Một nghiên cứu của Đại học Sydney đã phát hiện ra rằng những học sinh bị trầm cảm có khả năng hút thuốc lá điện tử cao gấp đôi so với những học sinh không có triệu chứng trầm cảm.

thuoc la dien tu 2
Ngày càng có nhiều người Mỹ trẻ tuổi chuyển sang sử dụng thuốc lá điện tử, với hơn 1/5 học sinh trung học sử dụng thuốc lá điện tử thường xuyên. (Ảnh: Aleksandr Yu/ Shutterstock)

Nghiên cứu đã khảo sát hơn 5.000 học sinh lớp 7 và lớp 8 từ 40 trường học ở New South Wales, Queensland và Tây Úc từ tháng 5 đến tháng 10/2023, tạo ra một trong những tập dữ liệu lớn nhất về việc hút thuốc lá điện tử ở thanh thiếu niên tại Úc.

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng 8,3% trong số 5.157 học sinh được khảo sát (428 học sinh) đã sử dụng thuốc lá điện tử.

Hút thuốc lá điện tử chiếm 74% ở những học sinh báo cáo bị căng thẳng ở mức vừa phải và 64% ở những học sinh bị căng thẳng ở mức cao.

Ngoài ra, tỷ lệ hút thuốc lá điện tử cao hơn 105% ở những học sinh có sức khỏe kém so với những học sinh có sức khỏe tốt.

Mặt khác, các triệu chứng lo âu không liên quan đến việc sử dụng thuốc lá điện tử.

Dữ liệu cơ sở cho nghiên cứu này được lấy từ Thử nghiệm Hút thuốc lá điện tử OurFutures – là thử nghiệm có kiểm soát đầu tiên và duy nhất của Úc về phòng ngừa thuốc lá điện tử tại trường học.

Tiến sĩ Lauren Gardner, đồng lãnh đạo của chương trình Thử nghiệm Hút thuốc lá điện tử OurFutures tại Trung tâm Matilda của Đại học Sydney, cho biết cần phải nghiên cứu thêm để hiểu rõ hơn về mối quan hệ giữa sức khỏe tâm thần và thuốc lá điện tử.

“Thiếu dữ liệu về mối liên quan giữa thuốc lá điện tử ở thanh thiếu niên và sức khỏe tâm thần, đặc biệt là trong bối cảnh chỉ được thực hiện tại Úc”, bà Gardner cho biết.

“Điều quan trọng là chúng tôi phải giải quyết vấn đề này vì chúng tôi đang chứng kiến ​​cả việc hút thuốc lá điện tử và tình trạng sức khỏe tâm thần ngày càng gia tăng ở những người trẻ tuổi.

“Những phát hiện này làm nổi bật nhu cầu cấp thiết về các phương pháp phòng ngừa và can thiệp sớm, được trợ giúp bởi bằng chứng, để nâng cao sức khỏe, hạnh phúc ngắn hạn và dài hạn của những người trẻ tuổi.”

Phó giáo sư Emily Stockings, cũng đến từ Trung tâm Matilda, cho biết thêm rằng, ngày càng có nhiều bằng chứng về mối quan hệ giữa thuốc lá điện tử và sức khỏe tâm thần.

“Thuốc lá điện tử có liên quan đến sự khởi phát của các vấn đề sức khỏe tâm thần và ngược lại,” đồng tác giả Stockings cho biết. “Mặc dù không được xem xét trong nghiên cứu của chúng tôi, nhưng mối quan hệ này có thể được giải thích bằng các yếu tố rủi ro xã hội, môi trường và di truyền chung, hoặc có thể chỉ ra các hành vi tự chữa bệnh có thể xảy ra.”

Bà cho biết, trong ngắn hạn, “nicotine có thể làm giảm cảm giác lo lắng, căng thẳng và những người trẻ tuổi có thể tìm đến thuốc lá điện tử như một cơ chế đối phó.”

“Bất kể là sức khỏe tâm thần có ảnh hưởng đến việc hút thuốc hay không, thì rõ ràng là, nếu chúng ta muốn ngăn ngừa việc hút thuốc lá điện tử thì chúng ta cần phải giải quyết đến cả vấn đề sức khỏe tâm thần cùng lúc.”

Kết quả của nghiên cứu đã được công bố trên Australian and New Zealand Journal of Psychiatry (Tập san Tâm thần học của Úc và New Zealand).

Cần phải trao đổi với chuyên gia y tế

Vào ngày 1/7/2024, chính phủ Liên bang đã cấm bán, cung cấp và nhập khẩu thuốc lá điện tử không phải ở dạng thuốc điều trị tại Úc.

Do đó, hiện tại, mọi người phải tham khảo ý kiến ​​bác sĩ và xin đơn thuốc cho việc dùng thuốc lá điện tử để điều trị từ các hiệu thuốc địa phương.

“Những người dưới 18 tuổi sẽ luôn cần phải làm điều này,” chính phủ tuyên bố.

Tuy nhiên, đối với những người trên 18 tuổi, bắt đầu từ ngày 1/10, có thể được mua các sản phẩm thuốc lá điện tử sau khi thảo luận về việc sử dụng chúng với dược sĩ mà không cần đơn thuốc.

Các sản phẩm thuốc lá điện tử trị liệu sẽ được để sau quầy, với nồng độ nicotine và số lượng phân phối được kiểm soát chặt chẽ. Bao bì có hình thức đơn giản, giống như dược phẩm và hương vị sẽ giới hạn ở mùi thuốc lá, tinh dầu bạc hà và bạc hà.

Dược sĩ cũng cần phải xác minh ID (căn cước công dân) có ảnh và thảo luận về các nguy cơ sức khỏe với khách hàng.

Nghiên cứu của Hoa Kỳ cũng tìm thấy mối liên quan tương tự

Một nghiên cứu riêng biệt về 2.505 thanh thiếu niên do Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ thực hiện cũng cho thấy có mối liên quan giữa thuốc lá điện tử và các tình trạng sức khỏe tâm thần.

Nghiên cứu này cho thấy, những người hút thuốc lá điện tử chỉ có nicotine, những người hút thuốc lá điện tử chỉ có tetrahydrocannabinol (THC) và những người hút thuốc lá điện tử có cả nicotine và THC báo cáo có nhiều triệu chứng lo âu và trầm cảm hơn so với những người cùng lứa tuổi.

Hơn một nửa số người hút thuốc lá điện tử này báo cáo là họ đã gặp phải các triệu chứng trầm cảm, so với 25% người không hút thuốc lá điện tử.

Trong một phát hiện quan trọng khác, 60% những người hút thuốc lá điện tử này tự báo cáo về các triệu chứng lo âu, so với 40% người chưa bao giờ hút thuốc lá điện tử.

Những triệu chứng lo âu này rất phổ biến ở những người chỉ hút thuốc lá điện tử THC. THC là thành phần hướng thần chính của cần sa, là chất bất hợp pháp ở hầu hết các tiểu bang và vùng lãnh thổ của Úc.

Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng khoảng 20% những người chỉ hút thuốc lá điện tử nicotine và những người hút thuốc lá điện tử với cả 2 loại trên, nếu khởi đầu của việc hút thuốc lá điện tử là để đối phó với chứng trầm cảm thì sẽ tiếp tục hút như vậy vì lý do này.

Phó giám đốc Khoa học và Y khoa của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ – bà Rose Marie Robertson cho biết, cần phải có nghiên cứu trong tương lai để xem xét về mối liên quan lâu dài giữa sức khỏe tâm thần và thuốc lá điện tử.

“Ngoài ra, cũng cần có các chiến dịch truyền thông và chương trình giáo dục hiệu quả để nâng cao hiểu biết của thanh thiếu niên và người trẻ tuổi về những rủi ro khi sử dụng thuốc lá điện tử.”

Bà Loren E. Wold, Trợ lý Trưởng khoa Nghiên cứu Sức khỏe Sinh học tại Khoa Điều dưỡng của Đại học Bang Ohio, cho biết thêm rằng, nghiên cứu này đã chứng minh được tầm quan trọng đáng kinh ngạc của các vấn đề về sức khỏe tâm thần ở những người sử dụng thuốc lá điện tử cả nicotine và THC.

“Khi mà các sản phẩm mới cứ liên tục xuất hiện trên thị trường thì tôi nghĩ rằng đây sẽ là điều mà chúng ta sẽ tiếp tục thấy,” bà cho biết.

“Những sản phẩm này được phát triển như một công cụ cai thuốc lá dành cho những người dùng thuốc lá truyền thống, vì vậy tôi rất tò mò về những tác động đối với sức khỏe tâm thần ở những người sử dụng các sản phẩm này để cai thuốc lá.”

shutterstock 170597423
Trong thuốc lá điện tử sử dụng nicotin là chất gây nghiện mạnh, ngoài ra, một số sản phẩm có thể chứa các chất độc nguy hiểm khác do không được kiểm soát. (Ảnh minh họa: Gianluca Rasile/Shutterstock)

Tình trạng sử dụng thuốc lá điện tử tại Việt Nam đã được ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết vào sáng ngày 03/05/2024 rằng năm 2023, Việt Nam ghi nhận hơn 1.200 người nhập viện do sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.

Đáng chú ý, trong hơn 1.200 bệnh nhân, có 27 em dưới 16 tuổi, 44 em từ 16-18 tuổi.

So với cùng kỳ năm 2022, số ca nhập viện tăng mạnh. Trong đó, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh 13-17 tuổi tăng từ 2,6% (năm 2019) lên 8,1% (năm 2023).

Ở nhóm 13-15 tuổi, tỷ lệ này đã tăng hơn gấp đôi, từ 3,5% (năm 2022) lên 8% năm 2023. Ở nữ giới từ 11-18 tuổi, con số này là 4,3%.

Tiến sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống Độc, Bệnh viện Bạch Mai, cho hay, trong thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng loại mới chứa nhiều hương liệu, hóa chất không phải từ nguyên liệu thuốc lá điếu thông thường.

Bên chế biến có thể tự ý tăng tỷ lệ nicotin quá mức hoặc thêm ma túy cũng như các chất gây nghiện khác, gây hại cho người sử dụng. Ngoài ra, chi phí điều trị cho những ca ngộ độc thuốc lá điện tử trộn ma túy lên đến hàng trăm triệu đồng.

Ông Nguyên đề nghị, Việt Nam cần khẩn cấp cấm việc sản xuất, lưu hành thuốc lá điện tử.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đã có ít nhất 39 quốc gia và vùng lãnh thổ cấm hoàn toàn thuốc lá điện tử. Trong khu vực ASEAN, 5 quốc gia cấm hoàn toàn thuốc lá điện tử là Thái Lan, Singapore, Lào, Brunei, và Cambodia.

Đối với thuốc lá nung nóng, ít nhất 18 quốc gia đưa ra lệnh cấm, trong đó có 5 quốc gia thuộc ASEAN gồm Cambodia, Lào, Singapore, Thái Lan, và Brunei.

Khánh Ngọc (biên dịch và t/h)
Theo The Epoch Times 

Xem thêm: