So sánh tình hình tài chính với mọi người có thể gây hại cho sức khỏe của bạn
- Minh Minh
- •
Cảm thấy yếu kém khi so sánh tình hình tài chính của bản thân với người khác có thể khiến bạn muốn tách mình ra khỏi xã hội. Sự cô đơn có thể làm suy yếu hệ miễn dịch và tim mạch.
Mới đây, một nghiên cứu của các chuyên gia y tế công cộng ở Canada đã phát hiện ra rằng sự bất bình đẳng về tài chính đang gây ra một cuộc khủng hoảng lớn liên quan đến sức khỏe tâm thần của con người.
Nghiên cứu được công bố lần đầu tiên vào mùa thu năm 2023. Theo đó, khi bạn cảm thấy bản thân kém cỏi hơn so với người khác thì rất có thể bạn sẽ bị tăng nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe (dẫn đến tử vong) và bị rối loạn sử dụng chất kích thích – một hiện tượng mà các nhà nghiên cứu gọi là “cái chết vì tuyệt vọng”. Họ đã đánh giá dữ liệu điều tra dân số, dữ liệu khảo sát sức khỏe cộng đồng, tỷ lệ nhập viện và tử vong kể từ năm 2006. Khái niệm này được mô hình hóa sau khi nghiên cứu được công bố vào năm 2015 với dữ liệu từ người dân Mỹ.
Trong thập kỷ qua, tỷ lệ lạm phát ở Mỹ đã tăng gấp đôi, khiến cho việc tìm nhà ở, mua hàng tạp hóa, nuôi gia đình của người dân ngày càng trở nên khó khăn hơn.
Dữ liệu gần đây từ Cục Điều tra Dân số Hoa Kỳ cho thấy, từ năm 2019 đến năm 2022, 1% hộ gia đình Mỹ có thu nhập cao nhất nắm giữ khoảng 26,5% giá trị tài sản ròng của hộ gia đình, trong khi nhóm 1/5 hộ gia đình có thu nhập thấp nhất chỉ nắm giữ hơn 6% – và khoảng cách ngày càng tăng. Tỷ lệ sử dụng ma túy quá liều, xơ gan do rượu và tự tử ngày càng gia tăng ở Canada và Mỹ trong thập kỷ qua. Các nhà nghiên cứu cho biết tình trạng các chỉ số sức khỏe cộng đồng suy giảm chắc chắn có liên quan trực tiếp đến điều kiện kinh tế của người dân.
Bất bình đẳng thu nhập làm xói mòn sự gắn kết xã hội và dẫn đến sự cô đơn
Tiến sĩ Claire Benny, nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Bộ Y tế Công cộng Ontario và tác giả chính của nghiên cứu ở Canada, cho biết sự bất bình đẳng về thu nhập có thể gây ra cảm giác xấu hổ và bất hạnh cho con người.
Khoảng cách giàu nghèo có thể gây ra sự so sánh xã hội nghiêm trọng. Những người có thu nhập cao hơn hoặc ít hơn người khác có xu hướng khó kết nối với hàng xóm, đặc biệt là với những người cùng lứa tuổi. Nếu những người hàng xóm mất đi sự ủng hộ và tin tưởng lẫn nhau thì sự gắn kết xã hội sẽ dần bị xói mòn.
“Thật khó để sống trong một khu phố mà bạn cảm thấy không tin tưởng hoặc không hiểu những gì đang diễn ra xung quanh mình”, Benny nói.
Tình trạng xói mòn gắn kết xã hội có thể là một trong những nguyên nhân gây ra đại dịch cô đơn ở Hoa Kỳ – theo tuyên bố của bác sĩ phẫu thuật Vivek Murthy. Sự cô đơn có thể gây tác động xấu đến cơ thể chúng ta, làm tăng sự lo lắng và hormone căng thẳng, đồng thời làm suy yếu hệ miễn dịch và tim mạch.
Việc theo dõi những người giàu có trên mạng xã hội có thể khiến công chúng cảm thấy bất công, phẫn nộ vì khoảng cách tài chính. Các gia đình có kinh tế trung bình không bao giờ với tới cuộc sống của các gia đình giàu có.
Một cuộc khảo sát năm 2023 của Schwab cũng cho thấy 61% Gen Z và Gen Y cảm thấy bản thân giàu có, đầy đủ khi họ có khả năng chi trả tương tự như bạn bè của họ. Nhận thức về sự giàu có của họ chủ yếu dựa trên những gì bạn bè họ chi tiêu.
Benny cho biết căng thẳng về tài chính và sự mất kết nối cộng đồng do căng thẳng về tài chính có thể gây ảnh hưởng đến hạnh phúc của chúng ta.
Các yếu tố xã hội nói trên có thể khiến con người mắc chứng lo âu, trầm cảm, rối loạn sử dụng chất gây nghiện. Những người bị gạt ra ngoài lề xã hội, nam giới trẻ và trung niên có nguy cơ mắc các tình trạng trên cao nhất.
“Dù ở khía cạnh kinh tế hay xã hội, việc giảm bất bình đẳng thu nhập đều mang ý nghĩa to lớn. Nó có thể giúp làm giảm số ca nhập viện và tử vong”, Benny nói.
Giảm khoảng cách giàu nghèo có thể có cuộc sống tốt hơn
Benny cho biết những khu vực có sự chênh lệch cao về thu nhập và vốn xã hội có xu hướng cung cấp ít dịch vụ y tế công cộng hơn cho người dân. So với những người hàng xóm giàu có thì những người có điều kiện kinh tế khiêm tốn thường gặp nhiều khó khăn hơn trong việc tiếp cận với các dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe tâm thần.
Theo Benny, các thành phố có thể làm giảm bất bình đẳng về thu nhập thông qua việc đánh thuế các nhóm thu nhập cao, tăng mức lương tối thiểu và củng cố các chương trình thu nhập. Các chương trình thí điểm thu nhập cơ bản được đảm bảo đang ngày càng trở nên phổ biến ở nhiều thành phố của Mỹ và đã được chứng minh là có tác dụng giúp những người vô gia cư tìm nơi trú ẩn.
Khoảng cách thu nhập tồn tại ở mọi khu vực với nhiều mức độ khác nhau. Vậy nên nếu bạn muốn chuyển đến một thành phố mới để trốn tránh thực tại thì đó không phải là giải pháp hay. Theo Benny, nếu muốn cải thiện sức khỏe cộng đồng và giảm sự kỳ thị của xã hội đối với tài chính thì chúng ta cần bắt đầu trên quy mô rộng – tức là giải quyết sự chênh lệch về kinh tế.
“Nếu chúng ta muốn giảm bớt những gánh nặng đang gây ảnh hưởng xấu lên sức khỏe con người thì chúng ta cần giải quyết nguyên nhân gốc rễ – sự bất bình đẳng về thu nhập”, bà nói.
Từ khóa sức khỏe tình hình tài chính