Một số cách dưỡng thận vào mùa đông và bồi bổ nguyên khí
Mùa đông là thời điểm lý tưởng để chăm sóc sức khỏe và củng cố nền tảng cơ thể. Theo y học cổ truyền, bổ thận và điều hòa thận khí không chỉ giúp tăng cường nguyên khí mà còn tạo tiền đề cho sức khỏe trong những mùa tiếp theo.
Đông y nhấn mạnh rằng việc dưỡng sinh cần tuân theo thời tiết tự nhiên. Hiện nay đã vào mùa đông, và dưỡng sinh mùa đông cần tập trung vào việc bổ thận, vì thận có mối liên hệ với mùa đông. Bổ sung thận khí tốt không chỉ đặt nền tảng cho sức khỏe tổng thể mà còn giúp cơ thể tràn đầy sinh khí vào mùa xuân, giảm nguy cơ mắc bệnh. Vậy làm thế nào để bảo vệ và dưỡng thận khí thông qua các khía cạnh ăn uống, mặc, ở, đến sinh hoạt hàng ngày?
Bổ thận, giúp ngăn ngừa bệnh tật vào mùa xuân năm sau
Thận được xem là gốc của cơ thể, liên quan mật thiết đến quá trình sinh trưởng, phát triển, lão hóa và bệnh tật của con người. Do đó, điều hòa thận khí và bảo vệ thận tinh là phương pháp dưỡng sinh vô cùng quan trọng.
Theo ghi chép trong ‘Hoàng Đế Nội Kinh’: “Xuân dưỡng gan, hạ dưỡng tâm, thu dưỡng phổi, đông dưỡng thận”, nhấn mạnh rằng việc dưỡng sinh cần tuân theo thời tiết, bảo vệ các tạng phủ dựa trên sự thay đổi của bốn mùa. Hiện tại, tiết đầu đông là thời điểm lý tưởng để bắt đầu bổ thận, vì mùa đông tương ứng với tạng thận.
‘Nội Kinh’ còn viết: “Ba tháng mùa đông là thời điểm khép kín, cất trữ. Nước đóng băng, đất nứt nẻ, không được quấy rối dương khí. Nên ngủ sớm dậy muộn, đợi có ánh sáng mặt trời rồi mới hoạt động. Tâm thái cần yên tĩnh, không bộc lộ cảm xúc thái quá, giữ cơ thể ấm áp, tránh để lạnh xâm nhập, không làm tổn hại đến khí bên trong. Đây là cách ứng phó với khí mùa đông, đồng thời là nguyên tắc dưỡng sinh và bảo vệ cơ thể. Nếu làm trái ngược, sẽ làm tổn thương thận, đến mùa xuân dễ mắc các bệnh yếu sức, sinh lực kém.”
Hiểu một cách đơn giản, cơ thể con người vào mùa đông rất dễ bị xâm nhập bởi hàn khí, làm tổn hại đến dương khí. Do đó, trong ba tháng mùa đông, cần biết cách “phong tàng tinh khí” tức là cất giữ và bảo tồn nguồn năng lượng chính, để tránh khi mùa xuân đến, chính khí trong cơ thể không đủ, dẫn đến cảm giác suy nhược, hoạt động yếu, thậm chí dễ mắc bệnh.
Đông y cũng có câu: “Đông không cất giữ tinh khí, xuân ắt mắc bệnh nhiệt”. Đây chính là đạo lý của dưỡng sinh mùa đông.
Bảo vệ thận tinh vào mùa đông và những lưu ý chăm sóc hàng ngày
Dưới đây là các điểm cần lưu ý trong việc dưỡng thận tinh thông qua chế độ ăn uống, mặc, ở, và đi lại hàng ngày:
Chế độ ăn uống
– Khi thức dậy, hãy uống từ 150–300ml nước ấm khoảng 40°C để thúc đẩy tuần hoàn và hỗ trợ quá trình trao đổi chất.
– Bổ sung dưỡng chất từ thực phẩm tự nhiên, nhưng cần tránh ăn quá nhiều thực phẩm béo, đồ ngọt, đồ sống lạnh và thức uống lạnh để không làm tổn thương tỳ vị.
– Ưu tiên các thực phẩm ấm và bổ thận khí như hà thủ ô, mè đen. Bạn cũng có thể sử dụng các món dược thiện để tăng cường chăm sóc sức khỏe, chẳng hạn như sườn hầm thuốc bắc hay canh thịt dê hầm gừng và đương quy.
Trang phục
– Giữ ấm cơ thể, tránh để lạnh xâm nhập, đặc biệt chú ý giữ ấm các vùng nhạy cảm như đầu, lưng, đầu gối và bàn chân.
Nơi ở
– Giữ không gian trong nhà ấm áp, thông thoáng khí, đảm bảo môi trường sống dễ chịu và khỏe mạnh.
Giấc ngủ
– Tuyệt đối không thức khuya. Trước khi đi ngủ, ngâm chân bằng nước ấm khoảng 40°C trong 15 phút để thúc đẩy tuần hoàn máu và cải thiện chất lượng giấc ngủ.
Ra ngoài
– Nên chờ đến khi có ánh nắng buổi sáng mới ra ngoài hoạt động để tránh khí lạnh gây ra các vấn đề tim mạch.
Tập luyện
– Tránh vận động quá mạnh, nên tập thể dục vừa sức và đúng thời điểm.
– Lưu ý phòng ngừa chấn thương khi vận động: khởi động kỹ trước khi tập và thực hiện động tác thả lỏng cơ sau khi kết thúc.
Ngoài ra, để “bảo tồn” dương khí vào mùa đông, khuyến nghị đến các bác sĩ đông y có chuyên môn để áp dụng liệu pháp Tam Cửu Thiếp vào thời điểm gần Đông Chí. Phương pháp này giúp loại bỏ khí hàn ẩm trong cơ thể, cải thiện tình trạng đau đầu, mệt mỏi, đau nhức khớp, lạnh tay chân, đau lưng, mỏi gối, đau bụng, tiêu chảy, đồng thời tăng cường hệ miễn dịch.
Điều chỉnh và bảo vệ thận khí
Massage 4 huyệt vị sau để bổ sung thận khí và bảo vệ nguyên khí.
- Huyệt Bách Hội
Vị trí: Trên đường chính giữa đỉnh đầu, cách mép trước chân tóc 5 thốn ( 1 thốn khoảng 3,3 cm), nằm ở điểm cao nhất giữa hai tai khi kéo thẳng lên.
Tác dụng: Huyệt Bách Hội là nơi hội tụ khí lưu toàn thân, còn được gọi là huyệt vạn năng. Xoa bóp huyệt này và khu vực xung quanh thường xuyên giúp an thần, hỗ trợ giấc ngủ, phòng chống chóng mặt, giảm mệt mỏi, làm dịu các triệu chứng mãn kinh, điều hòa thần kinh tự chủ và cải thiện tuần hoàn khí huyết.
- Huyệt Dũng Tuyền
Vị trí: Nằm giữa ngón thứ hai và thứ ba, 1/3 phần phía trên của lòng bàn chân, tại vị trí lõm xuống.
Tác dụng: Xoa bóp hoặc ngâm chân bằng nước ấm để kích thích huyệt Dũng Tuyền giúp tăng cường tuần hoàn, giảm phù nề và mệt mỏi, cải thiện giấc ngủ, nuôi dưỡng tóc, giảm đau hiệu quả.
- Huyệt Thái Khê
Vị trí: Nằm ở điểm lõm giữa mép trong của mắt cá chân và gân gót chân (gân Achilles).
Tác dụng: Huyệt Thái Khê là nguồn gốc của kinh mạch thận và là huyệt vị quan trọng để bổ thận. Nó có tác dụng kích thích, điều hòa thận khí và nuôi dưỡng dịch âm trong cơ thể. Xoa bóp huyệt này giúp giảm ù tai, mất thính lực, kinh nguyệt không đều, mất ngủ, suy giảm trí nhớ, di tinh, liệt dương, đi tiểu nhiều lần, mang lại hiệu quả bổ âm và bổ thận.
- Huyệt Thận Du
Vị trí: Ở vùng lưng dưới, đối diện trực tiếp với rốn, cách cột sống khoảng hai ngón tay về hai bên.
Tác dụng: Huyệt Thận Du là nơi khí của thận được phân phối ra bề mặt cơ thể. Xoa bóp hoặc chườm ấm huyệt này giúp bổ thận, trợ dương, điều chỉnh chức năng sinh sản, giảm mệt mỏi, cải thiện đau lưng, bệnh thận và cao huyết áp.
Trúc Nhi biên dịch
Theo The Epoch Times
Từ khóa dưỡng thận bồi bổ nguyên khí mùa đông