‘Chính người mẹ mới làm nên thiên tài’ – Kỳ 2: Albert Einstein
- Trần Hưng
- •
Rất nhiều nhà bác học hàng đầu trên thế giới, cha đẻ của các ngành khoa học, thế nhưng khi đi học đều đứng chót lớp, nhà trường chối bỏ, bị thầy giáo đánh giá là “dốt” và “rồi sẽ chẳng làm được trò trống” gì.
Vậy điều gì đã giúp họ trở thành thiên tài làm thay đổi cả thế giới? Đó chính là gia đình, là chiếc nôi nâng đỡ những tài năng.
Albert Einstein – Sợ phải đến trường
Albert Einstein là một trong những nhà khoa học vĩ đại nhất của nhân loại, người khai sinh ra “Thuyết tương đối”. Ông được mệnh danh là “Người đàn ông thông thái nhất thế giới”, “Người đàn ông của thế kỷ”, “Tri thức lỗi lạc nhất trong lịch sử”.
Ông được sinh ra trong một gia đình gốc Do Thái bên bờ sông Đanuyp thuộc Ulm, bang Wurttemberg, nước Đức.
Thế nhưng, thời thơ ấu Einstein là một đứa trẻ kém phát triển. Trong lúc những đứa trẻ lên 3 khác đều chơi đùa vui vẻ thì cậu bé Einstein gần như không bộc lộ cảm xúc gì, thậm chí cậu còn không biết nói. Ngay cả khi em gái Einstein sinh ra và có thể trò chuyện cùng bố mẹ thì cậu vẫn chỉ lắp bắp vài từ rời rạc không rõ ý nghĩa. Đến nỗi năm lên 4 tuổi, bố mẹ đã phải đưa cậu đi khám bệnh. Và Einstein có tật trước khi nói đều tự lẩm nhẩm vài lần trong miệng, đến mức người ta đều gọi cậu là “Thằng đần”.
Cũng như Edison, trường học trở thành nơi ám ảnh, là ký ức không mấy tốt đẹp của Einstein, cậu thường trở thành trò cười cho chúng bạn, thầy cô giáo cũng không mấy thiện cảm với cậu bé chậm chạp và hay đặt ra những câu hỏi vô nghĩa.
Trước những lời chê bai châm chọc ấy, cậu bé dần trở nên sợ hãi việc đến trường, và thực sự tin rằng mình chỉ là một đứa ngốc.
>>12 câu chuyện thú vị về thiên tài lập dị Bill Gates
Pauline Einstein – người mẹ thầm lặng của thiên tài vĩ đại
Trước hoàn cảnh giáo dục như thế, Einstein rất buồn tủi. Cậu trở nên sợ phải đến trường, sợ phải đối mặt với các thầy cô và bạn bè. Cậu cũng cho rằng mình đúng là đứa trẻ ngốc nghếch thật sự.
May mắn thay, cũng như Edison, cậu bé Einstein có một người mẹ tuyệt vời, bà Pauline Einstein (nhũ danh là Koch) phải đóng hai vai trò: vừa là người mẹ , vừa là cô giáo giảng dạy cho Einstein. Là người trầm tĩnh, có nền tảng văn hóa vững vàng, bà chính là người hướng dẫn và giúp con trai làm quen với những kiến thức đầu đời, là nền móng vững chắc cho những hiểu biết vượt bậc của cậu sau này.
Bỏ qua tất cả các lời gièm pha về con mình, bà Koch không ngừng động viên và bỏ công giúp con mình tìm hiểu các kiến thức của nhân loại: Toán học, vật lý, triết học và cả nghệ thuật.
Nhận được sự ủng hộ của mẹ, Einstein vượt qua sự sợ hãi để tiếp tục đến trường. Mọi cố gắng của bà Koch đã không uổng phí khi Einstein đã vượt qua hết lớp này đến lớp khác để vào đến năm cuối cùng bậc trung học.
Từ “thằng đần” luôn đứng chót lớp thành nhà bác học lỗi lạc nhất lịch sử
Thế nhưng, vào năm cuối trung học Eistein bị đuổi học vì hay đưa ra những câu hỏi rất lạ như: Tại sao kim nam châm lại chỉ về hướng Nam? Thời gian là gì? Không gian là gì?… Mọi người đều cho rằng cậu bé này là người đầu óc có vấn đề. Thành tích học tập của cậu là luôn đứng chót lớp.
Thầy Hiệu trưởng trường Einstein theo học cũng quả quyết với cha cậu rằng “thằng bé này mai sau lớn lên sẽ chẳng làm được gì đâu”.
Bị đuổi học, Einstein cùng gia đình sang Milan để xin học tiếp. Năm 1896, Einstein học trung học tại trường Aarau.
Đến năm 1905, Einstein đã đăng bài nghiên cứu về “nền tảng cơ bản lý thuyết tương đối”, từ đây tên tuổi của Einstein ngày càng nổi tiếng trong giới khoa học. Những bạn học và thầy cô giáo trước đây từng xem ông là “thằng đần”, xem ông là đối tượng chọc phá, cùng lời gièm pha “sẽ chẳng làm được gì đâu” thì nay đều tròn mắt ngạc nhiên trước tài năng của ông, tài năng của cha đẻ ngành vật lý hiện đại cùng những phát minh thay đổi lịch sử khoa học thế giới.
Nếu không có sự quan tâm nâng đỡ của gia đình, thì trên thế giới đã không có những thiên tài như Edison, Einstein, và lịch sử khoa học thế giới có thể đã đi theo một chiều hướng khác.
Trần Hưng
Xem thêm:
Từ khóa Tình mẹ bác học thiên tài Albert Einstein