Đời người là một hành trình không ngừng thay đổi và tiếp nối. Chỉ khi học được cách cam lòng buông bỏ những điều dư thừa, ta mới có thể nhìn xa và thấy rõ tương lai phía trước.

New Project 35 1
‘Ôm giữ’ là một loại trạng thái, ‘buông’ là một loại trí tuệ. (Ảnh minh họa: Shutterstock)

Những gì tưởng như bị ‘đánh mất’ lại chính là một dạng ‘nhận lại’ vô hình 

Chúng ta thường chỉ quan tâm đến việc có được điều gì mà quên mất rằng vì không thể buông bỏ nên đã vô tình đánh mất nhiều thứ. Nhưng muốn nhận được trước tiên phải biết cho đi — không thể gặt hái nếu chưa từng gieo trồng.

Ở một ngôi làng nọ, mỗi khi vào mùa hồng chín rộ, dân làng không bao giờ hái sạch toàn bộ quả trên cây. Họ luôn để lại một ít: phần là để người qua đường giải khát, phần là dành cho chim muông làm thức ăn qua mùa đông.

Người đi đường vào thôn trang nghỉ ngơi sẽ ăn cơm hoặc ngủ lại qua đêm, từ đó góp phần thúc đẩy sự phát triển của địa phương. Còn chim chóc thì ăn sâu trên cây, giúp cây hồng khỏe mạnh hơn, năm sau lại cho nhiều trái ngọt.

Buông bỏ, thoạt nhìn như là mất đi nhưng thực chất lại là một sự hồi đáp vô hình. Cuộc sống cũng vậy: buông danh lợi thì lòng được tĩnh lặng; buông sĩ diện thì lý lẽ được sáng tỏ; buông dục vọng thì tâm hồn trở nên thanh đạm; xả lợi ích thì mới có thể sống thật lòng.

Ôm giữ là trạng thái thường tình của con người. Nhưng buông bỏ lại chính là nhận, nhận cũng là buông. Buông cái nhỏ sẽ được cái nhỏ, buông cái lớn sẽ được cái lớn. Không thể buông, thì cũng chẳng thể có được.

Chỉ khi buông bỏ những điều khiến lòng không yên, con đường phía trước mới trở nên rộng mở hơn.

Trong ‘Truyền gia bảo’ thời nhà Thanh có viết: “Người yên chưa chắc bằng lòng yên, lòng rộng thì như nhà rộng”. Lòng có rộng thì đường mới rộng. Lòng chật hẹp thì đường cũng sẽ hẹp lại.

Chỉ khi mở rộng tấm lòng và buông bỏ giới hạn của chính mình, cả thế giới mới có thể rộng đường mà nhường chỗ cho ta.

Có một giai thoại trong Lậu thất minh (Ngôi nhà tranh rách) kể về một câu chuyện như sau:

Sau khi thất bại trong cải cách “Vĩnh Trinh cách tân”, Lưu Vũ Tích bị giáng chức, từ một đại thần triều đình trở thành viên quan nhỏ nơi biên ải. Quan tri huyện địa phương tìm mọi cách gây khó dễ ép ông rời khỏi nha môn, phải chuyển về sống ở vùng đất hẻo lánh phía nam thành.

Không ngờ, Lưu Vũ Tích không những không tức giận mà còn cảm thấy vui vẻ, cho rằng nơi ấy gần sông, cảnh sắc nên thơ. Ông đặt tên chốn ở là “Bườm Trắng” và viết một đôi câu đối treo trước cửa nhà.

Quan huyện biết chuyện thì tức giận, lại tiếp tục ép ông dọn đến khu phía bắc thành – nơi chật hẹp hơn nữa. Nhưng trong mắt Lưu Vũ Tích tuy căn phòng nhỏ bé nhưng lại tọa lạc bên sông, bờ liễu rì rào, phong cảnh hữu tình chẳng kém gì nơi ở cũ.

Lần này, tri huyện nổi giận đùng đùng, cuối cùng đẩy ông đến một góc tù túng nhất trong thành – nơi không có sông, không có liễu, chẳng còn phong cảnh gì cả. Căn nhà chỉ vỏn vẹn một cái bàn, một chiếc ghế và một chiếc giường.

Vậy mà Lưu Vũ Tích vẫn bình thản không hề phàn nàn nửa lời. Ông ung dung cầm bút viết xuống: “Núi dẫu không cao, có tiên nên danh
Sông dẫu không sâu, có rồng nên linh. Căn nhà thô lậu, đức ta tỏa ngời
.

Chúng ta thường thấy các thi nhân an bần, vui vẻ, không mải mê với thú vui thế tục, cũng không bị cuốn vào những tranh chấp đời thường. Tuy nhiên, ít ai biết rằng đằng sau họ là những gian truân đầy khúc mắc.

Mặc dù Lưu Vũ Tích từ đầu đến cuối luôn hành xử một cách kiên nhẫn và vững vàng, nhưng vẫn khiến quan tri huyện căm ghét, điều này phản ánh sự khác biệt trong quan điểm giữa hai người.

Có câu nói rằng: “Đời người chuyện không như ý có đến tám phần mười”.

Khi một người cứ mãi bám víu, cuộc sống sẽ chỉ tràn đầy oán hận. Nhưng nếu biết mở rộng lòng, cuộc đời sẽ luôn như mùa xuân.

Trong cuộc sống, luôn tồn tại những điều không hoàn hảo. Có những lúc ta không thể làm hài lòng tất cả mọi người, và sẽ có người không hài lòng về ta. Tuy nhiên, những gì có thể buông bỏ thì hãy buông. Đừng để những điều nhỏ nhặt chi phối tâm trí và sức lực của mình. Khi cần thiết, hãy biết buông bỏ một cách quyết đoán để giải phóng bản thân khỏi những gánh nặng không cần thiết. Buông bỏ không có nghĩa là yếu đuối mà là sự hiểu biết sâu sắc về những gì thực sự quan trọng giúp ta hướng đến những điều tốt đẹp hơn trong cuộc sống.

Mong bạn hiểu rằng, “buông bỏ” không phải là mất mát, mà là một cách lựa chọn tinh tế để đạt được kết quả cuối cùng. Đó là một bước ngoặt, mở ra con đường mới đầy cơ hội và hy vọng.

Vì sợ mất mà nắm chặt tay, nhưng chẳng bằng mở rộng đôi cánh, quên đi được mất, thản nhiên đối diện với tất cả. Khi ta không còn sợ hãi, không còn bận tâm đến được mất, ta mới có thể thật sự tự do. Đó là lúc ta dám bước ra khỏi vùng an toàn, đón nhận mọi thử thách, và tìm thấy những cơ hội mới dù có thể là gian khó. 

Cuộc sống vốn dĩ không thể tránh khỏi mất mát, nhưng chính trong những mất mát ấy ta sẽ trưởng thành và khám phá ra giá trị thật sự của bản thân.

Trúc Nhi biên dịch
Theo Sound Of Hope