Một người TQ nói về giáo dục Nhật Bản (P1): Một quốc gia an nhiên
- Tâm Di
- •
Sự khác biệt trong giáo dục từ bé sẽ giúp hình thành nên tính cách của trẻ về sau này, từ đó mở rộng thành thói quen ứng xử và văn hóa của một quốc gia. Dưới đây là những suy nghĩ của một người Trung Quốc sau khi trải nghiệm văn hóa giáo dục tại Nhật Bản.
Tôi đã sống ở Trung Quốc hơn mười mấy năm, đã hoàn toàn quen thuộc với giáo dục kiểu Trung Quốc, vì vậy dù có ra nước ngoài thì cũng rất khó thay đổi. Nhật Bản là một quốc gia rất yên tĩnh, người Trung Quốc đến nơi đây cũng vẫn luôn tự xem mình là trung tâm, bao gồm cả giáo dục con cái. Khi vừa mới đến nước Nhật, tôi thường hay nói chuyện lớn tiếng ở nơi công cộng, nói điện thoại to tiếng trên xe điện, khi đó người Nhật hay nhìn tôi bằng ánh mắt kì lạ, nhưng tôi lại không cảm thấy có gì không ổn cả, mà ngược lại còn nghĩ rằng người Nhật thật là kì lạ. Đương nhiên điều này cũng đã tác động đến con tôi.
Mấy năm trước các con tôi vừa mới lên tiểu học, tôi đi xe buýt cùng chúng đến trạm xe. Các con đang ngồi yên thì bắt đầu cười nói lớn tiếng, sau đó lại còn nghịch phá trên xe buýt, còn tôi thì chỉ ngồi đó nhắc nhở chúng vài câu, hoàn toàn không hề để tâm chút nào cả. Vì vậy các con vẫn cứ tiếp tục cười cười nói nói như chốn không người và tôi chẳng thèm quản chúng nữa.
Sau khi xuống xe, có một người phụ nữ trung niên cùng ngồi trên xe với chúng tôi đi theo, nói: “Xin hãy đợi một lát, vừa rồi gia đình đã rất ồn ào lúc ở trên xe buýt, cảm phiền sau này đừng nói chuyện lớn tiếng như thế trên xe buýt nữa.” Tôi nghe lời bà ấy nói xong thì ngây ra, bà ấy lại nói tiếp: “Vừa rồi chẳng phải là gia đình đã rất ồn ào đó sao? Cảm phiền đừng để con cái nói chuyện lớn tiếng trên xe buýt nữa, như vậy thật sự rất không tốt.”
Lúc này thì tôi mới hiểu ý bà ấy. Xe buýt công cộng dù gì cũng không phải là nhà mình, phải nghĩ đến cảm nhận của người khác. Tôi xấu hổ nói: “Thật sự rất xin lỗi, đã làm phiền cô rồi.” Bà ấy thấy tôi thành khẩn xin lỗi nên cũng vừa lòng bỏ đi. Sau đó lúc đi xe điện, các con trở nên rất yên lặng. Tôi cũng chú ý hơn đến cử chỉ của chúng, sợ lại làm phiền người khác.
Sống ở Nhật lâu rồi tôi mới hiểu được rằng Nhật Bản là một quốc gia rất yên tĩnh và cũng đã hiểu được cách tư duy của người Nhật. Một ngày nọ, tôi đi một chuyến xe buýt khá nóng nực, có hai cha con ngồi hàng ghế phía sau tôi. Đứa bé trai cứ nói không ngừng: “Nóng quá ạ! Nóng quá ạ! Nóng quá…”, còn người cha kia lại nhắc con: “Đừng nói nữa, ồn quá đi!” Tôi không nhịn được quay đầu lại nhìn họ. Ấy vậy mà, người cha đó đã rất xấu hổ, ông ta mong con trai đừng nói nữa, nhưng đứa bé thì vẫn cứ nói không ngừng. Thật ra giọng của đứa bé thì không lớn, nhưng người cha lại cứ nhắc: “Ồn quá đi, ồn quá đi…” Vài phút sau, máy lạnh trong xe mở lên, cuồi cùng đứa bé cũng chịu yên lặng. Tôi cực kỳ ấn tượng với người cha này, liên tục kiên nhẫn dạy con.
Một lần khác khi tôi đi thang máy ở trung tâm thương mại, trong thang máy đầy người, nhưng lại cực kỳ yên tĩnh. Lúc này có một người đàn ông đang bế con gái độ hai tuổi. Cô bé bỗng la lên, mọi người đều nhìn về phía họ. Người cha lập tức nói với con gái: “Thật ngại quá!” Ông ấy dùng ngón tay ra hiệu cho con gái đừng la nữa nhưng cô bé không nghe lời. Tôi đang nghĩ là muốn đứa bé cỡ này yên tĩnh thật sự rất khó khăn thì lúc này cửa thang máy mở ra, ông ấy lập tức ngại ngùng bế con gái đi thật nhanh ra khỏi thang máy.
Ở nơi công cộng, tôi thường hay thấy những người Nhật bên cạnh mình đều rất yên tĩnh, con cái của họ cũng vậy. Đương nhiên đôi khi cũng có những đứa bé khóc la, thậm chí còn nằm dài ra đất khóc nữa, nhưng phụ huynh của các bé này chỉ nhẹ nhàng dạy dỗ con, không hề la mắng con của mình. Lúc đó tôi mới hiểu ra vì sao Nhật Bản lại là một quốc gia yên tĩnh như thế. Bởi vì từ nhỏ người Nhật đã giáo dục con cái phải cố gắng hết sức không được làm phiền người khác, nhất là phải nghĩ cho người khác khi ở nơi công cộng. Khi xảy ra động đất, người Nhật cũng vẫn có thể yên tĩnh đứng xếp hàng đợi, bởi vì không thể chỉ nghĩ đến bản thân mà quên đi lợi ích của người khác.
- Xem phần 2
Theo Vision Times tiếng Trung
Tâm Di
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa Giáo dục Trung Quốc Giáo dục Nhật Bản Văn hóa ứng xử Thói quen ứng xử