Nhiều người thắc mắc vì sao có người hút thuốc lá suốt đời, thậm chí mỗi ngày một bao nhưng vẫn sống khỏe mạnh đến tuổi 90 mà không hề mắc ung thư phổi. Trong khi đó, không ít người chưa từng hút thuốc lại bị căn bệnh này. Liệu đây chỉ là may mắn hay còn có nguyên nhân nào khác ẩn sau hiện tượng tưởng chừng phi lý này? 

shutterstock 466235093
Tại sao có người hút thuốc lá suốt đời nhưng không bị ung thư phổi? (Ảnh minh họa: Shutterstock)

Ngày 17 tháng 11 là Ngày Ung thư Phổi Thế giới. Hút thuốc được xem là yếu tố nguy cơ lớn nhất gây ra ung thư phổi. Ngoài ra, thói quen này còn làm tăng nguy cơ mắc các loại ung thư khác như ung thư bàng quang, thực quản, miệng, vú…

Tuy nhiên, điều khiến nhiều người thắc mắc là: Tại sao có người hút thuốc suốt đời vẫn không bị ung thư phổi, thậm chí sống khỏe mạnh đến 90 tuổi, trong khi một số người chưa từng hút thuốc lại mắc bệnh này? Chuyện gì đang xảy ra vậy?

Theo các chuyên gia, có ba lý do chính có thể giải thích hiện tượng này.

1. Những người hút thuốc nhưng sống thọ: Sự khác biệt cá nhân và yếu tố di truyền

Việc hút thuốc không đồng nghĩa tuyệt đối với nguy cơ mắc ung thư phổi. Trên thực tế, vẫn có những người không hút thuốc nhưng vẫn mắc bệnh này, trong khi một số người hút thuốc suốt đời lại không hề bị ung thư phổi, thậm chí còn sống thọ. Một trong những lý do quan trọng được chỉ ra là yếu tố di truyền.

Một số người bẩm sinh đã sở hữu hệ gen “đặc biệt” – mang lại khả năng phục hồi và sửa chữa tế bào mạnh mẽ. Giống như trong xã hội luôn tồn tại một nhóm nhỏ những “thiên tài” với năng lực vượt trội ở một lĩnh vực nào đó, thì về mặt sinh học cũng có những cá nhân có cơ địa khác biệt, tuy nhiên, những trường hợp này rất hiếm.

Theo một nghiên cứu tại Hoa Kỳ, những người hút thuốc nhưng vẫn sống lâu có thể sở hữu một số dạng đột biến di truyền bẩm sinh giúp tăng cường khả năng sửa chữa DNA và duy trì hoạt động tế bào. Nhờ đó, tác hại của thuốc lá đối với họ được giảm thiểu đáng kể so với phần lớn người khác.

Nói cách khác, mặc dù hút thuốc vẫn gây hại, nhưng ở những người có khả năng tự phục hồi cao, tổn thương tế bào ít nghiêm trọng hơn. Dù vậy, nếu không hút thuốc thì họ có thể còn sống thọ hơn nữa.

2. Ung thư không do một yếu tố đơn lẻ gây ra

Về bản chất, phần lớn các trường hợp ung thư không xuất phát từ một nguyên nhân duy nhất mà là kết quả của sự kết hợp giữa nhiều yếu tố nguy cơ.

Nói cách khác, ngoài hút thuốc thì còn nhiều yếu tố khác có thể góp phần làm tăng nguy cơ mắc ung thư phổi. Chẳng hạn, người có tiền sử gia đình bị ung thư (yếu tố di truyền), sống lâu dài trong môi trường ô nhiễm không khí, phụ nữ thường xuyên tiếp xúc với khói bếp, hoặc những người làm việc trong môi trường độc hại – như tiếp xúc lâu dài với amiăng, khói than, hắc ín, asen, v.v. – đều có nguy cơ cao hơn bình thường.

Trong một số trường hợp, người hút thuốc có thể duy trì lối sống lành mạnh ở các khía cạnh khác – như chế độ ăn uống, vận động, kiểm soát căng thẳng – giúp làm giảm bớt tác động tiêu cực của việc hút thuốc. Do đó, nguy cơ ung thư phổi là kết quả của sự tổng hòa nhiều yếu tố chứ không thể quy trách nhiệm hoàn toàn cho một nguyên nhân duy nhất.

Tương tự như việc đánh giá thành tích học tập của học sinh: không thể chỉ nhìn vào một môn học để kết luận tổng thể. Sức khỏe và bệnh tật cũng chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố kết hợp.

3. Thiên kiến của người sống sót

Một yếu tố khác cần lưu ý là hiện tượng “thiên kiến của người sống sót”, khiến chúng ta dễ đưa ra nhận định sai lệch.

Thực tế, những người hút thuốc nhưng vẫn sống thọ tới 90 tuổi thường thu hút sự chú ý, vì họ là những ví dụ hiếm hoi và nổi bật. Tuy nhiên, khi chỉ nhìn vào một nhóm nhỏ những người sống sót này, chúng ta đang vô tình bỏ qua số đông những người đã mắc bệnh hoặc tử vong sớm – điều này khiến nhận thức của chúng ta bị “lọc” một cách không chủ ý. Việc rút ra kết luận từ một vài trường hợp cá biệt và áp dụng nó cho toàn bộ là điều thiếu khách quan và sai lệch về mặt thống kê.

Trong cuộc sống, nhiều hiện tượng mang tính xác suất. Hút thuốc làm tăng nguy cơ mắc ung thư phổi nhưng không có nghĩa là mọi người hút thuốc đều sẽ mắc bệnh. Tương tự, người học chăm chỉ không phải lúc nào cũng đạt điểm cao, nhưng xác suất họ thành công thường cao hơn người không nỗ lực.

Cũng vậy, xét trên xác suất, người hút thuốc có nguy cơ mắc ung thư cao hơn người không hút và mức độ rủi ro tăng lên theo thời gian và lượng thuốc tiêu thụ. Càng hút nhiều, nguy cơ càng lớn.

Kết luận

Dù có những trường hợp ngoại lệ sống thọ dù hút thuốc, điều đó không đồng nghĩa với việc hút thuốc là vô hại. Mỗi người có yếu tố di truyền, lối sống và môi trường sống khác nhau – tất cả kết hợp lại để quyết định tình trạng sức khỏe.

Chúng ta không nên bỏ qua những rủi ro đã được khoa học chứng minh liên quan đến việc hút thuốc. Để bảo vệ sức khỏe một cách tối ưu thì lựa chọn sáng suốt nhất vẫn là không hút thuốc. Và nếu bạn không hút, hãy cố gắng tránh xa khói thuốc thụ động để bảo vệ chính mình và những người xung quanh.

Trúc Nhi biên dịch
Theo Secretchina