Ngày nay, trong xã hội đầy rẫy những bất ổn và đấu tranh, nhiều người dường như đang đi mất niềm tin và hy vọng vào lòng tốt của con người.

Tuy nhiên, thiện lương luôn là điều không thể thiếu trong cuộc sống và vẫn còn tồn tại rất nhiều người tốt trên thế giới này. Có một điều không thể phủ nhận là “Thiện niệm chính là nhân tố cơ bản nhất để duy trì một xã hội ổn định và gắn kết giữa người với người”. Lòng tốt không chỉ khiến người và người xích lại gần nhau hơn mà còn có thể cảm hóa cái ác.

Dưới đây là 2 câu chuyện minh chứng cho điều đó:

Câu chuyện 1: Lòng tốt của vị bác sĩ cảm hóa kẻ trộm

Có một tên cướp đi vào một ngôi làng nọ. Hắn lẻn vào nhà vị bác sĩ duy nhất trong làng và dự định đến khuya sẽ kề dao vào cổ ông và bắt ông nói ra chỗ cất tiền bạc cùng những của cải quý giá, rồi sẽ giết ông để giữ bí mật.

Đêm ấy, đột nhiên có điện thoại từ người thân của một đứa trẻ đang bị bệnh rất nặng từ làng bên cạnh cầu cứu bác sĩ. Lúc ấy là vào mùa đông, trời đổ tuyết rất lớn, mưa gió bão bùng, làng đứa trẻ bị bệnh lại cách xa một quả núi, đi đến đó nhiều nguy hiểm trên đường, mà trời đã quá khuya, trong khi ông đã có một ngày quá mệt mỏi.

Gác điện thoại, ông bác sĩ thở dài đi đến giường nghỉ ngơi. Nhưng rồi ông lẩm bẩm ‘mình không đi bây giờ lỡ đứa trẻ có thể chết thì làm sao’. Vậy là ông lấy lại tinh thần, ông mặc thêm áo, cầm theo cây đèn bão. Rồi ông mở cửa, ra đi. Dáng ông liêu xiêu trong gió tuyết.

Sáng hôm sau khi bác sĩ trở về, tên cướp đón ông ngay trước cửa nhà, sụp xuống dưới chân ông: “Ông có biết tôi chờ ông suốt từ đêm qua tới giờ không?”

“Xin ông vào nhà để tôi khám bệnh cho ông” – Vị bác sĩ đáp lại.

Tên cướp nói: “Không phải thế. Tôi là một tên cướp. Đêm qua tôi đã ẩn nấp trong nhà ông. Tôi muốn bắt ông khai ra chỗ giấu của cải và sẽ giết ông. Nhưng hôm qua giữa trời gió tuyết ông đã bất chấp nguy hiểm đi chữa bệnh cho người ta. Tôi đã rất xấu hổ vì định làm hại một người như ông. Khi ông ra đi trong đêm, ông không chỉ cứu đứa trẻ làng bên kia, mà còn cứu chính bản thân ông. Và ông biết không, ông còn cứu cả tôi nữa”.

Lòng tốt có thể cảm hóa cái ác
Lòng tốt có thể cảm hóa cái ác. (Ảnh: getwallpapers.com)

Câu chuyện 2: Lời nói thiện khiến tên cướp thu dao lại

Một nữ tài xế taxi sau đi đón một vị khách lên xe đã bị kề dao vào cổ và đòi tiền, thì ra đây là một tên cướp. Cô bình tĩnh lấy tất cả tiền ra đưa cho kẻ cướp và nói: “Đây là tất cả số tiền mà tôi kiếm được trong ngày hôm nay, nếu anh thấy ít quá thì có thể lấy thêm mấy đồng tiền lẻ trong túi tôi nữa”. 

Tên cướp có vẻ sững sờ bởi thái độ của nữ tài xế. Cô nói tiếp: “Anh sống ở đâu? Muộn rồi. Gia đình anh có thể lo lắng cho anh. Tôi sẽ đưa anh về nhà”. Trước sự quan tâm của nữ tài xế, tên cướp đã thu dao lại.

Trên đường đi, cô trò chuyện với tên cướp: “Gia đình tôi từng sống một cuộc sống rất khó khăn, nên tôi học lái xe và trở thành tài xế taxi. Mặc dù tôi không kiếm được nhiều tiền, nhưng chúng tôi đã sống tốt hơn trước đây. Nhưng hãy nhìn anh xem! Một người đàn ông với cơ thể khỏe mạnh. Anh không thể làm gì để kiếm sống sao? Nếu anh tiếp tục đi con đường này, cuộc sống của anh sẽ bị hủy hoại!”

Khi đến nơi kẻ cướp muốn xuống, nữ tài xế nói với theo: “Nghe này, không phải là anh cướp của tôi, mà là tôi đưa tiền cho anh. Hãy dùng số tiền đó để làm việc đúng đắn và đừng đi ăn cướp nữa”. 

Tên cướp im lặng suốt quãng đường đi đột nhiên nói lớn lên và trả lại tiền cho nữ tài xế: “Chị à, tôi hứa sẽ không lặp lại chuyện này một lần nữa, dù cho bất cứ chuyện gì xảy ra”.

(Sưu tầm)

Xem thêm: