Khi mới chào đời, các em bé hoàn toàn là trong sáng và ngây thơ. Các bé được sống trong môi trường gia đình và xã hội theo thời gian hình thành nhân sinh quan của riêng mình. Khơi gợi lòng tốt, lòng trắc ẩn trong một đứa trẻ là một quá trình quan trọng để giúp trẻ phát triển nhân cách tốt đẹp và trở thành người có trách nhiệm với xã hội. Việc này không chỉ dựa vào giáo dục trong gia đình mà còn cần sự hướng dẫn từ môi trường xung quanh. Các bậc cha mẹ có thể bồi dưỡng một tâm hồn thiện lương trong bé con của mình bằng rất nhiều cách.

long trac an
Khơi gợi lòng tốt, lòng trắc ẩn trong một đứa trẻ là một quá trình quan trọng để giúp trẻ phát triển nhân cách tốt đẹp và trở thành người có trách nhiệm với xã hội. (Ảnh: Shutterstock)

Cha mẹ là tấm gương đẹp đẽ nhất

  • Cha mẹ làm gương: Trẻ con học qua việc quan sát, và cha mẹ là những người ảnh hưởng lớn nhất đến cách cư xử của con. Khi cha mẹ thể hiện lòng tốt qua hành động nhỏ như nhường chỗ cho người già trên xe buýt, lắng nghe và tôn trọng mọi người, con sẽ dễ dàng bắt chước và áp dụng trong cuộc sống hàng ngày.
  • Đối xử tử tế với con: Khi cha mẹ cư xử với con bằng sự tôn trọng, yêu thương và kiên nhẫn, những điều cha mẹ làm sẽ ăn sâu vào tiềm thức của các con và chúng sẽ học cách phản ánh những hành vi đó trong cách đối xử với người khác.

 Giải thích cho con ý nghĩa tuyệt vời của lòng tốt

  • Giúp con hiểu những điều tốt đẹp mà lòng tốt mang lại: Dành thời gian giải thích cho con về tầm quan trọng của việc giúp đỡ người khác và cảm giác hạnh phúc khi làm điều tốt. Sử dụng ngôn từ đơn giản, cụ thể và phù hợp với độ tuổi của con để con dễ hiểu.
  • Kể chuyện hoặc đọc sách về lòng tốt: Các câu chuyện cổ tích, truyện ngụ ngôn và sách dành cho con em chứa đựng nhiều thông điệp về lòng tốt và đạo đức. Những câu chuyện này giúp con hiểu rõ hơn về các hành động tốt và khuyến khích con thể hiện lòng tử tế trong cuộc sống. Tuy vậy, cha mẹ cần thận trọng trong việc lựa chọn truyện đọc, tránh những truyện mang yếu tố tiêu cực trong đó. Đặc biệt cha mẹ nên chọn những câu chuyện về văn hóa truyền thống thường mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc cho con về nhân cách và đạo đức con người. Từ đó giúp các bé hiểu và nhận thức như mưa dầm thấm lâu.
  • Từ những câu chuyện thực tế xung quanh: Cha mẹ có thể kể cho con nghe về những câu chuyện của người thân, bạn bè, mọi người xung quanh những hành động tử tế, để con thấy rằng lòng tốt có thể được thể hiện qua nhiều cách khác nhau.
tai sao chung ta nen song tu te 5
(Ảnh: Prostock-studio/ Shutterstock)

Hướng dẫn con biết đồng cảm

  • Lắng nghe và thể hiện sự quan tâm với con hàng ngày: Khi con cảm thấy được lắng nghe và quan tâm, chúng sẽ dễ dàng học cách đối xử tử tế và lắng nghe người khác. Đây là bước đầu tiên giúp con biết đồng cảm.
  • Hướng dẫn con đặt mình vào vị trí người khác: Dạy con hiểu cảm giác của người khác khi họ gặp khó khăn hoặc đau khổ. Hỏi con những câu như “Con nghĩ bạn sẽ cảm thấy thế nào nếu bị lạc mẹ?”, “Mình giúp bạn tìm mẹ chắc bạn sẽ không khóc nữa”. Biết nghĩ cho người khác là điều cha mẹ nên nhắc nhở các con thường xuyên, để giúp con dần dần biết đồng cảm, từ đó lòng trắc ẩn sẽ được khơi dậy.
long tot den tu nhung dieu binh di
(Ảnh minh họa: Irina Mikhailichenko/ Shutterstock)

Cùng con làm những hành động tử tế nho nhỏ

  • Bắt đầu từ những việc nhỏ: Để khơi gợi lòng tốt, cha mẹ khích lệ con thực hiện những hành động nhỏ như nhường đồ chơi, chia sẻ bánh kẹo với bạn bè, hay tặng sách vở cho những bạn nhỏ gặp khó khăn. Người bạn được chia sẻ sẽ rất vui. Những hành động nhỏ và thái độ của người được nhận sự tử tế đó giúp con hiểu rằng mọi hành động tốt, dù nhỏ, đều có giá trị với mỗi người.
  • Khen ngợi khi con làm việc tốt: Khen ngợi con khi chúng thể hiện lòng tốt, điều này sẽ khích lệ con tiếp tục làm điều tốt. Ví dụ, con biết chăm sóc động vật trong nhà hay làm vườn, chăm sóc cây cỏ. Cha mẹ ghi nhận và động viên giúp cho con cảm thấy mình quan trọng đối với mọi thứ xung quanh mình.
  • Khuyến khích con nói lời xin lỗi khi làm sai: Cha mẹ giúp con nhận biết việc làm của mình là chưa đúng đắn khi nhìn thái độ của người khác, có thể là giận dữ hay buồn bực. Con học cách chịu trách nhiệm khi làm tổn thương người khác, và biết xin lỗi một cách chân thành là một phần của việc thể hiện lòng tốt và biết quan tâm đến cảm xúc của người khác.

Nói cho con nghe về sự đền đáp của lòng tốt

Cho con hiểu rằng lòng tốt của con là xuất phát từ trái tim khi con thấy hạnh phúc vì làm điều đó cho dù con không nhận được điều gì từ đối phương cho dù là nhỏ nhất. Nhưng con thấy vui, đó là điều lớn nhất con nhận lại. Có thể một vài lần con giúp đỡ bạn để bạn chơi với con chẳng hạn. Đó không phải xuất phát từ lòng tốt. Nếu cha mẹ tâm sự hỏi han kịp thời để thấu hiểu cảm nhận của con thì sẽ giúp con hướng đến nhận thức và suy nghĩ đúng đắn.

Việc khơi gợi lòng tốt trong con không phải là một quá trình ngắn hạn mà là một hành trình dài với sự kiên nhẫn và nhất quán. Bằng cách dạy con thông qua hành động thực tế, tạo môi trường tích cực và khuyến khích những hành vi tốt, con sẽ dần học cách trở thành những người tử tế, biết yêu thương và sẻ chia. Lòng tốt không chỉ giúp con trở thành người có nhân cách tốt mà còn góp phần xây dựng một xã hội nhân ái và đoàn kết hơn.

Đăng lại từ website Việt Nam Tươi Đẹp của tác giả Thu Trà

Đăng tải theo sự cho phép của tác giả