Trong tác phẩm ‘Giáo Phụ’ có câu: “Người có thể nhìn thấu bản chất của sự việc trong một giây và người phải mất cả đời để hiểu bản chất của sự việc có số phận khác nhau”. Cũng đều là nhận ra bản chất, nhưng sao lại có khác biệt lớn đến vậy? Phải chăng nó chính là biểu hiện của sự thông minh?

ban chat cua thong minh chinh la thua nhan minh ngoc nghech 1
Thông minh là một quá trình nhanh chóng nhận ra sự ngu ngốc và tìm cách thoát khỏi nó. (Ảnh: Eakachai Leesin/ Shutterstock)

Cuộc đời của mỗi người có cái nhìn sâu sắc sẽ rất khác biệt với những người khác. Loại hiểu biết sâu sắc này, có thể được gọi là thông minh. Trên thực tế, ai cũng đều mong ước mình sở hữu trí thông minh hơn người. Ngay cả những người rất thông minh cũng muốn trở nên thông minh hơn nữa, nhưng câu hỏi đặt ra là làm thế nào mọi người có thể trở nên thông minh hơn và họ có thể làm gì để có được cái nhìn sâu sắc kia?

Để trở nên thông minh chắc chắn không phải là điều dễ dàng nhưng cũng không quá xa vời. Thực tế thì trí thông minh là thứ mà tất cả mọi người đều có thể có được thông qua việc rèn luyện có ý thức, đó là một cách để đạt được những hiểu biết sâu sắc.

Trí thông minh không phải tài năng

Mặc dù người thông minh có thể học hỏi kiến thức và kỹ năng hiệu quả hơn những người khác nhưng hai điều này không phải là một. Thông minh không hoàn toàn là chỉ số IQ cao mà chỉ là một phần của nó, thậm chí nó còn không phải là một phần quan trọng, IQ bẩm sinh chỉ giống như một công cụ mà thôi.

Hầu hết mọi người nghĩ rằng trong những điều kiện giống nhau, người có thể hoàn thành công việc nhanh hơn và hiệu quả hơn là người thông minh hơn. Ví như, nếu hai người chặt cây thì IQ của họ chính là chiếc rìu, IQ của họ có cao hay không thể hiện qua độ sắc bén của rìu. Như vậy, có nghĩa là hiệu quả làm việc của hai người này được quyết định bởi độ sắc bén của chiếc rìu sao? Thật ra điều này chưa hoàn toàn đúng, bởi ngoài độ sắc bén của chiếc rìu, thì yếu tố quyết định hiệu quả chặt cây còn phụ thuộc vào phương pháp sử dụng chiếc rìu và thời gian sử dụng nữa.

Công cụ phù hợp, phương pháp đúng và sự siêng năng có thể mang lại hiệu quả cao. Lúc này nếu có người dùng máy cưa chuyên dụng để đi chặt cây thì chiếc rìu có sắc bén đến đâu cũng vô ích, tư duy của vấn đề này chính là như vậy.

ban chat cua thong minh chinh la thua nhan minh ngoc nghech 2
Thông minh không hoàn toàn là chỉ số IQ cao mà chỉ là một phần của nó, thậm chí nó còn không phải là một phần quan trọng, IQ bẩm sinh chỉ giống như một công cụ mà thôi. (Ảnh minh họa: Reddogs/ Shutterstock)

Mối quan hệ giữa cái nhìn sâu sắc và trí thông minh

Quay lại câu nói trong tác phẩm ‘Giáo Phụ’: “Người có thể nhìn thấu bản chất của sự việc trong một giây và người phải mất cả đời để hiểu bản chất của sự việc có số phận khác nhau”.

Mối quan hệ giữa cái nhìn sâu sắc và trí thông minh là gì? Có thể nhìn thấu bản chất của sự vật là kết quả của trí thông minh. Vậy điều gì tạo nên trí thông minh? Câu trả lời là phát triển thói quen quan sát thế giới một cách hợp lý. Điều này nghe có vẻ hơi trừu tượng, tuy nhiên một bài toán dù phức tạp đến đâu cũng sẽ bắt đầu bằng một công thức mà thôi, tất cả đều có thể lý giải được. Như vậy để có thể sở hữu trí thông minh thông qua thói quen quan sát, chúng ta cần đi từng bước và giải thật cẩn thận bài toán thú vị này:

Bước 1: Quan sát – tìm quy luật

Nếu bạn có thể quan sát thế giới một cách hợp lý và tỉ mỉ, bạn sẽ dễ dàng tìm thấy một quy luật bất biến rằng con người là có hạn và thế giới là vô hạn. Toàn bộ tri thức vũ trụ là vô cùng thâm sâu rộng lớn, trong khi vốn tri thức mà con người đang sở hữu chỉ như một hạt bụi. Hơn nữa, những gì cá nhân chúng ta đã trải qua có lẽ còn không được tính bằng một hạt bụi trong toàn bộ lịch sử nhân loại.

Nhận thức được sự thiếu hiểu biết của mình là điều kiện cơ bản để con người trở nên thông minh. Như vậy kết luận trong bước một chính là chúng ta cần duy trì thái độ khiêm tốn và kính sợ khi đối mặt với thế giới này.

Triết gia Socrates từng nói: “Điều duy nhất tôi biết là tôi không biết gì cả.” Sự khiêm tốn của người thông minh xuất phát từ nội tâm chứ không phải chỉ giả vờ thể hiện sự khiêm tốn. Ở đây còn có một điểm thú vị chính là người thông minh chân chính quả thực rất khiêm tốn và tôn trọng thiên hạ. Tuy nhiên, họ sẽ không chấp nhận nếu người khác giở trò gì đó trước mặt họ hoặc cố chấp giữ vững một quan điểm sai lầm, bởi họ rất nhạy cảm với điều đó, cho nên họ có thể thiếu kiên nhẫn hoặc bỏ đi.

Người ngốc thực sự là thích làm bất cứ điều gì mình muốn. Họ coi mình như một người biết đo lường tất cả. Trong khi người sở hữu trí thông minh thực sự thường mang lòng tôn trọng thiên hạ nhưng thường “thiếu kiên nhẫn” với những người ngu ngốc. Họ sẽ không lãng phí thời gian để chứng tỏ bản thân trước những người ngu ngốc này. Bởi vì họ cho rằng điều này sẽ khiến họ còn ngu ngốc hơn cả những người ngu ngốc kia.

Bước 2: Dám thừa nhận sự yếu kém của bản thân và thay đổi nó

Người thông minh thường thừa nhận sự thiếu hiểu biết của mình từ tận đáy lòng. Quả thực, người thông minh sẽ không sợ mình ngu ngốc, họ dám đối mặt và công khai thừa nhận rằng bản thân thực sự thiếu sót ở một số điểm nhất định nào đó. Họ thấy chẳng ích gì khi phải cố gắng che giấu sự ngu ngốc của mình. Nếu bị ai đó trêu chọc là kẻ ngốc, họ không những không tức giận mà còn xin lời khuyên từ người đó.

Người thông minh hiểu rằng bất kỳ ai cũng sẽ có thể mắc sai lầm. Không ai có thể lúc nào cũng đúng, vì vậy người thông minh sẽ không “mê tín” vào bản thân hay bất kỳ ai khác.

Bước 3: Tiếp thu ý kiến của người khác một cách chân thành

Sau khi thừa nhận sự thiếu hiểu biết của mình, người thông minh sẽ trở nên cởi mở hơn trong việc chấp nhận và tiếp thụ ý kiến của người khác. Nhận thức của con người có những hạn chế nên trong việc quan sát thế giới sẽ xuất hiện sự sai lệch, giống như người mù sờ voi vậy. Vì có sự sai lệch nên cần điều chỉnh bằng cách nhìn ra bên ngoài, tham khảo quan điểm của người khác. Đây chính là lý do tại sao người ta nói rằng người thông minh có thể nhìn thấu bản chất của sự việc chỉ trong nháy mắt.

Mặc dù chúng ta không có khả năng nhìn thấy những thứ bên trong như tia X, nhưng chúng ta có thể điều chỉnh các tư duy về nhận thức thông qua quá trình quan sát nhiều lần. Hầu hết mọi người chỉ nhìn mọi thứ theo quan điểm của riêng họ, nhưng những người thông minh sẽ nhìn mọi thứ từ góc độ của bản thân, của người khác và từ nhiều khía cạnh khác nữa.

Nói chung, càng đến gần bạn sẽ thấy được toàn cảnh của sự vật. Ví như, nếu có thể nhìn thấy toàn bộ con voi thì sự hiểu biết về bản chất sự vật sẽ gần với thực tế hơn, cho nên mấu chốt chính là ở chỗ có khả năng thâm nhập vào bản chất của sự vật hay không. Cái nhìn sâu sắc thực chất chính là kết quả của trí thông minh.

Trí thông minh là có thể phát triển

– Trí thông minh không bằng lượng kiến thức tích lũy, cũng không hoàn toàn bằng IQ bẩm sinh.

– Cốt lõi của trí thông minh là kính sợ, khiêm tốn với thế giới.

– Thừa nhận sự thiếu hiểu biết của mình từ trong trái tim.

– Quan sát thế giới từ nhiều góc độ khác nhau và từ đó đến gần với bản chất của sự vật.

Sự phát triển trí tuệ của con người là quá trình nhanh chóng nhận ra và tách khỏi sự ngu ngốc này, bao gồm sự ngu ngốc của người khác và của chính mình, sau đó từ bỏ đam mê và nhảy ra khỏi chính mình, cuối cùng nhìn rõ bản chất của sự việc…