Người phụ nữ 40 năm sinh sống một mình trên hòn đảo xa xôi nhất hành tinh
- Xuân Lâm
- •
Với tình yêu mãnh liệt dành cho động vật hoang dã, bà Zoe Lucas đã quyết định dành phần lớn cuộc đời sinh sống trên một trong những hòn đảo xa xôi nhất hành tinh ngoài khơi của Canada.
Theo tờ MailOnline Travel, bà Lucas là một nhà tự nhiên học, là cư dân của thành phố Halifax. Lần đầu tiên bà tới thăm đảo Sable là vào năm 1971, khi ấy bà mới 21 tuổi và đang theo học ngành chế tác vàng. Nhưng bởi tình yêu mãnh liệt với động vật hoang dã trên đảo, đặc biệt là những chú ngựa, nên bà đã quyết định đến nơi này.
Bà rất yêu thích công việc của một nhà tự nhiên học, bà đã thích nghi với cuộc sống một mình ở trên đảo Sable nên bà hoàn toàn không cảm thấy đơn độc.
Hiện tại bà Zoe Lucas 67 tuổi, và đã dành hơn 40 năm sinh sống trên đảo Sable, một hòn đảo có hình dạng giống như một nụ cười khổng lồ dài 42km (26 dặm) ở ngoài khơi Canada, nhiệt độ trung bình trong năm ở hòn đảo này khoảng 18,6 độ C.
Đảo Sable có hình lưỡi liềm, chiều dài 26 dặm và điểm rộng nhất là 0,93 dặm. Nó được xem là thuộc Halifax, mặc dù nằm cách lục địa Nova Scotian 190 dặm. Mỗi năm, đảo Sable bị sương mù bao phủ trong khoảng 125 ngày và nơi đây tiềm ẩn một mối nguy về vận tải hàng hải. Ngày 20/6/2013, đảo Sable đã trở thành Khu Bảo tồn Quốc gia.
Đảo Sable chỉ có thể được tiếp cận bằng tàu thuyền hoặc máy bay. Nơi đây có hàng trăm con ngựa hoang sinh sống tự do, và nhiều người cho rằng loài động vật này đã được đưa đến hòn đảo để giúp con người canh tác khi họ cố gắng xây dựng một khu định cư mới vào đầu thế kỷ 18, sau này chúng tham gia hỗ trợ công tác cứu hộ.
“Dân đảo” cùng sinh sống với bà Zoe Lucas trên dải đất này là 400 chú ngựa, 300.000 hải cẩu xám cùng 350 loài chim.
Những công cụ thiết yếu của bà gồm sổ tay ghi chép, ống nhòm quan sát động vật hoang dã trên các bãi cát dọc bờ biển. Bà chia sẻ rằng đôi khi nhìn qua ống nhòm bà thấy có những thứ gì đó khá kỳ lạ, và chúng có thể là một cái chân giả, hoặc một số thứ kỳ quái nổi lên bờ mà thôi.
Nơi đây được gọi là “nghĩa trang của Đại Tây Dương” với hơn 300 con tàu đắm. Một trong những vụ đắm tàu xảy ra gần đây nhất là vào năm 1981. Môi trường nơi đây tuy khắc nghiệt, nhưng nó không ngăn cản được bà quay trở lại hòn đảo này và biến nó trở thành quê hương thứ hai của bà.
Hiện tại, bà Lucas đang sống ở một ngôi nhà gỗ nép mình trong những cồn cát. Ngôi nhà đơn giản này được Cơ quan khí tượng Canada xây dựng trong những năm 1940 và hiện nay do Parks Canada điều hành. Cứ hai tuần một lần, nhu yếu phẩm và những vật dụng cần thiết lại được vận chuyển tới cho bà bằng máy bay. Mọi người hợp tác cùng đều rất tôn trọng bà.
Greg Stroud, một điều phối viên điều hành, nói với MailOnline Travel: “Bà Zoe là một phụ nữ tuyệt vời và đã cống hiến cuộc đời của mình cho đảo Sable. Đôi khi bà ấy trở về thăm nhà của mình ở Halifax, nhưng dường như nơi đây mới chính là ngôi nhà thực sự của bà.”
Greag Stroud cũng cho hay bà Zoe đã làm việc rất sát sao với Parks Canada để họ có thể cộng tác trong nhiều dự án.
Anh nói tiếp: “Bà Zoe là một người có lối sống khép kín, bởi vậy không có gì ngạc nhiên khi bà dành phần lớn thời gian của cuộc đời sống một mình ở đảo này.”
Trong một chuyến viếng thăm đảo Sable với đoàn thám hiểm Adventure Canada, bà Lucas đã nói về một số hoạt động khoa học mà bà đang thực hiện.
Cảm phục trước những gì bà Lucas đã và đang làm, Tổ chức phi lợi nhuận Friends of Sable Island Society đang nỗ lực gây quỹ để giúp nâng cao nhận thức của công chúng về địa điểm ít được biết đến này.
Bà cũng giúp đỡ nhân viên của trạm khí tượng và thu thập mảnh vụn và rác rưởi trôi dạt trên biển để giúp theo dõi mức độ ô nhiễm của đại dương. Bà thường vớt được xác của bóng bay và rửa sạch chúng. Ngoài ra, bà còn vớt được một túi thuốc phiện, một chiếc tủ lạnh và vài thùng ớt tươi dạt vào bờ.
Mặc dù đảo Sable có một chút hoang vắng với những câu chuyện về các con tàu đắm và những câu chuyện ma quái xung quanh hòn đảo, nhưng với bà Lucas thì nơi đây lại là một thiên đường thánh khiết. Stroud trầm ngâm nói: “Lucas nói rằng bà ấy sẽ ở lại hòn đảo đến chừng nào có thể.”
Theo Daily Mail
Xuân Lâm
Xem thêm:
Từ khóa Bảo vệ động vật Yêu động vật hòn đảo đơn độc Canada phụ nữ