giảm cơn đau bụng”. Ông cũng chia sẻ thêm rằng các thí nghiệm trên chó cho thấy hành vi này vẫn xuất hiện khi chúng mắc các bệnh đường tiêu hóa khác chẳng hạn như viêm ruột hoặc trào ngược axit dạ dày.

  1. Tinh tinh loại bỏ ký sinh trùng

Loài tinh tinh đã được ghi nhận có hành vi ăn lá của khoảng 35 loài cây thuộc họ Aspillia nhằm loại bỏ ký sinh trùng. Các nghiên cứu cho thấy lá của những cây này chứa một hợp chất gọi là thiarubrine-A, có tác dụng tẩy giun trong đường ruột. 

  1. Voi tự kích thích sinh nở

Nhà nghiên cứu Holly Dublin đã phát hiện một con voi đang mang thai có hành vi ăn một loại cây thân cỏ tên là boraginaceae, một loại cây không nằm trong chế độ ăn uống thông thường của loài voi. Đặc biệt, chỉ bốn ngày sau khi ăn loại cây này, nó đã sinh ra một con voi con. Điều này khiến các nhà nghiên cứu tin rằng việc ăn cây boraginaceae có thể có tác dụng giục sinh, tương tự như việc phụ nữ trong khu vực sử dụng cây này như một liệu pháp hỗ trợ quá trình sinh nở.

  1. Chim loại bỏ rận lông

Theo thống kê, có hơn 200 loài chim đã sử dụng mỏ của mình để lấy kiến và chà lên cơ thể. Mục đích là để lấy lượng axít formic do loài côn trùng này tiết ra nhằm loại bỏ rận lông và các bệnh nhiễm trùng. 

Khỉ mũ có thói quen chà mật hoa lên vết thương để thúc đẩy quá trình chữa lành, trong khi gấu nâu Bắc Mỹ lại nhai rễ cây Osha rồi đắp lên vết thương do côn trùng cắn. Cây Osha không chỉ có tác dụng chữa lành mà còn chứa các hợp chất giúp xua đuổi côn trùng.

Bản năng tiên thiên và sự thích ứng của động vật hoang dã

Việc động vật sử dụng thảo mộc để chữa lành vết thương không chỉ là một sự thích nghi với môi trường sống. Các loài động vật hoang dã qua hàng triệu năm tiến hóa đã phát triển khả năng tự chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của mình mà không cần sự can thiệp của con người.

Đây là minh chứng cho sự phức tạp trong hành vi của động vật hoang dã khi chúng có thể phân biệt và chọn lựa các loại cây có tác dụng chữa bệnh. Việc sử dụng thảo mộc để chữa lành vết thương không phải là điều hiếm hoi trong thế giới động vật; nhiều loài như tinh tinh, voi, và gấu cũng có hành vi tương tự.

Những hành vi này không chỉ phản ánh quá trình tiến hóa mà còn là minh chứng cho sự tinh tế và khả năng thích ứng tuyệt vời của động vật hoang dã với thiên nhiên. Qua đó, chúng ta cũng nhận thấy mối liên kết chặt chẽ giữa động vật và môi trường sống của chúng, điều này là một yếu tố quan trọng giúp chúng duy trì sự sống và sinh tồn.

Trúc Nhi t/h
Theo The Epochtimes