Rất nhiều thiên tài trên thế giới từ trước đến nay thành công được đều nhờ sự quan tâm giáo dục từ gia đình.

Rất nhiều nhà bác học hàng đầu trên thế giới, cha đẻ của các ngành khoa học, thế nhưng khi đi học đều đứng chót lớp, nhà trường chối bỏ, bị thầy giáo đánh giá là “dốt” và “rồi sẽ chẳng làm được trò trống” gì.

Vậy điều gì đã giúp họ trở thành thiên tài làm thay đổi cả thế giới? Đó chính là gia đình, là chiếc nôi nâng đỡ những tài năng.

Thomas Edison – Đứa trẻ yêu thích khám phá

Thomas Edison – nhà bác học lừng danh thế giới.

Thomas Edison là nhà bác học lừng danh thế giới, hầu như ai cũng biết đến tên tuổi của ông, chiếc đèn điện mà ông sáng chế vẫn được sử dụng đến ngày nay. Nhưng không phải ai cũng biết rằng ông không hề đến trường, thành công của ông đến từ người mẹ thiên tài của mình là bà Nancy Elliott Edison.

Chuyện kể rằng lúc mới chào đời, cơ thể Edison rất gầy gò nhưng đầu ông lại to bất thường, đến nỗi bác sĩ đỡ đẻ chẩn đoán rằng ông mắc chứng viêm não bẩm sinh.

Tuy thế, Edison lại rất thích tìm tòi, đụng cái gì cũng hỏi tại sao. Ví dụ như: Tại sao không thể lấy những chớp điện trong đêm tối để chiếu sáng cho mọi người? Tại sao đồng hồ có thể chạy liên tục mà không nghỉ?

Trong khi bố và các anh chị rất bực mình trước những câu hỏi này, thì mẹ ông vốn từng là giáo viên nên hiểu được tâm lý của con trẻ, bà luôn tìm những câu trả lời khoa học nhất cho con trai mình.

Một lần, Edison hỏi bố: “Tại sao gió thổi vậy hả bố?”

Bố trả lời: “Edison, bố không biết”.

Edison lại hỏi: “Sao bố lại không biết?”

Bố đáp: “Con đi hỏi mẹ đi”.

Sau đó, Edison liền đi hỏi mẹ. Thay vì khó chịu, bà Nancy kiên nhẫn giải thích cho con nguyên nhân gió thổi. Sau đó, bà Nancy bảo chồng rằng không thể cứ nói với con là không biết được. Dù Edison đặt câu hỏi như thế nào, Nancy cũng đều kiên nhẫn trả lời. Sự kiên nhẫn đó đã dẫn dắt và khơi mở trí tò mò của Edison, đó cũng chính là nền tảng cho ra đời những phát minh vĩ đại sau này.

>>Cậu bé thiên tài 12 tuổi vào đại học, muốn lấy bằng tiến sĩ năm 18 tuổi

Bị đuổi học vì “thiểu năng trí tuệ” và bước ngoặt cuộc đời

Không ai ngờ một ngày “cậu học trò dốt” Edison lại làm nên lịch sử.

Năm lên 7 tuổi, Edison đến học ở trường học duy nhất trong vùng, sau một thời gian ngắn học tập, Edison được xếp ngồi ở bàn học đầu tiên, nơi được xem là dành cho những học sinh dốt nhất.

Trong lớp học Edison vẫn luôn theo thói quen đặt câu hỏi cho thầy giáo, vì thế cậu bé thường bị cho là không hiểu bài và kém nhất lớp.

Một lần thầy giáo giảng “2+2=4”, trong khi các học sinh khác đều chú ý nghe giảng thì Edison lại hỏi lại thầy:

– Thưa thầy, tại sao 2 cộng 2 lại bằng 4 ạ?

Thầy giáo không trả lời được, đành nói:

– 2 cộng 2 thì bằng 4, nó không thể bằng cái khác được, không bằng 4 chẳng lẽ bằng 5?

Edison đương nhiên rất không thoả mãn với câu trả lời của thầy. Cậu rất muốn làm rõ bí mật của các con số. Nghĩ ngợi một hồi, cậu bất giác lại hỏi thầy?.

– Tại sao 2 cộng 2 không thể bằng 5, thưa thầy?

Thầy giáo tức tối quát lại Edison là “đồ ngu”, rồi đánh giá Edison bị “thiểu năng trí tuệ” đồng thời báo cáo lên đốc học.

Thầy giáo cũng mời bà Nancy đến trường rồi cho bà biết: “Thằng bé Edison này chẳng chăm chỉ gì cả, suốt ngày đặt những câu hỏi vớ vẩn. Giờ toán mấy hôm trước, nó còn hỏi tôi tại sao 2+2=4. Chị xem thế chẳng phải vớ vẩn là gì?. Tôi thấy thằng bé này dốt quá, giữ lại trường chỉ tổ cản trở các em khác, chị cho nó nghỉ học đi”.

Bà Nancy cảm thấy phương pháp giáo dục của thầy giáo không đúng, bà đề nghị thầy cần nắm rõ hơn tính cách từng học sinh.

Thế nhưng thầy giáo đùng đùng nổi giận: “Tôi chỉ biết dạy sách, không biết tính cách quái quỷ gì cả”.

Bà Nancy đáp lại rằng: “Tôi thì nghĩ Alva (tên khác của Edison) thông minh hơn hết thảy những đứa trẻ cùng tuổi. Tôi sẽ tự dạy Alva của tôi. Nó cũng không cần phải ở đây nữa.”

Thế là Edison chấm dứt việc đến trường, thời gian cậu đến trường học chỉ vọn vẹn đúng 3 tháng.

>>25 câu nói của Albert Einstein cho thấy tư duy một thiên tài

Tình yêu người mẹ góp phần làm nên thiên tài thay đổi cả thế giới.

“Người tạo nên tôi chính là mẹ” – Thomas Edison

Sau khi về nhà, bà Nancy nói với con rằng: “Thầy nói con thiểu năng trí tuệ nhưng mẹ không nghĩ như vậy. Từ ngày mai, con không cần đến trường. Hôm nay, mẹ đã thề trước mặt thầy giáo: nhà trường coi con là trẻ thiểu năng, không dạy được, vậy thì mẹ sẽ ở nhà dạy cho con. Edison, hôm nay mẹ cũng thề với con. Mẹ đã quyết tâm, dù thế nào mẹ cũng phải giúp con trở thành nhân vật hàng đầu thế giới. Con có dám thề như vậy không?”

Về sau Edison nhớ lại:

“Cuối cùng tôi phát hiện ra rằng mẹ mình thân yêu biết bao. Bà dẫn tôi tới trường, khiển trách ông thầy nọ ăn nói hồ đồ. Bà là người ủng hộ tôi nhất lúc bấy giờ, lúc ấy, tôi hạ quyết tâm rằng mình sẽ không bao giờ phụ lòng mẹ, nhất định phải để bà thấy được niềm tin mà bà dành cho tôi đã không nhầm”.

Từ đó ngoài việc lo cho gia đình, bà Nancy lo cả việc học của con. Bà hiểu tính cách con, theo xu thế phát triển tự nhiên của con mà dạy học tiếng Anh, toán học, lịch sử và các cuốn sách phổ cập kiến thức khoa học khác, để cậu bé tiếp cận với tri thức của mọi phương diện.

Khi Edison 11 tuổi, cậu đã đọc hết các tác phẩm nổi tiếng “Lịch sử La Mã”, “Lịch sử Anh Quốc”, “Robinson phiêu lưu ký”, “Thế giới bi thảm”,v.v. Thậm chí cậu còn đọc các trước tác khoa học của Newton và Faraday và các tác phẩm phổ cập tri thức vật lý, hoá học. Sự giáo dục của người mẹ đã gợi mở trái tim bé nhỏ non nớt của cậu bé. Cậu thích nhất làm thí nghiệm hóa học và dần trở thành một người say mê thí nghiệm. Cậu tích cóp số tiền lẻ mà thỉnh thoảng cha cho mua quà vặt để mua các dược phẩm hoá học; lại đem về hơn 200 chiếc lọ, làm thành một “phòng thí nghiệm” ở trong tầng hầm nhà mình. Hàng ngày, cậu bé đều làm việc tới khuya.

Sự giáo dục và kỳ vọng của người mẹ đối với con trai đã không uổng phí. Năm 23 tuổi, Edison phát minh ra chiếc máy in, lúc này danh tiếng mới nổi như cồn.

Từ 1872 đến 1875, Edison lần lượt phát minh ra hàng loạt máy móc: máy điện báo tự động, máy phát báo nhị trùng, tứ trùng và lục trùng và máy đánh chữ tiếng Anh. Sau đó, anh lại tiếp tục phát minh ra máy quay đĩa, bóng điện, điện thoại, bình tích điện, phim… Trong cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật của thời đại điện khí hoá, anh đã có những cống hiến to lớn cho nhân loại.

Sau những phát minh của mình Edison nói rằng:

“Người tạo nên tôi chính là mẹ”.

Năm 1922, tờ “Times” ở New York tổ chức một cuộc bình chọn cho độc giả, khi đó Thomas Alva Edison được bầu làm người đứng đầu trong 12 vĩ nhân của nước Mỹ, bởi cứ 11 ngày ông cho ra đời một phát minh mới.

Tạp chí Life đã đưa Edison vào danh sách “100 người quan trọng nhất trong 1.000 năm qua” với ghi chú: Bóng đèn của ông đã chiếu sáng thế giới.

(Còn tiếp)
Trần Hưng

Xem thêm: