Mạng xã hội giúp kết nối con người, giảm cảm giác cô đơn, nhưng cũng tiềm ẩn tác động tiêu cực đến tâm lý. Nghiên cứu cho thấy, việc sử dụng mạng xã hội thường xuyên có thể liên quan đến việc dễ cáu giận, đặc biệt là ở những người hay đăng bài và thảo luận trực tuyến. Vậy làm thế nào để tận dụng lợi ích mà không rơi vào những ảnh hưởng tiêu cực? Chuyên gia sẽ đưa ra câu trả lời.

Mang xa hoi 2
Mạng xã hội giúp kết nối con người, giảm cảm giác cô đơn, nhưng cũng tiềm ẩn tác động tiêu cực đến tâm lý. (Ảnh: Shutterstock)

Có câu: “Nước có thể nâng thuyền, cũng có thể lật thuyền”. Mạng xã hội tuy có thể thúc đẩy sự tương tác giữa con người, giảm bớt cảm giác cô đơn, nhưng sản phẩm của thời đại internet này cũng tồn tại những mặt hạn chế, thậm chí có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tâm lý. Các chuyên gia cho rằng, việc sử dụng mạng xã hội thường xuyên có liên quan đến việc dễ cáu giận, khiến con người trở nên dễ nóng nảy hoặc phiền muộn hơn.

Giáo sư Lynn Zubernis từ Đại học West Chester (Mỹ) đã viết trên trang Psychology Today rằng, so với 30 năm trước, cuộc sống hằng ngày của nhiều người hiện nay đã có những thay đổi đáng kể. Họ dành nhiều thời gian hơn trên mạng để tương tác với người khác hoặc tiếp nhận thông tin. Điều này khiến nhiều người lo ngại rằng việc sử dụng mạng xã hội có thể gây tác động tiêu cực đến sức khỏe tâm lý hay không?.

Giáo sư Zubernis cho biết, đáng tiếc khi câu trả lời cho vấn đề này là “Có”. Các nghiên cứu ban đầu cho thấy, việc sử dụng mạng xã hội với tần suất cao có liên quan đến tình trạng trầm cảm ở thanh thiếu niên và người trưởng thành, đồng thời làm giảm mức độ hạnh phúc chủ quan của họ.

Một nghiên cứu được công bố trong tháng này đã tiến thêm một bước khi phát hiện ra mối quan hệ phức tạp giữa việc sử dụng mạng xã hội và một vấn đề quan trọng khác về sức khỏe tâm lý – đó là sự dễ cáu giận.

Sự dễ cáu giận được định nghĩa là một trạng thái lo âu tiêu cực, đặc trưng bởi quá trình suy nghĩ mang tính tiêu cực, khiến con người dễ tức giận hoặc phiền muộn hơn. Nó có thể khiến một người cảm thấy khó kiểm soát cảm xúc và dễ có phản ứng tiêu cực ngay cả trước những kích thích rất nhỏ.

Sự dễ cáu giận có thể ảnh hưởng đến các chức năng trong cuộc sống hằng ngày, đặc biệt là các mối quan hệ xã hội và thành công trong sự nghiệp. Mức độ dễ cáu giận cao cũng có liên quan đến những hậu quả nghiêm trọng hơn, bao gồm hành vi bạo lực và nguy cơ xuất hiện ý định tự sát.

Nghiên cứu này cho thấy rằng, việc thường xuyên sử dụng mạng xã hội có liên quan rõ rệt đến mức độ dễ cáu giận gia tăng, đặc biệt là ở những người thường xuyên đăng bài.

Hiện tượng này tuân theo một mối quan hệ liều – phản ứng (dose-response relationship), tức là thời gian dành cho mạng xã hội càng nhiều – đặc biệt là khi thường xuyên đăng bài và tham gia tích cực – thì con người càng dễ cảm thấy nóng nảy. Mối liên hệ này càng rõ rệt hơn ở những người dành phần lớn thời gian trong ngày để sử dụng mạng xã hội.

Ngoài ra, khi một người thường xuyên tham gia thảo luận chính trị trực tuyến (không chỉ đơn thuần đọc tin tức thụ động, kể cả tin tức chính trị), mối quan hệ giữa việc sử dụng mạng xã hội và sự dễ cáu giận càng trở nên mạnh mẽ hơn. Dù một người có quan tâm đến chính trị hay không, mức độ đăng bài và thảo luận tích cực về chủ đề này vẫn có liên quan đến việc dễ cáu giận.

Nghiên cứu này đã xem xét cẩn thận các triệu chứng khác liên quan đến sức khỏe tâm lý, bao gồm trầm cảm và lo âu. Tuy nhiên, đây chỉ là một nghiên cứu tương quan, không thể chứng minh mối quan hệ nhân quả giữa việc sử dụng mạng xã hội và sự dễ cáu giận. Nó chỉ cho thấy rằng việc sử dụng mạng xã hội có liên quan đến mức độ dễ cáu giận ở một mức độ nhất định.

Dĩ nhiên, mạng xã hội cũng mang lại những lợi ích nhất định cho sức khỏe tâm lý. Vậy làm thế nào để tận dụng những lợi ích đó mà vẫn hạn chế tác động tiêu cực của sự cáu giận lên các mối quan hệ xã hội và sự thành công trong cuộc sống? Nghiên cứu này đưa ra một số gợi ý hữu ích.

Giáo sư Zubernis cho rằng, tần suất và thời gian sử dụng mạng xã hội đóng vai trò rất quan trọng. Thay vì liên tục kiểm tra mạng xã hội mỗi vài phút một lần trong suốt cả ngày, tốt hơn là nên dành ra một khoảng thời gian nhất định (hoặc vài lần trong ngày) để sử dụng mạng xã hội một cách có kiểm soát.

Nghiên cứu cho thấy rằng khi chúng ta chủ động lựa chọn sử dụng mạng xã hội vào thời gian rảnh rỗi và có thể tận hưởng nó mà không cảm thấy áy náy, thì lợi ích đối với sức khỏe tâm lý sẽ lớn nhất.

Việc dành thời gian thư giãn trên mạng xã hội, chẳng hạn như trò chuyện với người khác hoặc xem video của các influencer, có thể giúp giảm căng thẳng và tăng cảm giác hạnh phúc.

Giáo sư Zubernis cũng đưa ra một số lời khuyên về cách sử dụng mạng xã hội hiệu quả. Bạn có thể chủ động tìm kiếm những người có cùng sở thích trực tuyến. Quan trọng là phải cân nhắc thời gian sử dụng và tránh kéo dài quá mức. Nếu cần thiết, bạn có thể đặt hẹn giờ hoặc sử dụng các công cụ quản lý thời gian để giới hạn thời gian truy cập mạng xã hội.

Bà nhấn mạnh rằng mạng xã hội là một công cụ dành cho giải trí, giao tiếp và cập nhật tin tức. Giống như bất kỳ công cụ nào khác, chúng ta cần sử dụng nó một cách khôn ngoan.

Trúc Nhi biên dịch
Theo The Epochtimes